05:22 03/05/2015

Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản

Để tránh tình trạng nông sản “được mùa mất giá” thì việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) là yêu cầu cấp bách.

Để tránh tình trạng nông sản “được mùa mất giá” thì việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) là yêu cầu cấp bách.

Chính sách vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp

Thời gian qua, câu chuyện khó tiêu thụ dưa hấu, hành tím đã một lần nữa dấy lên bài toán “được mùa mất giá” của nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Nguyên nhân tình trạng này là do thiếu quy hoạch và những hạn chế, vướng mắc trong triển khai, thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, vấn đề đứt quãng trong liên kết giữa Nhà nước (cơ quan ban hành chính sách) với doanh nghiệp và nông dân (đối tượng thực hiện chính sách) cũng là mấu chốt dẫn đến tồn tại này.

Thu hoạch hành tím tại Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), công tác quy hoạch trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể, nhưng triển khai thì không đúng. Ví dụ như quy hoạch cà phê chỉ 520.000 ha thì nay đã có hơn 620.000 ha, cao su quy hoạch 800.000 ha thì nay có khoảng 1 triệu ha. Ngay như câu chuyện về phát triển cây mắc ca, khi Bộ NN&PTNT mới đang làm quy hoạch thì nhiều nông dân ở các địa phương đã ào ạt trồng cây này, thậm chí nhiều nơi còn đăng ký tăng diện tích trồng.

“Đặc thù của nông dân thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng, dẫn đến cung vượt cầu và chúng ta không định hướng được quy hoạch. Liên kết bốn nhà giống như một dàn nhạc trong đó Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng. Tuy nhiên, hiện nay dàn nhạc chưa ăn khớp và gần như chúng ta đang chơi nhạc cho nông dân nghe”, ông Thừa nhấn mạnh.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, sự liên kết giữa bốn nhà là điểm yếu nhất, trong đó vai trò nhạc trưởng (Nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm". Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng “vừa đủng đỉnh, vừa hấp tấp”.

Ông Dũng dẫn chứng Quyết định 80/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, ban hành từ năm 2002 nhưng sau 12 năm triển khai vẫn chưa có nhiều thay đổi. “Liệu chúng ta có đủng đỉnh quá không khi mô hình sản xuất đã thay đổi nhiều nhưng các chính sách đi kèm chưa thay đổi hoặc thay đổi khá chậm. Trong khi đó, khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, cơ quan chức năng lại xử lý khá hấp tấp, vội vàng”, ông Dũng đặt vấn đề.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Sau mặt hàng dưa hấu, đến thời điểm này, nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều (Bắc Giang), thanh long (Bình Thuận)... đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời, câu chuyện "được mùa mất giá" sẽ tiếp tục diễn ra. Bài học tiêu thụ vải thiều năm 2014 cho thấy, khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối và người nông dân trong việc đẩy mạnh tiêu thụ quả vải, kết quả đạt được đã cao hơn rất nhiều so với mong đợi. Đây là giải pháp cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa, nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn. “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã xác định doanh nghiệp là đối tượng để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại để nâng cao hơn nữa vai trò của đối tượng này trong tiêu thụ nông sản”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bền vững, ngoài làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp giữa các bộ, ngành, khâu xúc tiến thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, kinh phí xúc tiến thương mại còn rất khiêm tốn, vì thế cần có chính sách xã hội hóa vấn đề này như lập quỹ ngành hàng. Nhà nước có thể quy định mỗi kg cá tra xuất khẩu sẽ thu lại khoản tiền nhất định để cho vào quỹ, phục vụ cho công tác này.

Thu Phương