10:10 07/10/2010

Tầm quan trọng của kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc

Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được cho là 5 năm quan trọng đối với sự phát triển tới đây của Trung Quốc.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được cho là 5 năm quan trọng đối với sự phát triển tới đây của Trung Quốc. Mạng “Bình luận Trung Quốc” (Hồng Công) ngày 5/10 đăng bài viết của Trì Phúc Lâm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cải cách Trung Quốc - phân tích về tầm quan trọng cũng như nhiệm vụ chiến lược của kế hoạch này.

Ông Trì Phúc Lâm cho rằng kế hoạch trên mở màn 5 năm đầu tiên cho sự phát triển trong 30 năm tới của Trung Quốc. Để thích ứng được sự thay đổi của môi trường bên ngoài, xét từ nhu cầu thực tế và xu thế tương lai của phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, tầm quan trọng của kế hoạch này thể hiện ở 5 mặt sau:

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước

Đây là 5 năm quan trọng thúc đẩy tiêu dùng của người dân, tạo dựng một nước lớn về tiêu dùng. Về khách quan, Trung Quốc mới chỉ áp dụng các chính sách tạm thời khi thúc đẩy tiêu dùng, nhằm ứng phó với khủng hoảng, chưa có cơ chế lâu dài đối với thúc đẩy tiêu dùng trong nước một cách bền vững. Trong bối cảnh mô hình phát triển lấy xuất khẩu và đầu tư làm chủ đạo không thể tiếp tục, nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững của kế hoạch trên là phải thúc đẩy cải cách, mở rộng nhu cầu trong nước. Năm 2009, tỷ lệ tiêu dùng của Trung Quốc chỉ đạt 48,6%, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là trên 70%. Nếu kế hoạch này có được bước đột phá quan trọng trên các mặt, mở rộng nhu cầu trong nước và phân phối thu nhập, tỷ lệ tiêu dùng của Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ đạt 60-65%, trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng sản xuất trong nước của Trung Quốc.

Đây là 5 năm quan trọng thúc đẩy đô thị hóa. Trong 5 - 10 năm tới, sự phát triển các quần thể đô thị sẽ có tầm quan trọng trong chuyển đổi mô hình phát triển. Trung Quốc hiện bước vào giai đoạn phát triển nhanh đô thị hóa, song do một số rào cản về cơ chế và khu vực hành chính, tiến trình này chưa hiệu quả, tụt hậu rất xa so với tiến trình công nghiệp hóa, kéo theo sự chậm trễ trong phát triển ngành dịch vụ. Kế hoạch này cần phải phá vỡ hạn chế về khu vực hành chính, thực hiện phát triển nhất thể hóa kinh tế, xã hội và hành chính khu vực.

Thu hẹp khoảng cách phát triển nông thôn - thành thị

Đây là 5 năm quan trọng thực hiện đô thị hóa với mục tiêu nhất thể hóa thành thị và nông thôn. Sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn không ngừng gia tăng, nổi cộm nhất là khoảng cách thu nhập cũng như chế độ dịch vụ công cộng giữa hai khu vực này, thu nhập bình quân của cư dân thành thị hiện cao gấp 3,33 lần so với ở nông thôn. Bên cạnh đó, người dân nông thôn không được hưởng quyền lợi bình đẳng với người dân thành phố.

Đây là 5 năm quan trọng thúc đẩy bình đẳng hóa dịch vụ công cộng cơ bản. Bước vào giai đoạn phát triển mới, sự đáp ứng của dịch vụ công cộng không chỉ liên quan vấn đề công bằng mà quan trọng hơn là vấn đề phát triển bền vững. Bình đẳng hóa dịch vụ công cộng cơ bản có lợi cho ổn định cư dân thành thị - nông thôn, giảm khuynh hướng tích trữ mang tính phòng ngừa, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời cũng có lợi trong việc hóa giải các mâu thuẫn xã hội, điều chỉnh kết cấu phân phối thu nhập, cân bằng các mối quan hệ tập thể, lợi ích… Từ kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đến nay, cải cách lĩnh vực dịch vụ công cộng đã có bước tiến quan trọng, song việc thực hiện mục tiêu phát triển công bằng vẫn còn nhiều yếu kém, còn cách xa kỳ vọng của xã hội. Do đó, kế hoạch lần này cần phải nhanh chóng định ra quy hoạch mang tính toàn quốc, bình đẳng hóa dịch vụ công cộng cơ bản, đẩy mạnh thống nhất thể chế dịch vụ công cộng của thành thị - nông thôn; đồng thời tăng mức đầu tư cho dịch vụ công cộng cơ bản, thu hẹp khoảng cách đầu tư dịch vụ công cộng giữa thành thị và nông thôn cũng như giữa các khu vực...

Đây là 5 năm quan trọng đẩy mạnh nền “kinh tế ít cácbon”, thực hiện phát triển xanh. Xây dựng nền “kinh tế ít cácbon” giúp năng lực phát triển bền vững không ngừng tăng cường, môi trường sinh thái được cải thiện, hiệu suất sử dụng tài nguyên được nâng cao, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đưa toàn bộ xã hội đi theo con đường phát triển văn minh, đồng thời điều này cũng quyết định xem Trung Quốc có thực hiện được cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 40-45% lượng khí thải cácbon so với mức năm 2005 hay không. Trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy nền “kinh tế ít cácbon”, kế hoạch trên cần gia tăng đầu tư, nhanh chóng đề ra các phương án tổng thể cải cách giá tài nguyên môi trường, xây dựng cơ sở cho sự phát triển nền “kinh tế ít cácbon”.