10:16 18/10/2020

Tăng cường khả năng tiếp cận tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số

Dự án file mềm song ngữ (Tiếng Việt - Jrai, Tiếng Việt - Bahnar) ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người đồng bào dân tộc thiểu số hiện được ứng dụng trong một số trường học vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Gia Lai.

Chú thích ảnh
Nhóm tác giả Dự án file mềm song ngữ (Tiếng Việt - Jrai, Tiếng Việt - Bahnar). 

Đây cũng là Dự án đạt giải nhất trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ VIII năm 2020 do nhóm học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Trường Chinh, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) thực hiện.

Nhóm tác giả gồm các em: Lê Thị Hiếu, Lê Thị Mai Quỳnh và Siu Thơm (lớp 11) cùng sự hỗ trợ của cô Đinh Thị Phương Chi (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Trường Chinh, Chư Sê) thu âm các bài thơ, câu đố, câu chuyện dành cho trẻ em mầm non trong file mềm ở dạng song ngữ tiếng Việt - Jrai, Việt - Bahnar. Sau đó, file này sẽ được copy vào thẻ nhớ và phát bằng loa nghe trong giờ học, giờ ra chơi.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên trong trường, các chuyên viên bậc học mầm non của Phòng cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, mô hình đã được triển khai tại Trường Mẫu giáo Hoa Huệ, xã Ayun, huyện Chư Sê với số lượng file mềm, ứng với 35 tuần học của bậc học mầm non. Do chưa có kinh phí thực hiện nên tất cả các video, file ghi âm này đều được các em thực hiện bằng điện thoại. Nhờ sự kết nối của giáo viên, đã có nhà hảo tâm hỗ trợ 35 chiếc loa MP3 cho Dự án, toàn bộ số loa này được các em bàn giao về Trường Mẫu giáo Hoa Huệ phục vụ Dự án đang triển khai tại đây. 

Chú thích ảnh
Thành viên nghiên cứu Dự án file mềm song ngữ (Tiếng Việt - Jrai, Tiếng Việt - Bahnar).

Cô Bùi Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Huệ cho biết, học sinh mầm non vùng khó khăn tại các tỉnh Gia Lai không chỉ hạn chế tiếng Việt mà còn ngay cả những tiếng mẹ đẻ của họ. Mô hình file mềm song ngữ (Tiếng Việt - Jrai, Tiếng Việt - Bahnar) đưa vào triển khai tại Trường Mẫu giáo Hoa Huệ đã cho kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Trẻ mầm non có thêm một môi trường học tập mới lạ, gần gũi. Hiện các em đã mạnh dạn hơn trong cách giao tiếp, góp phần nâng cao khả năng tiếp nhận bài dạy của giáo viên.

Mở rộng phạm vi ảnh hưởng của dự án, nhóm học sinh này còn tạo các video truyện, thơ, câu đố song ngữ đăng tải trên kênh Youtube, Fanpage, Facebook, qua đó lan tỏa đến phụ huynh học sinh để mở cho con em mình nghe lúc ở nhà.

Em Lê Thị Mai Quỳnh, đại diện nhóm tác giả cho biết, tiếp tục dự án chúng em đang tiến hành biên dịch, thu âm song ngữ tiếng Jrai - tiếng Việt theo chương trình Tiếng Việt lớp 1 để tăng cường khả năng tiếp nhận tiếng Việt cho học sinh người Jrai. Chúng em mong dự án này được lan tỏa nhiều hơn nữa, giúp các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận để nâng cao tiếng Việt, thu hẹp khoảng cách xã hội.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)