Ngày 12/4, Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VTTA), Trường Cao đẳng DU lịch Hà Nội đã tổ chức toạ đàm "Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay".
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhận định, ngành du lịch Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Trong quý I/2025, toàn ngành đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế cùng 35 triệu lượt khách nội địa, đem lại doanh thu ước tính 242 nghìn tỷ đồng. Dù đạt được kết quả khả quan, mức tăng trưởng này vẫn còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực, nguyên nhân một phần do lực lượng lao động trong ngành còn nhiều hạn chế.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Ông Đào Mạnh Hùng thẳng thắn nhìn nhận: “Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam không những chỉ thiếu về số lượng, mà còn yếu về chất lượng. Các doanh nghiệp du lịch hiện nay thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ‘đào tạo lại’ nhân viên mới tuyển dụng do kỹ năng và kiến thức của họ chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ và thái độ làm việc".
Theo thống kê, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch, nhưng hệ thống này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nhân lực hàng năm, trong khi ngành cần tới 400.000 lao động mỗi năm. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ đạt 9,7% và chỉ 43% lao động được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Hồng Xoan (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam) cho rằng: "Du lịch Việt Nam không thiếu lao động phổ thông, thậm chí có thể thừa, nhưng thiếu trầm trọng người quản lý giỏi, lao động có kỹ năng chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế”.
Vì vậy, bà Đỗ Thị Hồng Xoan nhấn mạnh vai trò của đào tạo gắn liền với thực tế. “Lao động Việt Nam hoàn toàn có năng lực cạnh tranh nếu được đào tạo bài bản. Các chương trình đào tạo cần phải gắn liền với thực tiễn phát triển của ngành hơn nữa để giúp sinh viên 'học nghề là ra làm nghề được'”, bà Đỗ Thị Hồng Xoan cho biết.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở đào tạo chia sẻ nhiều mô hình và dự án đào tạo mới, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng phục vụ, nghiệp vụ bếp, ngoại ngữ và các kiến thức chuyên sâu về văn hóa, du lịch. Trong đó, nổi bật là hai mô hình “trường học trong khách sạn” và “Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch thế giới” tập trung vào thời lượng thực hành cao và tạo cơ hội tiếp cận môi trường làm việc doanh nghiệp từ sớm. Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được các chuyên gia tìm hiểu nhằm tối ưu hóa công tác giảng dạy.