11:22 09/11/2015

Tâm tình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

Nếu như “Truyện Kiều” là một áng tiểu thuyết bằng thơ trọn vẹn, còn “Văn chiêu hồn” là một bài văn tế thay lời nhà Phật kêu gọi chúng sinh; thì thơ chữ Hán Nguyễn Du chủ yếu là những vần thơ tâm tình, khắc họa hình ảnh của chính Nguyễn Du trước mọi biến cố của cuộc đời.


Tuy nhiên, với một nghệ sĩ vĩ đại, thì dù nói về mình cũng sẽ không đơn thuần chỉ biết có mình mà thôi. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, đằng sau hình ảnh Nguyễn Du với cõi lòng ủ ê, tê tái, với cá tính rõ mồn một, một Nguyễn Du nghìn lần thực hơn cái con người chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện trước mặt Gia Long, mà sử sách từng ghi lại; ta còn thấy một điều gì lớn hơn nữa; đó là những suy nghĩ sâu xa của nhà thơ về con người, về xã hội, về những hiện tượng lịch sử phong phú diễn ra trước mắt ông. Chính vì vậy, thơ chữ Hán Nguyễn Du chính là một cách Nguyễn Du đặt vấn đề trực tiếp về số phận của mình, gắn liền với vận mệnh của thời đại, của quần chúng.

Thời đại của Nguyễn Du là một thời kỳ giằng co quyết liệt giữa nhiều xu thế chính trị khác nhau. Trong đời sống tư tưởng của xã hội, từng mảng nhỏ của hệ thống giáo lý phong kiến cơ hồ bị bung ra, bị lật đảo đến gốc, tạo nên không ít những cuộc khủng hoảng tinh thần. Chiến thắng hiển hách của nông dân khởi nghĩa, rồi sự phục thù của những thế lực phản động, sức vang dội của những yêu cầu tự do và công lý, hay việc lập trở lại một trật tự phong kiến đen tối vào bậc nhất... Tất cả những điều trái ngược đó khiến cho không khí thời đại càng thêm phức tạp, với những màu sắc phấn khởi và tuyệt vọng, lạc quan và bi quan lẫn lộn.

Những kịch tính đó của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thể kỷ XIX đã ập vào Nguyễn Du một cách khá dồn dập, làm cho ông như sống trong một trạng thái choáng váng về tư tưởng và không phải đã dễ dàng tìm ngay được một lẽ sống, một chỗ đứng nào vững vàng, ổn định. Có hiểu như thế thì mới hiểu vì sao trên đường đi sứ, khi đi qua mộ của những bậc trung thần nghĩa sĩ Trung Quốc, nhà thơ không ngớt tán dương tấm lòng trung nghĩa của họ; nhưng chỉ cần một lúc khác phải vượt qua một khúc sông muôn phần hiểm trở, ông lại cảm thấy khái niệm trung nghĩa không còn đủ để cho mình tin: “Trung tín đảo đầu vô túc thị” (Giữ lòng trung tín nhưng gặp nguy vẫn không đủ tin cậy). Cũng trên đường đi sứ ấy, Nguyễn Du vừa mới đề cao Dự Nhượng hết lòng với chủ, vừa mới bài bác Giả Nghị không hiểu được tấm lòng cô trung “Liệt nữ không thờ hai chồng” của Khuất Nguyên, thì liền sau đó nhà thơ lại đã chê trách thái độ thiếu sáng suốt của Phạm Tăng, chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở, mà không chịu hiểu rằng “mệnh trời” đã hoàn toàn thuộc về nhà Hán.

Trong các bài thơ của Nguyễn Du, những mâu thuẫn như vậy tương đối phổ biến. Phải chăng là trong con người Nguyễn Du đã luôn luôn xảy ra những cuộc xung đột - một bên là tư tưởng chính thống của nhà thơ, một bên là hiện thực chói chang, sừng sững. Nhà thơ muốn cưỡng lại hiện thực, muốn đi theo những thiên kiến chính trị của giai cấp mình. Nhưng hiện thực cuộc đời, với những sắc thái phức tạp, muôn vẻ của nó, mạnh mẽ quá, hấp dẫn quá, làm cho ông cứ phải bàng hoàng ngơ ngác, phân vân suy nghĩ, dần dần bắt tình cảm của ông phải chấp nhận ít nhiều lẽ phải của cuộc sống.

