08:08 23/08/2012

Tân sinh viên với nỗi lo các khoản thu

Không ít tân sinh viên chia sẻ, cùng với niềm vui đỗ đại học, họ và gia đình khá lo lắng khi nhìn vào bảng học phí và các khoản thu thêm của trường.

Không ít tân sinh viên chia sẻ, cùng với niềm vui đỗ đại học, họ và gia đình khá lo lắng khi nhìn vào bảng học phí và các khoản thu thêm của trường.

 

Trăm dâu đổ đầu tằm


Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều trường đại học, cao đẳng công lập, ngoài công lập đồng loạt tăng mức học phí.


 

Các khoản tiền phải đóng khi nhập học đang là nỗi lo của các tân sinh viên.

 

Một tân sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ chia sẻ, nhà trường đã thông báo mức thu học phí kỳ I, năm học 2012 - 2013 là 4,5 triệu đồng/sinh viên, thu học phí từ đầu học kỳ. Trong khi năm ngoái, mức học phí chỉ là 4,2 triệu đồng/sinh viên/học kỳ.


Còn một sinh viên (xin được giấu tên), trường ĐH Thương mại Hà Nội bày tỏ: “Hiện nay trường tôi đang thực hiện chương trình đóng học phí qua thẻ ATM, điều kiện bắt buộc là thẻ của Ngân hàng BIDV. Như vậy là đa phần sinh viên thương mại sử dụng ATM của Agribank và Vietinbank sẽ không được nhà trường chấp nhận. Khi sử dụng thẻ BIDV, chúng tôi phải đóng thêm 50.000 đồng để duy trì thẻ và 5.000 đồng/tháng chi phí quản lý tài khoản. Trong khi đó, trường năm nay lại tiếp tục tăng học phí”.


Bên cạnh khúc mắc về việc đóng các khoản tiền, tăng phí, thì tân sinh viên còn thắc mắc những khoản thu khó hiểu. Một số tân sinh viên trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 vào trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết: “Khi vừa cầm trên tay giấy báo trúng tuyển của trường kèm theo danh sách những khoản phải đóng, em thấy có một khoản gọi là “Hỗ trợ đào tạo” với mức 300.000 đồng/tháng, bên cạnh khoản học phí, bảo hiểm… Vậy, tiền học một tháng của em tổng cộng lên tới 720.000 đồng. Mức học phí này theo em được biết là ngang với nhiều trường dân lập. Giờ không biết nên mừng hay nên lo nữa”.


Ngoài việc tăng học phí, thu thêm phí hỗ trợ đào tạo, thì theo như phản ánh của nhiều sinh viên (như ở trường Cao đẳng Xây dựng số 1) còn thu học phí luôn cả năm. Điều này khiến những sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn sẽ vô cùng chật vật.

 

Mỗi trường một lý do


Giải thích về khoản “Hỗ trợ đào tạo”, bà Bành Thị Ngọc Liên, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết, sinh viên nào vào trường cũng phải đóng mức phí đó. Ví dụ phòng học máy cần có điều hòa và cần nguồn điện, hay phòng thực hành cần có máy móc. Thời gian học trong phòng máy nhiều nên mức thu này để chi trả cho sử dụng của các em. Những tài liệu đăng ký quản lý theo dõi, lập hồ sơ cho sinh viên... cũng cần phải photo rất nhiều và cũng cần dùng đến số tiền đó. Mức thu này được phòng Kế hoạch - Tài chính nhà trường xây dựng đều dựa theo quy định chung của Bộ GD - ĐT. Tuy nhiên, bà Liên từ chối giải thích thêm về mức học phí với lí do phòng Đào tạo chỉ làm nghiệp vụ chuyên môn.


Về việc tăng học phí của trường, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay: “Việc tăng phí cũng là phù hợp với tình hình hiện tại. Trong khi mỗi năm nhà trường đều phải tăng thù lao để giữ chân giảng viên, tiền điện, tiền nước cũng tăng, mức chi trả cho người viết giáo trình... Trường ngoài công lập không có khoản phí nào bù vào nên phải thu thêm của sinh viên để bù vào những khoản ấy”.


Một số trường tăng học phí có cùng quan điểm của ông Vũ Văn Hóa về tình hình hiện nay: Giá cả tăng buộc các trường phải tăng học phí.


“Hiện nay nhiều trường áp dụng hình thức thu học phí qua tài khoản, một cán bộ trường ĐH Thương mại cho biết, thực ra việc thu học phí qua tài khoản là chủ trương của Bộ GD - ĐT nhằm góp phần minh bạch hóa các khoản thu của trường. Trường chọn Ngân hàng BIDV là trường có địa điểm ngay cạnh ngân hàng này và trường cũng trả lương cho giảng viên bằng thẻ. Vì vậy rất mong sinh viên hưởng ứng với sự thay đổi này”.


Lê Vân