11:05 15/11/2014

Tán thành chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cân nhắc thời điểm đầu tư

Nhiều đại biểu đề cập tới tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và yêu cầu Chính phủ phải làm rõ vấn đề này để quyết định thời điểm đầu tư. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng trong tình hình khó khăn của nền kinh tế nên cần cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp; nhấn mạnh việc cho chủ trương đầu tư vào thời điểm này là hợp lý để đến năm 2018 có thể triển khai dự án khi nền kinh tế đã ổn định. Tuy tán thành với việc cần thiết xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng vào thời điểm này là chưa cấp thiết và đề nghị Chính phủ cần báo cáo thuyết phục hơn về công năng của sân bay Tân Sơn Nhất trong những năm tiếp theo…


Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) phát biểu ý kiến.
Ảnh: An Đăng - TTXVN


Các đại biểu: Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và nhiều ý kiến khác của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với chủ trương cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các ý kiến nhấn mạnh việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD), trong đó: Vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phân tích, nếu Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ góp phần tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành liên quan như dịch vụ, du lịch, thương mại và công nghiệp, trong đó đặc biệt là công nghiệp hàng không. Khi cảng hàng không quốc tế trung chuyển có mạng lưới tuyến bay rộng khắp, sẽ thu hút, tập trung hành khách, hàng hóa trong nước và quốc tế đến cảng ngày càng lớn, mở rộng vận chuyển ra khắp thế giới, kích thích nhu cầu giao thông tiềm năng, phát triển giao thông vận tải hàng không cũng như các loại hình giao thông khác. Đại biểu cho rằng nếu Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ là cú hích để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng đông Nam Bộ nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với việc lựa chọn vị trí xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại Long Thành, thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo sự thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và là cửa ngõ lớn nhất cả nước trong việc trao đổi, giao lưu, thông thương với quốc tế; đồng thời phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một số đại biểu Quốc hội nêu dẫn chứng nhiều nước, các sân bay quốc tế dù nhỏ nhưng vẫn khai thác tốt và khách du lịch, nhà đầu tư không đến Việt Nam chỉ vì có sân bay quốc tế mà vì có môi trường đầu tư, du lịch đáp ứng yêu cầu. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lo ngại, mục tiêu của dự án tuy có cơ sở nhưng không dễ đạt được. Nhiều ý kiến thể hiện sự tin tưởng nếu Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì Chính phủ sẽ có báo cáo đầu tư giải đáp được các băn khoăn của Quốc hội. Mạnh dạn hơn, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định “nguồn vốn là bài toán khó nhưng giải được khi cho chủ trương để lập dự án. Đừng sợ vì nợ mà không dám làm gì vì quan trọng là khả năng trả nợ, sử dụng vốn vay hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) khẳng định, xây dựng sân bay Long Thành đã cấp thiết cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế và để tăng tính cạnh tranh với các quốc gia láng giềng khi họ đã “chạy từ lâu rồi”. Theo đại biểu Bá Thuyền, nếu quyết chủ trương đầu tư từ bây giờ thì 8-10 năm nữa mới có sân bay Long Thành, chính vì thế nhiều đại biểu mong Quốc hội sớm thông qua chủ trương để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo, “nếu không sẽ làm lỡ nhịp phát triển, cạnh tranh của đất nước”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền lưu ý.

Băn khoăn nguồn vốn


Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập nhất trong phiên thảo luận chiều qua về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là lấy đâu nguồn vốn để đầu tư cho dự án trong điều kiện bội chi ngân sách nhà nước lớn, kéo dài, nợ công cao... Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, chất lượng tăng trưởng kinh tế và khả năng thanh toán nợ công là những vấn đề cần cân nhắc khi quyết định đầu tư vào dự án này, nhất là phải làm rõ cách làm hiệu quả nhất đối với 7,8 tỷ USD đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án.

Theo nhiều đại biểu, khối lượng vốn sẽ phải đầu tư cho dự án là rất lớn nên nếu ngân sách nhà nước bỏ ra 100%, vì thế ý kiến tán thành với Chính phủ đưa ra phương án huy động vốn theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải giải trình phần vốn vay của doanh nghiệp có bảo lãnh của Nhà nước để đầu tư vào các giai đoạn để tránh tăng nợ công trong giai đoạn tiếp theo. Trước nỗi lo nợ công do triển khai dự án, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lạc quan, “nếu không hiệu quả thì không đầu tư, nếu đầu tư hiệu quả thì không chỉ không làm gia tăng nợ công mà còn góp phần tăng thu ngân sách”.

Trung tướng Bế Xuân Trường, đại biểu Bắc Kạn:

TSN thực chất chỉ có một đường băng

Sân bay TSN có hai đường băng nhưng thực chất lại không thể cùng cất cánh, hạ cánh một lúc, vì hai đường băng này có đoạn giao nhau. Do vậy, TSN gần như chỉ có một đường băng. Hơn nữa, phía Tây lại bị hạn chế, vì giao với phần bay của sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, nếu lấy cả sân gôn cũng không đảm bảo việc xây dựng sân bay quốc tế hiện đại. Hơn nữa, sân bay TSN lại nằm trong khu vực dân cư đông đúc, sân bay Biên Hòa là nơi quan trọng để chi viện cho các quần đảo, giàn khoan của chúng ta ngoài biển. Vì vậy, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết và phải được tiến hành sớm để không lỡ thời cơ của đất nước. 


Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Cần tạo lòng tin cho người dân

Với dự án nằm trong quy hoạch tổng thể từ cách đây 10 năm. Các hạng mục thành phần đã được xây dựng xong, người dân Đồng Nai sống trong dự án treo từ lâu, trong khi chúng ta còn đang bàn có nên xây hay không. Lẽ ra việc này phải được làm từ lâu. Dự án được đánh giá cao nhưng chúng ta không thể không quan tâm tới các ý kiến phản biện của xã hội. Chúng ta cũng nên có các chuyên gia thẩm định độc lập để tự tin thông qua dự án. Làm sao để người dân tin tưởng vào dự án. 


Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa):

Sân gôn để đảm bảo an toàn hàng không

Sân gôn cạnh sân bay TSN được xây dựng từ năm 2004, được Chính phủ và 8 bộ, ngành đồng ý. Trước đây, khu vực này bỏ không, đe dọa an toàn cho sân bay. Chính vì thế, Chính phủ đã cho xây dựng sân gôn, không để chim làm tổ gây nguy hiểm cho máy bay, tạo ra nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nhiều nước cũng làm sân gôn cạnh sân bay để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thu hồi lại diện tích sân gôn mà không phải bồi thường vì đã có thỏa thuận từ trước.

Hữu Vinh


Quỳnh Hoa