06:07 18/06/2014

Tâm tình lính đảo Trường Sa

Giữa biển trời bao la, anh em lính đảo chúng tôi như những người thân thuộc trong một gia đình. Khi nhắc đến gia đình thân yêu ở trong đất liền, ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui và sự tự hào...

Giữa biển trời bao la, anh em lính đảo chúng tôi như những người thân thuộc trong một gia đình. Khi nhắc đến gia đình thân yêu ở trong đất liền, ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui và sự tự hào...

 

Trong những lúc chuyện trò, chúng tôi lại hỏi nhau: “Cậu xa nhà bao nhiêu tháng rồi nhỉ?”, “Đợt này nhiệm vụ có kéo dài không?”... Rồi đôi lúc, trong một khoảng lặng, mỗi người lại đuổi theo một suy nghĩ, một dự định hay một ước muốn riêng của mình.

 

Đại úy Bùi Xuân Thêm tại đảo Sinh Tồn Đông.


Vẫn như mọi buổi trưa khác, hôm nay chúng tôi lại quây quần bên đồng đội thân yêu để cùng nhỏ to nhiều câu chuyện. Bỗng một giọng oang oang của tay pháo thủ xe tăng, Trung úy Hoàng Đăng Việt mà đơn vị chúng tôi vẫn trêu bằng cái tên thân mật “Vịt điếc”: “Tình hình này các bác cứ yên tâm công tác nhé, không phải đếm tháng nữa đâu!”.

Việt nói to chẳng phải vì cậu ấy điếc đâu! Với chuyên ngành xe tăng, ai cũng có khẩu khí như vậy, có to, rõ, dứt khoát thì mới tiếp nhận khẩu lệnh và phát khẩu lệnh hiệp đồng trong quá trình huấn luyện, cũng như thực hành bắn chiến đấu. Việt nói như một tia sét xé toang cả bầu trời mưa giông và kéo mọi người trở lại với cuộc trò chuyện bên ấm trà đang nguội dần.

 

Dọn vệ sinh đảo sau trận mưa.


“Anh mầy đây còn chẳng biết bao lâu rồi không về, không đếm “nội” ngày tháng nữa”, giọng trầm khệt của Quảng Bình vang lên: Đại úy Bùi Xuân Thêm, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông, đã tới góp chuyện với chúng tôi.


Các câu hỏi đổ dồn về người chỉ huy yêu mến của chúng tôi: “Anh còn mấy phép nữa?”, “Trước khi đi đảo anh về nhà bao nhiêu ngày?”, “Ở đơn vị cũ anh đã nghỉ phép chưa?”...


Thêm cứ nhẩn nha trả lời từng câu hỏi của chúng tôi với chất giọng trầm lặng phải cố gắng lắm mới dịch được. Trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, anh là đại đội trưởng, đang huấn luyện chiến sỹ mới tại Tiểu đoàn 452 của Lữ đoàn 957 Vùng 4 Hải quân. Anh tiếp tục dòng tâm sự: “Huấn luyện chiến sỹ mới thì như nuôi con mọn các chú biết còn gì, cũng muốn về thăm nhà, nhưng đi lại tốn kém, mà lại đang muốn ki cóp sửa sang cho mẹ con bọn trẻ cái nhà cho êm ấm, mình cũng sẽ yên tâm hơn khi đi công tác xa, thế là lỡ một kỳ phép rồi lại hai kỳ phép...


Ngắt dòng tâm sự, anh nhấp ngụm trà nhỏ, rồi lại ngồi suy tư cùng với chúng tôi.


Tháng 5/2013, Đại úy Bùi Xuân Thêm nhận quyết định về Lữ đoàn 146 để tập huấn cán bộ thay phiên đảo. Thế là tá hỏa chuẩn bị bàn giao chức trách và về đơn vị mới cho kịp thời gian. Anh về đoàn Trường Sa vào tháng 5/2013, trong thời gian tập huấn, trừ những việc rất đặc biệt mới được nghỉ phép, vậy nên cũng không về thăm nhà được. Tháng 7/2013, anh và đồng đội xuống tàu ra đảo thực hiện nhiệm vụ cho đến nay.


Cùng trong ban chỉ huy, nên tôi biết số điện thoại của rất nhiều gia đình anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường điện thoại thăm hỏi, động viên gia đình cán bộ, chiến sỹ trên đảo; nhất là vào các dịp lễ, Tết, hay khi gia đình có tin vui, chuyện buồn. Đó cũng là một nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ chính trị.


Có lần, do tình hình nhiệm vụ và hoạt động của mục tiêu trong khu vực phức tạp nên Đại úy Bùi Xuân Thêm không có thời gian điện thoại cho vợ con. Vì nóng ruột, nên vợ anh gọi vào máy điện thoại của tôi bằng một số lạ, đúng phong cách của vợ bộ đội: “A lô, tôi là Phạm Thị Gấm, vợ đồng chí Thêm, anh cho tôi gặp anh Thêm một chút”.


Tôi trấn an chị và hứa sẽ bảo Thêm gọi lại cho chị. Chị cố nhắn lại: “Anh cố gắng bảo anh ấy gọi lại nhanh nhé, cháu nhỏ đang ốm”.


Vợ anh Thêm là giáo viên THCS, một nách hai con, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Bố mẹ chồng mất cả, gia đình lại đông anh em, nên ngôi nhà cũ của ông bà mà vợ con anh Thêm đang sống, cũng chưa phải là nhà của hai vợ chồng. Chuyện hậu phương chiến sỹ là thế, lúc bố mẹ ốm đau, con cái nóng sốt cũng chỉ biết lo toan một mình. Có khi chỉ là gọi để tìm sự sẻ chia, nhưng cũng có khi cần bàn bạc đến chuyện chi tiêu hay những điều lớn lao hơn trong gia đình... Và còn biết bao những khó khăn, vất vả nhọc nhằn nữa trên đôi vai của hậu phương, để cho tiền tuyến nơi đảo xa vững lòng công tác.


Nghe chuyện của gia đình anh Thêm, ai trong chúng tôi cũng nghèn nghẹn, một khoảng lặng trở lại với anh em lính đảo chúng tôi, nhưng lúc này là sự đồng cảm, sẻ chia. Vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, canh giữ bình yên cho biển đảo quê hương mà chúng tôi luôn dang dở với những ước mơ và điều bình dị nhất trong cuộc sống. Mọi người ngồi xích lại gần nhau hơn như để tránh cơn gió hắt mưa qua khe cửa cùng truyền cho nhau hơi ấm, hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội giữa biển khơi mênh mông.


Trở về phòng, tôi ngồi suy nghĩ và tự trách mình sao quá vô tâm, mới hơn năm trời chưa cùng ăn với gia đình bữa cơm, chưa được ôm đứa con gái bé bỏng, mà đã vội nóng lòng. Người cùng ăn chung với mình bữa cơm hàng ngày đã 32 tháng chưa về, cả ngàn ngày chưa cùng vợ con sum họp và khắc khoải với những lo toan bộn bề của cuộc sống…


Trong những ngày Biển Đông dậy sóng, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, mọi cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu đã nén những cảm xúc riêng tư để đặt nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Sự kiên định về lòng tin, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân trong trái tim họ chính là chiến hạm sẽ không bao giờ chìm giữa sóng gió Biển Đông.


Bài và ảnh: Vũ Đức Vinh (Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông - gửi từ Trường Sa)