05:07 02/05/2011

Tăng cường các chính sách đảm bảo an sinh xã hội

Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực.

Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhiều lĩnh vực kinh tế -  xã hội có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại phiên họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 4/2011 được tổ chức chiều qua (29/4), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, lạm phát cao vẫn là thách thức lớn với nền kinh tế. Do đó, Chính phủ sẽ tăng cường các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để hỗ trợ nhiều hơn cho các đối tượng khó khăn.

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá tại TPHCM sẽ được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với các sản phẩm và các điểm bán.


Theo đó, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát như tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, đấu tranh phòng chống buôn lậu qua biên giới... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng tới 3,32% so với tháng trước, trong đó: Nhóm hàng giao thông tăng mạnh nhất tới 6,04%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,5%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,38%. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 là mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 năm qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, xu hướng lạm phát cao không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới do chịu tác động rất lớn của xu hướng tăng giá nhiên liệu, lương thực thực phẩm... Giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh đã gây áp lực cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, phản ứng tăng giá dây chuyền và tăng giá do tâm lý sau khi điều chỉnh tăng một số mặt hàng thiết yếu cũng góp phần làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Chúng ta không thể kìm hãm giá hàng hóa mãi được mà vẫn phải kiên trì thực hiện giá thị trường. Nhưng để tránh ‘gây sốc’ và phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân cũng như cả nền kinh tế, việc điều chỉnh giá các mặt hàng đều được cân nhắc kỹ về mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh..., hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Theo đó,  giá điện, giá xăng, giá than... mới chỉ điều chỉnh tăng từng bước. Giá than bán cho sản xuất điện chỉ tăng 5% trong khi đáng lẽ cần tăng tới 50%, giá bán điện cũng mới chỉ được điều chỉnh tăng 1/3 mức cần tăng...”.

Trước việc giá cả tăng cao có thể gây bất lợi đến đời sống người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tăng cường các giải pháp thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ các đối tượng khó khăn chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát.

Theo Quyết định 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011, Chính phủ đã quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho  các đối tượng là cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu  có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và các hộ nghèo. Thời gian tới, Chính phủ quyết định bổ sung thêm các ưu đãi như tăng mức cho vay đối với học sinh sinh viên, ngư dân đánh bắt cá xa bờ...

Trả lời báo giới về về vấn đề miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: “Hiện cả nước có 650.000 người nộp thuế thu nhập thường xuyên không tính các hộ kinh doanh cá thể. Trong đó 20% người nước ngoài nộp 80% số thuế, 80% người Việt Nam chỉ nộp 20%”. Vì vậy theo Bộ trưởng việc giảm, giãn hay hoãn thuế cần phải có đánh giá xác đáng cụ thể để đảm bảo điều tiết công bằng. Bộ Tài chính không có thẩm quyền quyết định giảm, miễn giảm thuế mà đây là quyền của Quốc hội.

Đảm bảo vốn cho nền kinh tế

Để kiềm chế lạm phát, giải pháp thắt chặt tín dụng đã được đưa ra, nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, Ngân hàng Nhà nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, vốn cho nông nghiệp nông thôn... Đáng chú ý là cùng với thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thị trường ngoại hối, thị trường vàng đã dần ổn định và nhiều chuyển biến tích cực: “Tỷ giá USD/VND của thị trường tự do đã giảm thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng, các nhà xuất khẩu đã bán USD cho các ngân hàng, doanh nghiệp mua xăng dầu đã được đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngoại tệ...”. Về chủ trương chỉ đạo các ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng, theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, sẽ có tác động tích cực hơn là tiêu cực bởi tỷ lệ người dân gửi vàng ở các ngân hàng chỉ chiếm 11% lượng vàng huy động. Hơn nữa, khi chính sách này được thực thi, người dân khi có nhu cầu có thể bán lại vàng cho các ngân hàng.

Thu Hường