01:18 07/01/2022

Tăng cường thanh tra để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Áp lực quý I/2021 đối với điều hành giá năm 2022 là khó nhưng không nhiều. Tuy nhiên dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cơ quan quản lý cần thận trọng, tăng cường thanh tra kiểm soát giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong đó mặt hàng xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Kiểm soát giá cả lương thực, thực phẩm dịp Tết để tránh 'sốt' giá.

Đối với giá xăng dầu, nhiều ý kiến lo ngại có thể tăng trong thời gian tới, khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Giới chuyên gia dự báo: Mặt hàng này có thể lên tới hơn 100 USD/thùng.

 “Về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm dịp Tết sẽ tăng nhiều lần so với trước. Công tác chống hàng lậu hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng tràn vào nội địa mới kiểm soát là quá muộn, không hiệu quả. Lực lượng quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để "nhặt những hạt sạn" gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm, cuộc sống của rất nhiều người lao động khó khăn vì vậy, giá cả hàng hóa có tác động rất lớn đến tính toán chi tiêu của người dân. Ví dụ giá thịt lợn, hiện giá 1 kg sườn non trong siêu thị vẫn lên tới gần 200.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi ở mức thấp là 55.000 đồng/kg.

“Thời gian qua, trong khi giá lợn hơi có thời kỳ giảm đến trên 50%, thậm chí 60%, giá bán lẻ thịt lợn ở chợ, đặc biệt trong hệ thống siêu thị vẫn cao chót vót hoặc giảm đôi chút không đáng kể. Đây là mặt hàng quan trọng chiếm tới 70% tỷ trọng thịt tiêu dùng của các gia đình Việt Nam. Giá thịt lợn ngoài chợ giảm nhanh hơn siêu thị gây thiệt thòi cho người tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết.

Theo PGS TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính), cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu; đồng thời có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá đối với giá lương thực, thực phẩm, hoa quả, các mặt hàng thờ cúng, dịch vụ vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên đán.

Đề cập về những lo ngại lạm phát năm 2022, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Quốc hội đưa ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 4%. Để đạt được mục tiêu này sẽ có rất nhiều thách thức trong bối cảnh đặt ra cho năm 2022. Trong đó có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý và các yếu tố khác, trong đó có gói kích thích kinh tế.

“Cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Bá Minh cho biết: Qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc, giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế khó tăng nên áp lực lạm phát năm 2022 sẽ không quá cao.
"Hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn tiềm ẩn. Nếu tình hình dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 đều được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng phục hồi khi nhà hàng, trường học, khu du lịch mở cửa trở lại sẽ tạo cơ hội cho giá lợn hơi trong nước phục hồi trong năm 2022. Dự báo trong quý I/2022 giá lợn hơi có thể tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến. Khi sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi thành công, hiệu quả được sử dụng trên diện rộng thì thị trường lợn hơi ở nước ta sẽ bình ổn", ThS Hoàng Thị Vân - Viện Kinh tế - Tài chính dự báo.
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức