07:16 07/07/2016

Tăng cường hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

Phát biểu tại “Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc”diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phát huy vai trò và nâng cao năng lực của phụ nữ các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải có những giải pháp thiết thực, mang tính chiến lược, lâu dài. Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải chú trọng cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo mọi điều kiện hỗ trợ, khích lệ phụ nữ dân tộc tích cực tham gia làm kinh tế.

Đẩy mạnh phong trào thi đua

Hội LHPN Việt Nam khẳng định, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, Trung ương Hội đã tập trung vận động, hỗ trợ phụ nữ các cấp thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”. Các chị em phụ nữ dân tộc được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tham gia các mô hình kinh tế tập thể, góp phần làm cho đời sống kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc có nhiều khởi sắc. Bình quân mỗi năm có hơn 400.000 hộ nghèo, hộ khó khăn được tiếp cận tín dụng, vay vốn ưu đãi. Năm 2015, các cấp Hội vùng Tây Bắc đã giúp khoảng 194.843 phụ nữ nghèo, trong đó có 22.779 hộ phụ nữ nghèo được Hội giúp thoát nghèo…

Đồng chí Trương Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nghe tâm tư nguyện vọng của chị em phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi.

Đồng chí Trương Hòa Bình, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc đã phát huy những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Việt Nam, nỗ lực vượt khó, cần cù, năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, phong trào phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi chưa thực sự sâu rộng và chưa có tính lan tỏa. Có lúc, có nơi, nữ doanh nhân, phụ nữ các dân tộc thiểu số làm kinh tế chưa nhận được quan tâm thỏa đáng, vẫn phải tự lực cánh sinh là chính trong sản xuất, kinh doanh, tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm. Số lượng nữ doanh nhân tại Tây Bắc còn chưa nhiều (cả nước chỉ có 3.700 doanh nghiệp nữ), chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình..., chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập. Việc tham gia sản xuất, cung ứng cho thị trường các mặt hàng thiết yếu của một “nền nông nghiệp sạch” còn hạn chế, chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế của vùng trên lĩnh vực này...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Trung ương Hội LHPN phải thực sự quan tâm tới đời sống chị em phụ nữ và tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phụ nữ làm kinh tế giỏi trong cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương phải chú trọng công tác đào tạo xóa mù chữ cho chị em phụ nữ dân tộc, đặc biệt có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng, gắn kết giữa các địa phương để quảng bá về các lợi thế phát triển kinh tế nói chung, đồng thời kích cầu các sản phẩm từ các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ... Về kiến nghị của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đối với đề án: “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xóa mù chữ, phát triển nghề truyền thống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo” giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành có liên quan thẩm định để có thể phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Xây dựng chính sách đặc thù

Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá hiệu quả các chương trình, đề án, dự án; nghiên cứu, đề xuất để ban hành mới và kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chính sách đặc thù để giúp phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: “Để có nhiều hơn những tấm gương phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi, các cấp các ngành và đoàn thể cần tháo gỡ những khó khăn, tạo nhiều cơ hội để họ được tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật khoa học trong phát triển sản xuất”. 

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương để cụ thể hóa chương trình hành động, thực hiện lồng ghép giới vào các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ hình thành các tổ, nhóm liên kết, hướng đến các mô hình hợp tác xã, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ. Đặc biệt, chính quyền địa phương chú trọng phát triển nguồn nhân lực, các chương trình dạy nghề gắn với tạo việc làm, xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết vùng, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh sản xuất có giá trị kinh tế cao. Tổ chức hội phụ nữ các cấp phát triển hoạt động tài chính vi mô, củng cố các quỹ xã hội đã thành lập, hỗ trợ để các tỉnh tiếp tục hình thành quỹ này, nhằm giúp phụ nữ nghèo tiếp cận các nguồn vốn.
Trần Việt