Hiển nhiên, không thể quên rằng hiện thực xã hội giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn vốn rất sóng gió, rất dữ dội, không phải chỉ có tươi sáng, phấn khởi một chiều. Tình cảm của Nguyễn Du cũng đã phải vật vờ trước thực tế, mất chỗ bấu víu, thậm chí có lúc phải lật đi lật lại. Những mặt bi quan, tiêu cực trong tư tưởng nhà thơ, do đó, cũng có đất để nảy sinh. Nguyễn Du đã không thể hiểu được vì đâu mà cơ nghiệp của những bậc anh hùng trong lịch sử và trong thời đại ông lại đổi thay trong chớp mắt. Ông rùng mình:

Bồi hồi phủ ngưỡng bi phù sinh
Như thứ anh hùng thả như thử
(Băn khoăn nghĩ ngợi thương cho kiếp phù sinh
Anh hùng như thế mà còn như thế)

Và tất cả những nỗi đau thương u uất như thế dồn lại, về cuộc đời, về con người, về các triều đại kế tiếp nhau, đã hình thành trong nhân sinh quan của Nguyễn Du một ý thức thường trực, một cảm hứng bi thiết về sự mong manh của đời người của số phận. Nguyễn Du gần với Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án khi ông khái quát vũ trụ dưới khía cạnh “nương dâu bãi bể”. Nguyễn Du cũng đã gặp Nguyễn Gia Thiều trong một cái nhìn hết sức ảm đạm: “Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ” (Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại một nấm đất).

Bế tắc, cùng quẫn, Nguyễn Du cũng như bao nhiêu người khác, có lúc đã chán nản hết thảy, muốn vứt bỏ hết thảy mà tìm vào đạo Phật, đạo Lão, tìm vào hành lạc, thậm chí “gọt tóc” mà trốn vào rừng. Nhưng bước chân của ông đi vào những nơi xa lánh “cõi trần” kia sao mà vẫn có gì như không thoải mái. Ở ẩn ông thấy buồn, vì đối với đời lòng cứ không thôi vương vấn:

Hắc dạ thiều quang hà xử tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
(Đêm tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?
Chỗ cửa sổ nhỏ mở chỉ thấy bóng liễu âm u)

Có thể nói, Nguyễn Du không phải là con người hành động, mà là con người trầm tư mặc tưởng. Con người ấy tiếp nhận tất cả mọi cay đắng trong đời với một thái độ lặng lẽ, chịu đựng. Nhưng thật ra, một cuộc đấu tranh ngấm ngầm vẫn diễn ra ở bên trong. Và so với người khác, những nỗi cực nhục mà con người ấy chịu còn phải nhân lên gấp mấy lần, vì nó dồn nén lại thành những nỗi đau vò xé tâm can, chứ không được giải phóng ra bằng hành động.

Cùng với đó, con người Nguyễn Du là con người biết khao khát chân lý và cũng vì thế biết sống theo những tình cảm đúng; con người biết “tỉnh táo để nhìn đời” và cũng do đó đã tránh được những phản ứng lầm lạc trong mọi hoàn cảnh tối tăm. Nhưng càng nhìn đời, càng thấy xung quanh mình tràn đầy thống khổ, thì lại càng bế tắc. Càng đưa suy nghĩ lên mức khái quát, thì lại càng chìm sâu vào một nỗi đau “vô hình”. Suốt đời, nhà thơ đã vùng vẫy trong cái mớ bòng bong tư tưởng đó: “Nhất sinh u tứ vị tằng khai” (Trọn đời mối u sầu chưa hề gỡ ra) trong bài “Thu chí”.

Và mấy câu thơ sau đây quả đã nói được một cách khá trọn vẹn tâm trạng của Nguyễn Du:

Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
(Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người
Đêm tối mờ mịt không biết bây giờ là bao giờ, mãi chẳng thấy sáng)
(Dạ hành)

Hình tượng một con người đi trong bóng đêm dày đặc hãi hùng, bị gió lạnh dồn cả vào mình và cứ mong cho chóng sáng mà không thấy sáng, thật đã phản ánh đúng cảm nghĩ chua xót của Nguyễn Du về sự mất phương hướng. Đây không những là hình ảnh tự họa chính xác nhất của nhà thơ, mà còn là hình ảnh có một ý nghĩa xã hội rộng lớn: Tấn bi kịch lịch sử của chế độ phong kiến ở giai đoạn cực kỳ thối nát, tan rữa. Ý nghĩa nhận thức đồng thời cũng là ý nghĩa tố cáo trong phần lớn những bài thơ chữ Hán nói về mình của Nguyễn Du, chính là như vậy.

(Còn tiếp)
PV