04:18 11/04/2019

Tăng chi cho lực lượng dự bị động viên khoảng 545 tỷ đồng/năm

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, chiều 11/4, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. 

Thay mặt Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật LLDBĐV.

Luật LLDBĐV nhằm xây dựng LLDBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.  

Luật LLDBĐV tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành về LLDBĐV; đồng thời, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là phù hợp; bảo đảm tính kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về LLDBĐV. Nghiên cứu những ưu điểm, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề nghị được rút ra từ Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh hiện hành để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi.  

 

Chú thích ảnh
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình về dự án Luật LLDBĐV. 

Thẩm tra dự án Luật LLDBĐV, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật LLDBĐV như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến LLDBĐV. Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định. Khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh LLDBĐV. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh mới được ban hành. Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để LLDBĐV hoạt động hiệu quả, hiệu lực. 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng còn một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện sâu sắc hơn trong Tờ trình quan điểm xây dựng luật, trong đó có quy định bảo đảm quyền về tài sản theo Hiến pháp; về những nội dung mới; những hạn chế, bất cập trong thực hiện Pháp lệnh hiện hành; làm rõ về mục tiêu, nội dung các giải pháp để thực hiện chính sách và dự kiến nguồn lực, điều kiện.

Một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật và tác động thủ tục hành chính, trong đó cần làm rõ hơn tác động về kinh tế, xã hội trong huấn luyện LLDBĐV và khi huy động LLDBĐV thực hiện nhiệm vụ; báo cáo cụ thể hơn việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động LLDBĐV.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt câu hỏi: Việc tăng thêm hơn 500 tỷ đồng/năm cho LLDBĐV tuy không lớn nhưng tác động của chính sách này như thế nào?

“Khi huy động tham gia LLDBĐV thì người nhà của quân dự bị được hưởng phụ cấp, trợ cấp; từ đó dẫn tới thực tế cứ cái gì cũng phải tiền thì không phát huy được tinh thần tự nguyện vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu cứ huy động, cái gì cũng tiền thì kinh phí lấy đâu ra?”, ông Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.

Tại buổi thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về việc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên, đồng thời cung cấp thêm thông tin về pháp luật của nước ngoài có liên quan để nghiên cứu, cho ý kiến. Có ý kiến đề nghị bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật, nhất là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.  

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để  bổ sung đầy đủ các nội dung theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng tại buổi thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi: “Với sĩ quan, việc bổ nhiệm, thăng, miễn theo Luật sĩ quan nhưng với LLDBĐV thì chỉ có ở mức nào thôi. Vậy số lượng những chiến sĩ đã phục viên thì có nằm trong LLDBĐV không?”

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, việc bổ nhiệm, thăng, miễn LLDBĐV là một việc mà hiện nay Bộ Quốc phòng đang tìm cách gỡ khó. Hiện cấp DBĐV mới đến cấp Trung đoàn, nên trần quân hàm của Trung đoàn trưởng mới đến Trung tá, cao nhất là Thượng tá.  

“Sỹ quan hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục viên do sức khỏe yếu thì không thể chuyển sang LLDBĐV được. Phải những người có sức khỏe tốt, đạo đức trong sáng thì mới được chuyển sang LLDBĐV. Về chính sách có bảo hiểm hoặc không có bảo hiểm  đối với LLDBĐV, Bộ Quốc phòng xin tiếp thu để bổ sung vào Luật LLDBĐV để bảo đảm chính sách cho LLDBĐV”, Thượng tướng Phan Văn Giang giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại Điều 14 về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên: "Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên. Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% - 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp”. Vậy thẩm quyền huy động lực lượng sẽ như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến: Hiện nay trong thực tiễn, việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, vậy lực lượng lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng là quân DBĐV. Vậy trong mối quan hệ của quản lý nhà nước, điều động LLDBĐV thì ai sẽ điều động để đảm bảo thời gian, quân số, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, với quân đội? Cũng theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, việc ban hành Luật LLDBĐV là cần thiết.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh Viết Tôn

“Với trách nhiệm là đội quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì dù ra quân rồi nhưng khi được huy động LLDBĐV thì ai cũng đều sẵn sàng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, việc huy động LLDBĐV ở các cơ quan, doanh nghiệp là những trí thức cao sẽ như thế nào. Cho nên ban soạn thảo dự án Luật cần viết rõ việc chuẩn bị LLDBĐV trong thời kỳ cách mạng 4.0, sử dụng lực lượng có nền khoa học tiên tiến.

Phát biểu về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm: "Chống lại việc thực hiện xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Điều động, sử dụng lực lượng dự bị động viên khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên được phê duyệt. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên” nhưng vẫn còn chung chung chưa cụ thể. Khi cần phải xử lý thì rất khó.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Cần nâng tầm từ Pháp lệnh LLDBĐV lên thành Luật LLDBĐV. Cho nên Luật cần cụ thể hơn, cần bám sát để tạo cơ sở pháp lý cao khi xây dựng LLDBĐV xứng tầm.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật LLDBĐV mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ, việc xây dựng Luật là thuận lợi. Tại buổi thảo luận đã có 10 ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự án Luật phải giải quyết hài hòa hợp lý, tinh gọn, tránh dàn trải nguồn lực góp phần bảo vệ đất nước nhất là trong quá trình xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.  

“Có 6 nhóm vấn đề còn bất cập cần phải giải quyết, như vấn đề quân số vùng miền, vấn đề quân số DBĐV di cư… cần bảo đảm tính chặt chẽ thống nhất. Một số điều trong dự thảo Luật còn chung chung cần rà soát, nhất là các qui định đang nằm ở các Nghị định thì cần đưa vào Luật cho cụ thể. Việc xây dựng Luật LLDBĐV các ý kiến cơ bản tán thành nhưng cần rà soát lại các quy định, đơn vị DBĐV để làm rõ thêm. Tuổi của đối tượng LLDBĐV cần theo hướng giảm so với qui định hiện hành, tránh trường hợp cùng một nội dung nhưng hai qui định khác nhau. Công tác huấn luyện đối tượng LLDBĐV phải đảm bảo tốt nhưng không tăng quân số….”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần làm rõ thẩm quyền việc trưng mua, trưng dụng, sử dụng những vật chất phục vụ cho LLDBĐV. Cần làm rõ phụ cấp cho LLDBĐV để bảo đảm ngân sách của nhà nước chi đúng đối tượng, tránh dàn trải, tránh tăng chi cho ngân sách. Việc phối hợp giữa dân quân tự vệ với LLDBĐV cần phối hợp chặt chẽ. 

Tin, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức