11:08 29/11/2011

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng: Cháy rừng đang giảm

Dù hiện tượng cháy rừng trên toàn quốc đã giảm, nhưng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn cần đặc biệt chú trọng.

Dù hiện tượng cháy rừng trên toàn quốc đã giảm, nhưng với  ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn cần đặc biệt chú trọng. Tình trạng cháy rừng ở nhiều địa phương giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thực hiện tốt phương châm “phòng là chính” và “4 tại chỗ”.

Giảm cả số lượng và diện tích cháy


Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, các tỉnh ở khu vực phía Bắc để xảy ra 42 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy, thiệt hại là 151 ha. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ cháy rừng giảm 530 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng đã giảm 2.632,5ha. Ở Lai Châu, tính đến tháng 9/2011, chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, chỉ xảy ra 6 vụ cháy thảm thực vật. Ở Cao Bằng, chỉ xảy ra 1 vụ cháy ở huyện Hòa An, thiệt hại 1 ha rừng.

Kiểm lâm huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) luyện tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Hà Thái -TTXVN


Cháy rừng ở miền Trung cũng giảm đáng kể. Tính đến hết tháng 9/2011, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 5 vụ cháy rừng và thực bì với 19,291 ha rừng bị thiệt hại. So với cùng kỳ năm 2010 đã giảm 39 vụ, diện tích thiệt hại về rừng cũng giảm 259,22 ha.

Ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, cháy rừng cũng giảm so với cùng kỳ.

Hiệu quả từ phòng là chính

Cháy rừng giảm là kết quả của việc triển khai thực hiện tích cực các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo Cục Kiểm lâm, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc các phương án, nhiệm vụ đề ra với phương châm: “Phòng là chính”, phát hiện cháy sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời, triệt để kết hợp phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong quản lý lửa rừng. Sự phối hợp liên ngành, nhất là huy động các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn tham gia các hoạt động chữa cháy rừng có hiệu quả.

Tại Bình Định, theo ông Lê Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, các hạt kiểm lâm luôn tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng hay trên diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy của người dân theo quy hoạch.
Còn ở Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm, hạt kiểm lâm huyện và tại trụ sở UBND xã duy trì chế độ trực 24/24 giờ, thông báo cấp dự báo cháy rừng 1 lần/tuần. Thanh Hóa cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát, xác định vùng trọng điểm cháy rừng ở 138 xã là “điểm nóng” cháy rừng có diện tích 55.672 ha. Đối với 6 huyện điểm nóng, kiểm lâm địa phương đã phát dọn 40,330 km “đường băng” cản lửa, làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng trồng tại 196,87 ha rừng.

Nhiều nơi khác, việc tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy cũng được chú trọng. Ở Phú Thọ, đã tăng cường phương tiện (thêm 6 ô tô và mô tô để tuần tra và kết hợp chở người, thiết bị chữa cháy), bổ sung quần áo bảo hộ, ống nhòm, thiết bị thông tin hỗ trợ công tác phòng và chữa cháy (bộ đàm cầm tay, máy GPS), xây nhà kho chứa các dụng cụ chữa cháy tại các hạt kiểm lâm và trạm bảo vệ rừng. Ở Kiên Giang, cùng với việc đầu tư trang thiết bị phòng và chữa cháy, nạo vét kênh mương, làm chòi quan sát lửa rừng, ngay từ đầu năm 2011, kiểm lâm đã tham mưu cho Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng gia cố các đập nước tạo độ ẩm cho rừng...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Đề xuất tăng hỗ trợ bảo vệ rừng mùa khô Theo Cục Kiểm lâm, quy định về hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng cần sửa đổi bổ sung, cụ thể là Thông tư 12/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/1998 về hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Quy định về mức trợ cấp 300.000 đồng/tháng đối với cán bộ bảo vệ rừng mùa khô hanh (6 tháng trong năm) như hiện nay là quá thấp.

Bên cạnh nhiều nơi cháy rừng giảm đáng kể, vẫn có nơi, tuy số vụ cháy rừng giảm nhưng diện tích thiệt hại lại tăng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xảy ra 14 vụ cháy rừng chủ yếu là rừng trồng với 67,5 ha. Trong đó, vụ cháy lớn nhất xảy ra tại tại tiểu khu 59 Công ty Lâm nghiệp Phong Điền với diện tích cháy là 46,7 ha. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh tuy có giảm 2 vụ nhưng diện tích rừng bị cháy lại tăng lên một cách đáng kể (tăng 36,1 ha).

Theo phản ánh của kiểm lâm các địa phương, việc phòng chống cháy rừng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều nơi phát hiện cháy sớm nhưng do điều kiện cứu chữa còn khó khăn nên không thể ứng cứu nhanh chóng được. Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho biết những nơi xảy ra cháy đều khó tiếp cận do địa hình hiểm trở, các phương tiện chữa cháy đều thô sơ.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là ý thức của người dân còn hạn chế. Các vụ cháy rừng xảy ra ngoài yếu tố thời tiết (nắng nóng, khô hanh kéo dài) thì chủ yếu do hoạt động sản xuất của người dân địa phương bất cẩn gây ra như: Đốt dọn thực bì làm nương rẫy, đốt đồng ruộng, đốt lấy mật ong gây cháy lan vào rừng.

Bên cạnh đó, theo Cục Kiểm lâm hầu hết các chủ rừng hiện không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao, do cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng (kể cả diện tích rừng đang giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý), thiếu kiểm tra, giám sát nên một số chủ rừng có biểu hiện buông xuôi, thiếu trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.

Để tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng nói chung và công tác phòng chống cháy rừng nói riêng, Cục Kiểm lâm đề xuất cần sớm tiến hành kiểm tra diện tích rừng hiện có. Trong đó, tập trung chủ yếu vào diện tích rừng tự nhiên, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp huyện, cấp xã và chủ rừng.

Mạnh Minh