09:06 23/09/2014

Tăng cường kết nối doanh nghiệp - ngân hàng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Không ít ngân hàng chưa mặn mà cho DN nhỏ vay vốn vì chi phí nhiều trong khi thu lợi nhuận không cao nên nhận thức này cũng cần phải thay đổi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Không ít ngân hàng chưa mặn mà cho DN nhỏ vay vốn vì chi phí nhiều trong khi thu lợi nhuận không cao nên nhận thức này cũng cần phải thay đổi. Phía các DNNVV cũng phải cơ cấu lại quản trị, sản xuất, tăng tính liên kết để tạo sức mạnh trong kinh doanh.


Ngân hàng cần thay đổi nhận thức


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để nguồn vốn đươc lưu thông hơn, phía ngân hàng cũng cần thay đổi nhận thức đối với cộng đồng DNNVV. DN nhỏ nhưng số lượng DN chiếm phần đông vẫn có thể tạo ra thị trường tín dụng lớn. Vì vậy, ngân hàng nên chăm sóc, quan tâm nhiều hơn đến DNNVV vì đây cũng chính là lợi ích của ngân hàng.


Theo ông Thành, hiện nay trên thế giới cũng có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn nhưng có nơi làm tốt, có nơi chưa tốt, kết quả hiện chưa rõ ràng. Tại Việt Nam, quỹ bảo lãnh không nhất thiết là của Nhà nước mà nên nhân rộng các mô hình tư nhân, hiệp hội, đoàn thể, hội cựu chiến binh... để tăng thêm sự bảo lãnh, uy tín cho doanh nghiệp để họ có cơ hội đi vay vốn.


Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng: Cần phải tăng cường liên kết giữa các DNNVV, đoàn kết, giúp đỡ nhau về mọi mặt từ hợp tác, hỗ trợ vốn, tư vấn pháp lý đến việc mở rộng thị trường tạo thành một cộng đồng DNNVV mạnh với những định hướng hoạt động rõ ràng để tăng khả năng vay vốn.


Một trong những giải pháp được nhiều người đánh giá cao hiện nay là Chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, qua 3 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch 105, đến ngày 22/8/2014, đã có 23 NHTM và chi nhánh NHTM đăng ký tham gia chương trình với hạn mức cam kết là 17.870 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, chỉ riêng chương trình kết nối ngân hàng với DN, tính đến ngày 10/7 lượng vốn mà các ngân hàng cho DN vay không tài sản bảo đảm chiếm khoảng 17 - 18% trên tổng dư nợ, vào khoảng 15.670 tỷ đồng.


Theo lãnh đạo VietinBank, để hỗ trợ DN, ngân hàng này đã thành lập mô hình tín dụng mới với một bộ phận riêng nhằm hỗ trợ tối đa cho DNVVN trong quá trình vay vốn tại VietinBank. Bộ phận này có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp đầy đủ các thông tin tin cậy về tài chính ngân hàng, các thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vừa và nhỏ qua một số kênh như: Tư vấn trực tiếp qua cán bộ quan hệ khách hàng; thông qua các hội nghị, hội thảo về giải pháp tín dụng.


Địa phương vào cuộc để thúc đẩy vay tín chấp


Để đẩy mạnh cho vay tín chấp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Cơ chế cho vay hiện hành của các ngân hàng đã có những quy định về cho vay tín chấp. Bản thân các TCTD đều có những sản phẩm riêng. Khi cho vay, các TCTD phải đánh giá được phương án kinh doanh, năng lực tài chính cũng như khả năng trả nợ của người vay. Theo bà Hồng, trên thực tế, với góc độ quan sát của cơ quan quản lý, ở các nước có cho vay tín chấp, lấy thông tin về khách hàng đối với các ngân hàng rất dễ. Có các thông tin này, ngân hàng có thể dễ dàng đánh giá uy tín, tín nhiệm của DN để xét cho vay tín chấp.


“Ở Việt Nam, việc lấy thông tin của khách hàng, bản thân các ngân hàng cũng rất khó khăn. Do đó, gần đây, Thống đốc NHNN đã rất quan tâm đến việc kết nối DN - ngân hàng, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, địa phương. Chính ở các địa phương, lãnh đạo tỉnh nắm rất rõ các DN. Khi có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, nhiều TCTD sẽ tin tưởng hơn trong việc tháo gỡ khó khăn về quan hệ tín dụng cho DN”, bà Hồng nói.


TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DNNVV cho rằng, thực tế nghiệp vụ tín dụng tín chấp ngân hàng nào cũng có. Tuy nhiên, tín chấp chỉ cung cấp cho những DN có năng lực tài chính tốt, lợi nhuận thu về từ sản xuất kinh doanh cao. Nhưng hiện nay, những DN như vậy không nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng và DN phải chủ động làm nhiều việc hơn nữa. Cụ thể, 2 bên cần ngồi lại với nhau để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Nếu ngân hàng không chủ động tiếp cận, tìm hiểu khó khăn để hỗ trợ, chỉ chờ DN tự xử lý, khi nào DN phục hồi mới bơm vốn, sẽ khó giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, các DN cũng phải tiến dần đến phương thức quản trị hiện đại hơn để dòng vốn NH hỗ trợ mang lại hiệu quả cao nhất.

 

Minh Phương - Hải Yên