11:21 10/11/2015

Tâm tình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (tiếp theo)

Giá trị tố cáo trong thơ chữ Hán Nguyễn Du càng tăng lên khi nhà thơ hướng ngòi bút sang một đối tượng miêu tả khác: Những con người có số phận cơ cực, hâm hiu nhất trong cuộc sống. Về phương diện này, thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng thống nhất với “Truyện Kiều” và “Văn chiêu hồn”.


 Thống nhất trước hết là ở thái độ phản ánh hiện thực của nhà văn. Hễ cứ nói đến quần chúng nhân dân, lời thơ của Nguyễn Du bao giờ cũng dạt dào xúc động. Nói như một nhà nghiên cứu, Nguyễn Du đã “sẻ một nửa yêu thương” của mình cho quần chúng.

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Nguyễn Du không phải là người chỉ biết thu mình lại trong những đau khổ cố nhân. Trên con đường gập ghềnh “bụi bay mờ mịt” của đời ông, lòng nhà thơ vẫn mở ra để đón lấy mọi niềm vui, nỗi buồn của con người và tạo vật quanh mình. Ông thương cho kiếp một con ngựa già bị ruồng bỏ, ông tiếc một bông hoa rụng, ông đau xót khôn nguôi trước cái chết của một người đào hát, ông hiểu thấu cái tâm trạng nhớ “vườn dưa quê nhà” của người đi lính, ông gắn bó với cả một người gánh củi bắt gặp trong một quán trọ dọc đường:

Dã túc phùng tiền giả
Tương liên bất tại đồng
(Đêm trọ giữa đồng quê gặp bác tiều
Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau)
(Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành)

Đi sâu vào nghệ thuật biểu hiện quần chúng trong từng bài thơ cụ thể, sẽ thấy tâm hồn Nguyễn Du còn có những mặt đáng quý hơn nữa. Như ta từng biết, thơ chữ Hán Nguyễn Du thường đi sâu vào những diễn biến nội tâm. Nhưng khi cuộc đời với những nỗi đau thắt ruột dội mạnh tới tâm trí ông, thì Nguyễn Du lại đột ngột quên mình đi trước yêu cầu phải phản ánh chân xác cuộc sống. Thơ ông trở nên rất hiện thực. Gặp một ông già mù hát rong ở châu Thái Bình, Nguyễn Du đã tả lại tỉ mỉ từ cái bàn tay run run của ông sờ soạng lúc bước xuống thuyền, rồi trước lúc hát, cũng cái bàn tay ấy hai ba lần giơ lên cảm ơn, cho đến cái dáng điệu thiểu não của ông trong gần suốt một trống canh “mua vui” cho người khác... Để nhấn mạnh vào thái độ chăm chú của người xem, trong đó có thái độ kính trọng của chính Nguyễn Du, nhà thơ dùng mấy nét tô đậm lên cái cảnh trời đêm lúc xảy ra câu chuyện:

Quan giả thập số tịnh vô ngữ
Đãn kiển giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh
(Hơn chục người xem đều im lặng
Chỉ thấy gió sông hiu hiu, trăng sông vằng vặc)

Và tất cả không khí thành kính, trầm mặc mà Nguyễn Du phác họa ra kia đã nhanh chóng đổ sập xuống, khi cuộc hát kết thúc, với một sự thật đến là ngao ngán:

Đàn tận tâm lực cơ nhất canh
Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục
(Gắng hết tâm sức gần một trống canh
Mà chi được năm sáu đồng tiền)
(Thái Bình mại ca giả)

Nhưng khả năng phản ánh hiện thực của Nguyễn Du không phải chỉ dừng lại ở chỗ vẽ nên những chi tiết tỉ mỉ, làm cho hình tượng nhân vật sống như thực; nhà thơ còn biết nhìn hiện thực trong xu thế vận động của nó. Trong bài “Sở kiến hành”, ông đã mô tả rất cụ thể cái khốn quẫn từng bước một của mấy mẹ con một người nông dân vì đói khát mà bỏ đi khỏi làng. Từ chỗ còn làm lụng được, dần dần họ rơi vào cái cảnh phải lang thang ăn xin dọc đường phố, và cùng với nó, một hình ảnh ghê rợn đã hiện lên:

Nhãn hạ ủy câu hác
Huyết nhục tự sài lang
(Đã thấy trước mắt cảnh chết lăn nơi ngòi rãnh
Máu thịt nuôi sói lang)

Từng chi tiết sắc lạnh cứ xói vào tim người đọc. Chỉ một thoáng nhìn, Nguyễn Du như đã rõ hết quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân vật. Và nhân vật của ông cũng không còn là một nhân vật trong thơ nữa, mà như đang ở ngay giữa cuộc sống, bị cuộc sống xô đẩy vào những cảnh ngộ, không sao cưỡng lại được. Hẳn không phải chỉ qua một cảnh trông thấy trên đất Trung Quốc mà Nguyễn Du tưởng tượng ra được cả đoạn đời bi thảm trong bàì “Sở kiến hành”. Phải đúc kết từ rất nhiều “điều trông thấy” trên đất nước mình, nhà thơ mới dựng nên được bức tranh hiện thực sắc sảo ấy, nó là bức tranh phổ biến về quá trình bần cùng hóa của người nông dân - bất kỳ dân tộc nào - dưới chế độ phong kiến, cũng như mọi chế độ áp bức bóc lột khác.

