09:21 25/09/2019

Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy nguồn lực các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam

Chiều 25/9, tại tỉnh An Giang, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý nhà nước đối với nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo nhằm trao đổi và làm rõ quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước, làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích ảnh
Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

Từ đó, cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam giai đoạn tới; đồng thời góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đưa ra các vấn đề cần tập trung, thảo luận như: Các vấn đề chung về nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; đánh giá thực trạng nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; thảo luận và làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; đề xuất, kiến nghị, cung cấp cơ sở khoa học xây dựng quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo, công tác quản lý nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo (thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ) nêu một số vấn đề cơ bản liên quan đến nguồn lực tôn giáo như: Nhận diện nguồn lực tôn giáo, thể hiện ở hai phương diện là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất – nguồn vốn xã hội; phân loại các hoạt động liên quan đến nguồn lực tôn giáo trên cơ sở các hoạt động liên quan đến nguồn lực tinh thần của tôn giáo (vật thể và phi vật thể) và các hoạt động liên quan đến nguồn lực vật chất của tôn giáo (hoạt động từ thiện nhân đạo, hoạt động an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, hoạt động xã hội liên quan đến giáo dục, các hoạt động kinh tế và xã hội khác); một số vấn đề đặt ra trong các hoạt động liên quan đến nguồn lực tôn giáo hiện nay về khía cạnh Nhà nước và khía cạnh các tổ chức tôn giáo.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Tiến sĩ Lê Thị Liên khẳng định: Trong nhận thức đối với tôn giáo, Đảng và Nhà nước đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo, những đóng góp của tôn giáo đối với xã hội; đó chính là phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước.

Việt Nam có hơn 24,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số, đây chính là nguồn lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Tăng trưởng kinh tế ổn định hàng năm của đất nước có sự đóng góp từ nguồn nhân lực và nguồn vốn của tín đồ các tôn giáo; họ chính là người làm ra khối của cải khá lớn không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước... Tiến sĩ Lê Thị Liên khẳng định: Trong nguồn lực tôn giáo hiện có một bộ phận là trí thức, họ là tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và họ chính là nguồn nhân lực “chất lượng cao” được đào tạo bài bản và đang có những đóng góp trong việc xây dựng và phát triển đất nước; họ chính là người kiến thiết, kêu gọi nguồn vốn và tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội...

Tại hội thảo, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã trình bày 14 bài tham luận về nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Lãnh đạo Ban Tôn giáo Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre... nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực, nguồn vốn khi kết hợp với niềm tin tôn giáo không chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn thôi thúc các tổ chức và cá nhân tôn giáo nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Đại biểu các tỉnh, thành phố cũng cho rằng: Cùng với quá trình truyền giáo, các tôn giáo đã tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục của Đảng, Nhà nước, bằng việc phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo.

Hội thảo cũng thảo luận về các nội dung như: Cách nhận diện và phân loại hoạt động liên quan đến nguồn lực các tổ chức tôn giáo; những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng và tổ chức các hoạt động liên quan đến nguồn lực của các tổ chức tôn giáo; những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước đối với nguồn lực hiện nay; giải pháp quản lý và kiến nghị về chính sách, pháp luật để khơi thông nguồn lực tôn giáo vào phát triển đất nước...

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)