11:06 22/11/2016

Tăng cung hàng hóa cuối năm

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngành công thương đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu nhằm đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa.

Nguồn cung dồi dào

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu cách nhau chưa đến một tháng nên nhu cầu mua sắm Tết sẽ tăng đột biến ngay sau Tết Dương lịch. Do đó, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo nguồn cung hàng dồi dào, hệ thống phân phối phủ rộng.

Về nguồn hàng, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh đều đã hoàn tất kế hoạch kinh doanh Tết. Theo đó, nguồn vốn dự kiến mà các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Đinh Dậu 2017 là khoảng 17.068 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (5,3%) so với năm trước, trong đó giá trị hàng hóa bình ổn thị trường là gần 6.852 tỉ đồng.

Các đơn vị đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường mua sắm cuối năm.

Trong đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá 3.084,2 tỷ đồng (hàng bình ổn thị trường 938,2 tỷ đồng); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị 1.405,5 tỷ đồng (hàng bình ổn thị trường 527,5 tỷ đồng); Công ty San Hà có kế hoạch cung ứng gà ta tăng từ 400 tấn lên 640 tấn, gà công nghiệp từ 1.890 tấn lên 2.290 tấn, vịt nguyên con 550 tấn lên 760 tấn. Cùng với nguồn cung gia cầm tự nuôi, công ty San Hà còn hợp tác với các hợp tác xã để tăng nguồn cung từ 30 - 50% so với sản lượng nêu trên.

Để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Trong khi đó tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết sẽ điều phối lưu thông hàng hóa giữa DN sản xuất và DN phân phối hàng hóa. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở cho biết, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, các loại hạt khô, rượu - bia - nước giải khát... Do đó, để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán tại Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng. Các DN sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề sản xuất kinh doanh những nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo... dự kiến đạt tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.

Về phía các DN cũng đang khẩn trương sản xuất, dự trữ nguồn hàng, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đồng thời chuẩn bị các chương trình khuyến mãi nhằm tăng doanh số trong mùa kinh doanh cuối năm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, ngay từ tháng 6, DN này đã khởi động kế hoạch dự trữ hàng Tết. Theo kế hoạch năm nay, Vissan sẽ cung ứng cho thị trường Tết khoảng 3.000 tấn thịt tươi sống và 3.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng từ 15 - 20% so với lượng hàng dự trữ phục vụ Tết năm ngoái. Hiện nay, Vissan gần như đã hoàn tất kế hoạch dự trữ hàng Tết.

“Trong những ngày cận Tết, Vissan sẽ có chương trình giảm giá đặc biệt cho các mặt hàng tươi sống. Riêng một số mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ được giảm giá từ một tháng trước Tết”, ông Văn Đức Mười cho biết.

Còn ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cũng cho hay, để chuẩn bị tốt cho thị trường Tết Đinh Dậu, trong những tháng giữa năm, DN này đã tích cực phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu tăng từ 2 - 4 lần để chủ động điều tiết giá hàng hóa trong dịp cao điểm Tết.

Kiểm soát giá và chất lượng

Một trong những nỗi lo của người tiêu dùng khi mua sắm cuối năm là vấn đề giá cả. Một vài mặt hàng những năm trước đây đã xảy ra tình trạng khan hiếm và tăng giá. Theo ông Nguyễn Phương Đông, lượng hàng hóa năm nay rất dồi dào, phong phú. Tất cả hàng hóa phục vụ Tết đều tăng nhiều so với kế hoạch thành phố giao nên rất khó xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Đặc biệt, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước và sau Tết. Đồng thời, sẽ thực hiện giảm giá sâu trong những ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm...

Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết; đôn đốc các DN triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các DN tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa...

Nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng hàng Tết năm nay cũng cho biết, ngoài những mặt hàng được giao bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác cũng được các đơn vị chủ động giữ giá tốt hơn so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường, tối thiểu 5 - 10%.

Bên cạnh đó, để bảo vệ người tiêu dùng, từ nay đến Tết, cơ quan chức năng sẽ tập trung tối đa kiểm soát ngăn chặn hàng gian, hàng giả, gian lận, lừa đảo nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bảo vệ DN kinh doanh chân chính tham gia thị trường Tết. Trong đó, các ngành hàng tập trung kiểm tra là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát...

“Nếu hàng không truy xuất được nguồn gốc, các đơn vị tuyệt đối không cho vào các kênh phân phối để tung ra thị trường. Không chỉ đối với các cửa hàng, Ban quản lí chợ cũng phải kiên quyết với hàng không rõ nguồn gốc, không để tiểu thương vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người dân”, ông Đông cho biết thêm.

Tại Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa Tết cũng được đặc biệt quan tâm. Trong tháng 10/2016, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra 735 vụ, xử lý 674 vụ gian lận thương mại và hàng giả với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 4 tỷ đồng.

Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, cho biết, từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo 389 thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Thủ trưởng các ngành thành viên, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Tăng sức mua trên thị trường 

Để thúc đẩy sức mua trên thị trường, Sở Công Thương đã tăng cường triển khai các hội chợ, phiên chợ cuối tuần, liên hoan ẩm thực... tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt những tháng cận Tết, để kích thích mua sắm tiêu dùng, các DN tại TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Trong đó, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C... sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ Tết. Các đơn vị cần tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các ngành hàng tiêu dùng để kéo sức mua trong những tháng tới. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Hapro: Mong thành phố tạo điều kiện cho xe chuyên chở hàng hóa 

Hapro đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng di động, dự kiến trên 60 cửa hàng phục vụ Tết. Tổng công ty mong muốn ngành chức năng cấp phép cho xe chuyên chở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu được hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành để bảo đảm vận chuyển kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán 2017.



Hoàng Tuyết - Hoàng Dương