10:07 23/10/2020

Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để có nguồn lực đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư, ưu tiên cho các lĩnh vực: Xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm; nâng cao sức khỏe cộng đồng; thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường...

Chú thích ảnh
Mô hình trồng ớt Hàn Quốc tại thôn Tầm Ngân 2 (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tập đoàn CJ phối hợp tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi. 

Thực hiện Quyết định 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013 - 2020”, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai thực hiện công tác vận động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tiếp nhận các khoản viện trợ từ các chương trình, dự án của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

Điển hình như chương trình hợp tác "Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp" do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) phối hợp với tỉnh Ninh Thuận triển khai tại xã Lâm Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn từ năm 2014. Dự án có tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,8 triệu USD thực hiện các hạng mục gồm: Đầu tư hạ tầng, xây dựng mô hình sản xuất, nâng cao kỹ thuật canh tác cho người dân, xây dựng cơ sở chế biến nông sản, cải thiện môi trường. Nổi bật là tiểu dự án trồng ớt Hàn Quốc thực hiện theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thành phần tham gia chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có đời sống kinh tế khó khăn. Tập đoàn CJ cử các chuyên gia từ Hàn Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt theo hướng hiện đại, giúp nông dân có thể thu hoạch giống ớt Hàn Quốc theo đúng tiêu chuẩn, tập đoàn bao tiêu thu mua sản phẩm.

Ông Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân cho biết, hợp tác xã cung cấp giống ớt, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ xã viên vay vốn khuyến nông với lãi suất thấp. Nhờ canh tác đúng kỹ thuật, sản lượng ớt của người dân nơi đây đạt bình quân hơn 2 tấn/sào, hợp tác xã đã hỗ trợ thu mua với giá 11.000 đồng/kg theo đúng hợp đồng để các xã viên yên tâm sản xuất. Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng ớt bình quân lãi ít nhất từ 12 đến 14 triệu đồng/sào/vụ. Sau khi thu hoạch, ớt được đưa đến xưởng sản xuất ớt bột tại địa phương. Mỗi năm, hợp tác xã gia công khoảng 500 tấn thành phẩm ớt bột để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Dự án nhà sinh hoạt cộng đồng đồng bào Chăm (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) có tổng mức đầu tư hơn 19,2 tỷ đồng do Công ty ONGC VIDESH LIMITED của Ấn Độ tài trợ. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Từ năm 2013 đến nay, Ninh Thuận đã huy động 29 tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng vốn trên 2.800 tỷ đồng triển khai thực hiện 77 dự án thuộc 7 nhóm lĩnh vực: Giảm nghèo và an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe y tế, phát triển nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn văn hóa các tộc người.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế là một trong những nguồn lực quan trọng giúp tỉnh đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, các chương trình, dự án đã góp phần cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường thu hút đầu tư, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ninh Thuận tiếp tục bổ sung các chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư trong nước; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; tiếp cận các nhà tài trợ mới, các nhà tài trợ tiềm năng thuộc các tổ chức như: Counterpart International; World Vision; Plan International, Oxfarm; Action Aid; Quỹ môi trường toàn cầu; Koica, Unicef... hướng những nhà tài trợ vào những dự án có quy mô lớn, phát triển mang tính bền vững.

Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các tổ chức phi Chính phủ, các tập thể và cá nhân nước ngoài; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả các chương trình dự án viện trợ; nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hợp tác quốc tế.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, có 37 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ. Theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh hiện có 11.925 hộ nghèo, chiếm 6,74%; hộ cận nghèo 14.176 hộ, chiếm 8,02% số hộ toàn tỉnh; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có 7.386 hộ, chiếm 20,06% và hộ cận nghèo có 5.302 hộ, chiếm 14,4% so với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)