02:21 16/02/2016

Tăng cường giám sát dịch bệnh do virút Zika

Người dân không nên quá lo lắng về dịch bệnh do virút Zika. Ngành y tế đang tăng cường giám sát, xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca bệnh nếu có. Đó là những thông tin chính được nêu lên tại cuộc họp của Văn phòng đáp ứng dịch bệnh diễn ra sáng 16/2, tại Hà Nội.

Nhiều thông tin chưa thể khẳng định

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến nay đã có 33 quốc gia ghi nhận ca bệnh nhiễm virút Zika, một số nước ghi nhận ca bệnh xâm nhập, là người du lịch về từ châu Mỹ, vùng Caribe, như: Thái Lan, Đức, Hà Lan, Australia, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Về đường truyền, ngoài muỗi, một số quốc gia ghi nhận một số đường lây truyền khác nhưng vẫn cần xác minh tiếp.

Nhân viên y tế sử dụng hệ thống máy đo thân nhiệt khách nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Thời điểm này, sự lây truyền dịch bệnh do virút Zika vẫn tiếp tục gia tăng. Các chùm ca bệnh gây Hội chứng đầu nhỏ và Hội chứng thần kinh (Guillain - Barré) tại Brazil là một sự kiện y tế khẩn cấp đang gây quan ngại quốc tế. Gần đây, dư luận lại quan ngại về nguyên nhân gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ là do virút Zika hay là do hóa chất diệt muỗi (pyriproxyfen).

Trao đổi về vấn đề này, ông Tony Mount, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC) cho biết, Brazil đã cho phép sử dụng hóa chất pyriproxyfen diệt ấu trùng muỗi từ lâu, các nghiên cứu vẫn đang được triển khai nhưng chưa có bằng chứng liên quan giữa nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ mới sinh và việc sử dụng hóa chất pyriproxyfen. Đến nay, cũng chưa có kết luận rõ ràng về việc virút Zika liên quan đến chứng đầu nhỏ và Hội chứng Guillain - Barré; vấn đề này đang tiếp tục được điều tra làm rõ”.

Đại diện Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết, hóa chất pyriproxyfen được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2010, nhưng đến năm 2013 mới bắt đầu nhập vào và sử dụng trong phạm vi hẹp, không sử dụng trong nước ăn uống, nước sinh hoạt mà chỉ dùng xử lý diệt ấu trùng muỗi trong nước thải, nước công trình xây dựng. Đến nay, Việt Nam đã nhập hơn 9.000 kg hóa chất pyriproxyfen, chưa ghi nhận báo cáo bất thường nào.

“Cục Quản lý môi trường cần giám sát, liên hệ chặt chẽ với WHO, CDC và các cơ quan quốc tế, nếu phát hiện bất kỳ mối liên quan nào giữa hóa chất trên và Hội chứng đầu nhỏ thì Việt Nam sẽ dừng ngay việc sử dụng hóa chất này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Không có muỗi, không có dịch bệnh

Tại Thái Lan và Trung Quốc đều đã xuất hiện ca bệnh, liệu dịch bệnh này có sớm lây lan sang Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: “Ca bệnh tại Trung Quốc và Thái Lan đều là những ca đi từ vùng dịch về, không phải ca bệnh có trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam chưa có ca bệnh nào. Ngành y tế đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và sớm phát hiện ca bệnh, nhất là từ những người trở về từ vùng dịch. Vậy nên, người dân cảnh giác nhưng không nên quá hoang mang trước thông tin về dịch bệnh do virút Zika”.

Tuy vậy, Bộ Y tế vẫn nhận định khả năng xâm nhập của dịch bệnh do virút Zika vào Việt Nam là hoàn toàn có thể và có khả năng gây thành dịch. Để ngăn chặn dịch bệnh này, Bộ Y tế đang tăng cường giám sát ca bệnh tại các cửa khẩu, triển khai lấy mẫu xét nghiệm rộng tại cộng đồng. Ngày 15/2, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã triển khai việc lấy hơn 1.000 mẫu ở 8 điểm giám sát để xét nghiệm; dự kiến đầu tuần tới sẽ có kết quả.

“Đối với người trở về từ vùng dịch, dù có hay không có triệu chứng, đặc biệt với phụ nữ tuổi sinh nở đều cần đến cơ quan y tế để lấy mẫu giám sát chủ động (miễn phí)”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em phối hợp với Vụ điều trị để triển khai ngay việc tập huấn sớm về giám sát virút Zika và phác đồ điều trị cho các cán bộ y tế, trước tiên sẽ triển khai cho các cơ sở y tế phía Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo công dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trong tuổi sinh đẻ nếu không có việc cần kíp thì không đi đến các vùng lưu hành dịch bệnh. Nếu buộc phải đi cần đến cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Không có muỗi, sẽ không có dịch bệnh do virút Zika và nhiều dịch bệnh lây truyền khác. Do đó, biện pháp phòng dịch bệnh tốt nhất trong cộng đồng là người dân cần đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động diệt loăng quăng để ngăn chặn sự phát triển của véc tơ truyền bệnh là muỗi Ades aegypty”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, khẳng định.
Phương Liên