Trong bài thơ, ngòi bút của Nguyễn Du lúc đầu còn bình tĩnh. Ông lặng lẽ quan sát, từ bộ quần áo lam lũ, từ đứa con còn ẵm trong lòng mẹ... Nhưng rồi một hình ảnh tương phản về tâm lý đập vào mắt ông: Giữa tình cảnh lo lắng nẫu ruột của người mẹ, bầy con vẫn hồn nhiên vui đùa. Thế là nhà thơ không khách quan được nữa. Ông “nhập thân” vào nỗi khổ của họ. Ông kêu lên: “Mẫu tâm thương như hà?”(Lòng mẹ đau xót như thế nào?)

Và chính ông lại tự trả lời câu hỏi của mình. Cũng như bài thơ trước, Nguyễn Du đã vận dụng ngoại cảnh để làm tăng thêm không khí nhức nhối, bi thảm: “Thiên nhật giai vị hoàng” (Trông lên trời, mặt trời như cũng vàng úa).

Một hiện tượng cũng không kém ý nghĩa trong hầu hết những bài thơ nói về cảnh ngộ của quần chúng, đó là Nguyễn Du thường có liên hệ đến bản thân mình. Trên đường đi sứ, giữa buổi trưa nắng gắt qua tỉnh lỵ Hà Nam, gặp một người đẩy xe trên đường, trong khi chính mình cũng đang rất mệt nhọc, ông bùi ngùi cất lên:

Hà xứ thôi xa hán?
Tương khan lạc lạc đồng
(Anh đẩy xe kia ở đâu ta nhỉ?
Nhìn nhau, thấy vất vả như nhau)
(Hà Nam đạo trung khốc thử)

Nhưng cũng có lúc cảnh ngộ Nguyễn Du không giống với cảnh ngộ quần chúng. Trong trường hợp đó, đặt hình ảnh quần chúng bên hình ảnh của mình, với một sự sắp xếp rất nghệ thuật, nhà thơ đã đắp nổi lên những mặt tương phản vô lý trong đời sống, những điều từng làm cho ông đau xót, băn khoăn. Do đó, sức tố cáo của bài thơ càng thêm mạnh. Trong bài “Thái Bình mại ca giả”, sau khi kể chuyện ông già mù nghèo khổ chỉ được có mấy đồng tiền mà phải hát gần suốt một trống canh, Nguyễn Du chuyển sang tả cảnh thuyền sứ: Thuyền nào thuyền ấy đầy ăm ắp gạo, thịt, mọi người cứ mặc sức ăn cho thỏa, và những thức ăn còn thừa lại, thì... đổ hắt xuống đáy sông. Trong bài “Sở kiến hành”, trước nỗi cực nhục ngồi chờ chết của mấy mẹ con người nông dân nọ, Nguyễn Du cũng lại vẽ ra cái hình ảnh “no nê thừa mứa” của đoàn sứ bộ trong một bữa tiệc ở trạm Tây Hà: Gân hươu, vây cá, thịt lợn, thịt dê đầy bàn mà... “quan trên” không ai “chọc đũa”. Đến mức: “Lân cẩu yểm cao lương” (Chó hàng xóm cũng chán thức ngon)

Cùng với “Truyện Kiều” và “Văn chiêu hồn”, những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du nói về lớp người cùng khổ càng cho ta thấy khả năng gắn bó với nhân dân của một nghệ sĩ lớn. Tuy chỗ đứng của nhà thơ và chỗ đứng của quần chúng trước sau chưa phải là nhất trí, nhưng với một quan niệm hết sức tiến bộ: “Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau”, Nguvễn Du đã sống và hiểu rất sâu những cảnh đời cay cực, bi thảm. Nhờ vậy, tác phẩm cua Nguyễn Du không phải chỉ đặt những vấn đề giải phóng con người khỏi phạm vi lễ giáo trừu tượng, mà còn mở rộng đến những vấn đề “cơm áo gạo tiền”, vốn rất thiết thực đối với quần chúng bấy giờ.

Bức tranh hiện thực mà ông vẽ nên, do đó càng thêm sắc nét, thêm nhức nhối.

(còn tiếp)


PV