06:09 05/06/2018

Tăng cường đối thoại về môi trường với người dân, doanh nghiệp

Sáng nay (5/6), nhân Ngày Môi trường thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Những năm qua kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 4 khu kinh tế ven viển và 19 khu công nghiệp được Thủ tướng cho phép thành lập. Các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng đã thu hút hơn 1.280 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng; thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, của biến đổi khí hậu. Là địa bàn còn khó khăn so với hai đầu đất nước, bao gồm sự hạn chế về nguồn lực đầu tư phát triển cũng như nguồn lực về khoa học, giáo dục. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là thách thức của các địa phương trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều địa phương đã chủ động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm đã được đẩy mạnh, kiểm soát ô nhiễm tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm khi đi vào hoạt động được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn môi trường. Thu gom, xử lý chất thải được cải thiện. Công tác cải thiện ô nhiễm, chất lượng môi trường được triển khai; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được quan tâm. Đặc biệt, nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân đã có chuyển biến tích cực.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở khu vực phổ biến như thẩm định hồ sơ môi trường còn chưa nhận diện hết được những tác động, tính phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, nguồn lực đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ chưa nhiều, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa tốt, thanh kiểm tra xử lý vi phạm thiếu quyết liệt...

Do đó, theo đại diện Tổng cục Môi trường, thời gian tới cần tăng cường năng lực quản lý môi trường tại các địa phương đáp ứng yêu cầu nhà nước về môi trường trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp giữa Bộ ngành, trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý về môi trường và người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường ở địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, tăng cường xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường thông qua xây dựng đề án quan trắc, cảnh báo môi trường...

Đặc biệt, hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo tăng nguồn lực cho đoàn thể nhân dân thực hiện, làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội của các đoàn thể nhân dân.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần tăng cường ý thức, trách nhiệm của các bộ ngành, người dân về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững. Thời gian tới, cần làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên trong thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai đơn vị để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 3 năm 2015-2017, Tổng cục Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra với 253 cơ sở, khu công nghiệp trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên.


Kết quả, 36 cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lập biên bản vi phạm hành chính với 101 cơ sở, khu công nghiệp, đề nghị xử phạt hơn 14 tỷ đồng. Miền Trung, Tây Nguyên cũng xảy ra nhiều sự cố môi trường thời gian qua.


Trong thời gian 6 tháng từ tháng 11/2017-5/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường cũng tiếp 78 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 14 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, 42 vụ đã được xác minh, kiểm tra, xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp tục duy trì đường dây nóng (086.900.0660, mail: duongdaynong@vea.gov.vn) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường.


Trang Thu/Báo Tin tức