03:17 23/03/2020

Tăng cường công tác thẩm tra khi thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 23/3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu thảo luận tại Phiên họp. (Ảnh chụp qua màn hình)

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp chỉnh sửa các điều 74, 75, 76, 77 của dự thảo Luật theo đúng kết luận của Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 41; đồng thời bổ sung một số quy định cho thống nhất và phù hợp với thực tế đang thực hiện, cụ thể: Bổ sung quy định cơ quan soạn thảo, tổ chức; bổ sung quy định đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu; bổ sung quy định dự kiến sơ bộ nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội để gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại Hội trường.

Đối với các dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp hoặc 3 kỳ họp, quy định cụ thể thời hạn cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội để gửi Ủy ban TVQH, đồng thời gửi Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Quốc hội kết thúc thảo luận tại Hội trường.

Qua tổng hợp ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đa số ý kiến thống nhất với nội dung tiếp thu, hoàn chỉnh như trên. Riêng Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc không quy định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình trong việc dự kiến, đề xuất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, vì cho rằng quy định như vậy dẫn đến sự thiếu thống nhất trong phân công, có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cơ quan và không đủ thời gian dành cho cơ quan thẩm tra để nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Qua các ý kiến phát biểu, các cơ quan thống nhất cần tiếp thu, bổ sung quy định về vấn đề này, nhưng về cách thức thể hiện trong dự thảo Luật thì đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Bổ sung trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội theo hướng quy định khái quát. Theo đó, đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Ủy ban TVQH sẽ chỉ phân công cơ quan chủ trì thẩm tra; còn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác chủ động tổ chức nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra về những nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách; gửi văn bản tham gia thẩm tra và cử đại diện tham dự phiên họp của cơ quan chủ trì thẩm tra (khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật).

Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sự bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả các cơ quan của Quốc hội nhằm “gác cửa” về những nội dung của dự án có liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Bởi vì, ngoài chính sách dân tộc, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế thì còn các vấn đề khác cũng rất quan trọng, như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường… đều cần thiết phải được xem xét toàn diện. Quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc tham gia thẩm tra, góp phần bảo đảm chất lượng của văn bản.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình và tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh chụp qua màn hình)

Phương án 2: Bổ sung quy định trách nhiệm của 3 cơ quan gồm Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra các vấn đề: lồng ghép chính sách dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tính tương thích với các điều ước quốc tế, vì đây là những vấn đề quan trọng, cần có sự đánh giá, thẩm tra kỹ lưỡng hơn đối với các dự án trong giai đoạn hiện nay. Về kỹ thuật, để tránh tăng thêm điều, sẽ gộp chung quy định về trách nhiệm của 3 cơ quan này với nội dung của Điều 68 và Điều 69 để thiết kế thành Điều 68 (mới) quy định mỗi cơ quan một khoản.

Phương án này có ưu điểm là chỉ rõ trách nhiệm của 3 cơ quan nêu trên trong việc tham gia thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đối với các nội dung thuộc lĩnh vực do các Ủy ban khác phụ trách (như kinh tế, tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường…) thì lại không được xử lý đồng bộ, nên không bảo đảm tính toàn diện trong công tác tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Trường hợp quy định cụ thể trách nhiệm tham gia thẩm tra của tất cả Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban trong Điều này thì chính lại là Phương án 1.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, trong luật đã quy định Hội đồng Dân tộc có trách nhiệm thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội và TVQH. “Tôi thấy đây thuộc thẩm quyền bắt buộc đã được ghi trong Luật, nó cụ thể hóa Điều 75 của Hiến pháp khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc thì Chính phủ phải lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc. Luật và Hiến pháp quy định rõ như vậy nhưng trong suốt thời gian vừa qua, rất nhiều khóa hầu như không thực hiện được”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, báo cáo của Chính phủ nêu có 118 chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về lĩnh vực dân tộc. Tuy nhiên, gần như Hội đồng Dân tộc không thẩm tra, Quốc hội cũng gần như chưa được thẩm tra các chính sách này. Lý do là từ trước đến nay, Chính phủ chưa xây dựng trình Quốc hội riêng một luật hay nghị quyết nào về chính sách dân tộc, trừ Nghị quyết 88. Theo Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ có hai chức năng liên quan đến việc trình các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến chính sách dân tộc. Một là Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội về chính sách dân tộc. Thứ hai, Chính phủ ban hành những chính sách cụ thể để thực hiện chính sách dân tộc. Thời gian qua, việc thẩm tra thuộc về Hội đồng dân tộc thì gần như chưa được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và của luật.  

Về quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận được ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, văn bản của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại đề nghị nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm tham gia thẩm tra của 3 cơ quan về các vấn đề: Lồng ghép chính sách dân tộc; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, đề nghị thiết kế trong Luật các điều riêng để quy định về trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện thẩm tra các nội dung này (tương tự Điều 69 về trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề Xã hội trong thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga đề nghị giữ nguyên như hiện hành, các Ủy ban tăng cường công tác tổ chức, tham gia thẩm tra, "gác cửa" ở từng lĩnh vực cụ thể. Bà Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với việc phản biện xã hội của Mặt trận đối với các dự án luật. Theo bà Lê Thị Nga, nên phản biện sớm từ giai đoạn cơ quan soạn thảo.

Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức