08:23 05/08/2020

Tăng cường kiểm soát chặt các đường biên, lối mở dọc tuyến biên giới

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum đã tăng cường kiểm soát chặt các đường biên, lối mở dọc tuyến biên giới.

Theo đó, tại dọc tuyến đường biên, các đường mòn, lối mở, lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum đã thành lập 66 chốt, canh trực 24/24 giờ. Đại tá Dương Thế Võ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, các chốt cương quyết đấu tranh chống các loại tội phạm, hành vi nhập cảnh trái phép, phòng, chống lây nhiễm bệnh từ bên kia biên giới vào nội địa.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, các chốt còn tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là khu vực giáp ranh giữa hai nước, nơi có đông người dân sinh sống, qua lại, về cách phòng, chống dịch COVID-19. Các chốt hoạt động thường xuyên, liên tục. Đến nay, tất cả đường mòn, lối mở tự phát dọc biên cơ bản đều có chốt Biên phòng canh giữ, nghiêm cấm không cho người dân qua lại. Với đường mòn truyền thống, nơi giao thương lương thực, thực phẩm, người dân qua chốt đều đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, có kiểm tra y tế, rửa tay kháng khuẩn, cấp phát khẩu trang.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân thôn Pêng Bloong, xã Đăk Long. Ảnh: HN/baokontum.com.vn

Ngoài lực lượng tuần tra, trực chiến tại các chốt 24/24 giờ, các đồn Biên phòng còn tổ chức lực lượng dùng xe mô tô chở băng rôn, loa tuyên truyền "đến từng ngõ, gõ từng nhà”, thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hiểm của dịch COVID-19; vận động bà con tự giác trong việc phòng dịch. Bên cạnh đó, chiến sỹ các đồn Biên phòng còn cấp phát khẩu trang, xà phòng, tờ rơi cho người dân; vận động người dân ký bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum còn thành lập một khu cách ly riêng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum đã kịp thời phát hiện, bắt giữ và đưa đi cách ly tập trung 7 đối tượng vượt biên trái phép vào Việt Nam.

*Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 5/8, hệ thống giám sát dịch của tỉnh ghi nhận bổ sung 1.602 người liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng và Quảng Nam về địa phương, nâng tổng số người về từ vùng có dịch lên 9.054 người, hiện tại đang được cách ly theo dõi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 740 người trong đó có 518 người đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Những trường hợp còn lại đang tiếp tục đợi kết quả. Tất cả những người này đang được giám sát chặt chẽ diễn biến sức khỏe tại các cơ sở y tế địa phương, tại nhà, nơi cư trú.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt ngay tại cổng Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Cũng trong chiều 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, 10 hành khách đi chung với bệnh nhân 620 (ở Hà Nam) trên chuyến xe khách Kim Chi, biển kiểm soát 43B-031.26 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Hiện, cả 10 người này đều được cách ly tập trung để tiếp tục theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, 69 ca F2 (tiếp xúc với những người F1) đang theo dõi, giám sát và cách ly tại nhà.

Chung tay cùng các địa phương đang là điểm nóng trong phòng, chống dịch COVID-19, Tỉnh ủy Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí giúp đỡ tỉnh Quảng Nam phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 1 tỷ đồng để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguồn kinh phí được trích từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

*Chiều 5/8, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tiếp nhận quà hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Chú thích ảnh
 Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao hỗ trợ 3 tỷ đồng . Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Nam - địa phương nằm ở tâm dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã ủng hộ tổng số tiền 8,3 tỷ đồng giúp địa phương có thêm điều kiện phòng, chống dịch. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ủng hộ 3 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 3 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPbank)1 tỷ đồng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji 1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh 300 triệu đồng.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận quà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định: Quảng Nam ghi nhận sự hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đóng góp, đồng lòng, chung tay với tỉnh và nhân dân phòng, chống dịch COVID-19; cho biết, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ của các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong các hoạt động phòng, chống dịch. Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tính đến chiều 5/8, Quảng Nam đã tiếp nhận được hơn 16,5 tỷ đồng tiền mặt cùng một số hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch.

Cao Nguyên - Hoa Mai - Bang Nhiệm (TTXVN)