07:18 12/07/2017

Tăng cường công khai, minh bạch, tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Chiều 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị sơ kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trần Thanh Mẫn...

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trần Thị Bích Thủy cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung thực hiện dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới. Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các cấp được quan tâm kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, sơ kết được tăng cường. Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, đơn vị, tạo nên bầu không khí dân chủ, công khai ở cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trong lĩnh vực giáo dục, ở khối đại học, đến nay Chính phủ đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành nghị định về cơ chế tự chủ trong các trường đại học. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng dự thảo xong và chuẩn bị trình Nghị định về thực hiện tự chủ trong các đơn vị công lập đối với lĩnh vực y tế, giáo dục. Mục tiêu của hai nghị định này nhằm thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ cơ sở tại các bệnh viện, trường đại học thông qua cơ chế hội đồng trường, hội đồng bệnh viện, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, đưa ra phương thức quản lý mới nhằm khắc phục tình trạng mất dân chủ ở cơ sở, quyền lực tập trung vào giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng.

Đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở làng, xã, Phó Thủ tướng đánh giá, việc bình bầu gia đình văn hóa, khu dân cư, làng văn hóa hiện nay còn rất hình thức. Có địa phương, 80-90% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa nhưng vẫn có tệ nạn, vẫn mất an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường ô nhiễm. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng lại tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư, làng văn hóa nhằm khắc phục bệnh hình thức và siết lại dân chủ cơ sở.

Từ kinh nghiệm ở những nơi xảy ra tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ cơ sở đều có nguyên nhân từ việc thiếu công khai, minh bạch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế còn nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp “ngại” công khai từ quy trình, thủ tục, hoạt động đến các dữ liệu của đơn vị mình. Phó Thủ tướng đề nghị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đưa thành tiêu chí rõ ràng về thi đua, xếp hạng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới. Theo đó, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Chỉ thị số 05-CT/TW, một số Nghị định, Thông tư, Chỉ thị liên quan đến công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tránh việc triển khai hình thức, chiếu lệ; nghiên cứu chuẩn bị Đề án xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo các cấp chú trọng công tác xây dựng, phát triển và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức của đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức công đoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách; tập trung giám sát những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, những nơi có biểu hiện mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân…

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp; đề nghị bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của thành viên, đặc biệt là những điểm mới trong thực hiện kiểm tra, giám sát quy chế dân chủ cơ sở.

“Các bộ ngành, địa phương phải tăng cường công khai, minh bạch để tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có công khai, trao đổi, tôi tin rằng nhân dân sẽ ủng hộ. Tại nhiều nơi, khi được vận động rõ ràng, người dân sẵn sàng hiến hiến đất, góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cũng có nơi, người dân một tấc đất cũng không rời do quá trình vận động làm không tốt, không có sự đồng thuận của nhân dân. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của phát huy dân chủ cơ sở phải bảo đảm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra theo tư tưởng, quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII”, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Thị Mai nhận xét.

Cho ý kiến về một số việc cụ thể, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tăng cường sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; khẩn trương triển khai các bước nhằm thể chếhóa chính sách pháp luật đối với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thanh tra nhân dân. Ban Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 6 khu vực trong năm 2018, trong đó tập trung ở vùng sâu, vùng xa; kiểm tra lồng ghép một số chuyên đề; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.

Thu Phương (TTXVN)