07:22 24/07/2019

Tăng cường quản lý Nhà nước các hội quần chúng

Các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác vận động quần chúng thông qua các hội, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo chính trị, định hướng hoạt động và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hội quần chúng.

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng tổ chức chiều 24/7.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Theo đồng chí Võ Thị Dung, 5 năm qua, các tổ chức hội hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương có hiệu quả; đồng thời đánh giá cao các đồng chí đảng viên nghỉ hưu đảm nhận công tác hội với tinh thần tự nguyện, tự quản, tự trang trải chi phí, thực hiện công tác từ thiện xã hội, tập hợp hội viên thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng về công tác dân vận; từng bước gắn hoạt động hội với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần tăng sự đồng thuận, thống nhất xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, huy động nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách, chương trình khuyến học…

Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng còn hạn chế; công tác xây dựng lực lượng nòng cốt chưa được chú trọng đúng mức; mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội với hội quần chúng có lúc, có nơi còn thiếu chủ động chưa chặt chẽ; nội dung phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới; việc vận động hiệp thương, sáp nhập một số hội có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động giống nhau hoặc gần giống nhau hoạt động kém hiệu quả…

Bên cạnh đó, các tổ chức đảng được phân công gắn bó hội quần chúng chưa sâu sát, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc hội hoạt động đúng định hướng; chưa hỗ trợ các hội tự trang trải kinh phí...

Từ thực tế trên, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với các hội quần chúng; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác hội.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng cần rà soát, quan tâm công tác xây dựng đảng trong các hội quần chúng, phát triển nòng cốt chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của đảng trong hoạt động hội, nhất là giới thiệu cán bộ, đảng viên có uy tín tham gia vào các vị trí chủ chốt, làm hạt nhân chính trị trong các hội quần chúng.

Các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của hội quần chúng; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội phát huy vai trò, tiềm năng thế mạnh tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của địa phương, đơn vị. Mặt khác, UBND Thành phố cũng rà soát lại các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động để vận động hiệp thương, hợp nhất, sáp nhập, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hội hoạt động không hiệu quả, không đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội và vi phạm pháp luật.

Đối với các cấp hội quần chúng cần phát huy tính tự quản, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, công tác tư tưởng chính trị trong hội viên, Đồng thời, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”. “tự chuyển hóa” trong tổ chức hội và hội viên,…

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, bằng những chương trình công tác của mình, phối hợp chặt chẽ với các hội tổ chức các hoạt động và làm nòng cốt trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xây dựng xã hội đồng thuận góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Thành phố,…

Thời gian qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập 1.334 hội hoạt động ở cấp Thành phố đến xã, phường, tập trung ở các lĩnh vực nghề nghiệp, hữu nghị, từ thiện nhân đạo, văn hóa, thể thao… Trong đó, chỉ có 24 hội có tính chất đặc thù với 227 biên chế sự nghiệp, còn lại đều tự hình thành và duy trì hoạt động.

Tin, ảnh: Hoàng Hải (TTXVN)