04:18 29/04/2021

Tầm nhìn quy hoạch, quản lý bến xe tại Hà Nội - Bài 2: 'Khai tử xe dù bến cóc'

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang đặt quyết tâm cao trong việc quản lý vận tải hành khách một cách bài bản và trong thời gian tới sẽ xóa bỏ “xe dù bến cóc”. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều khó khăn, gian nan.

Chú thích ảnh
Xe khách dừng đỗ ngay đường dẫn xuống của vành đai 3, vô tình gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Cẩm Nhung - Phạm Thương/Báo Tin tức

Ngăn chặn “cò mồi, bảo kê”

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thực tế thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số đối tượng “cò mồi”, thậm chí đứng ra “bảo kê” địa bàn nhằm chèo kéo khách tại các khu vực bến xe; có đối tượng còn được thuê, cử theo dõi, cảnh báo đến các nhà xe khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong khi đó, việc quản lý còn gặp khó khăn, việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ xử lý phạt “nguội” vi phạm hành chính còn hạn chế; công cụ xử lý vi phạm qua thiết bị camera chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo lỗi của các xe vi phạm, phải dùng các biện pháp thủ công để rà soát với số lượng lớn phương tiện... Lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng dẫn tới xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách còn hạn chế.

Hiện nay, tổng số lực lượng thanh tra tại 30 đơn vị quận huyện của thành phố Hà Nội có 540 người, trong lúc phải thực hiện nhiều khối lượng công việc song hành trên nhiều tuyến đường, bến xe khách… Đối với bến xe điểm nóng Mỹ Đình Sở Giao thông phải bố trí 5 đơn vị Thanh tra giao thông, phối hợp cùng Cảnh sát Giao thông và Công an quận liên quan như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm để kiểm tra xử lý 24/24 giờ.  

Bên cạnh đó thì khó khăn hạn chế lớn nữa là ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, lái xe và một bộ phận không nhỏ hành khách chưa cao, nhiều người có nhu cầu đi xe nhưng không vào bến mua vé mà tìm đến các vị trí đón xe dọc đường.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội khẳng định đến hết tháng 6/2021 sẽ chấm dứt tình trạng “xe dù bến cóc”, đặc biệt là tại bến xe nóng bỏng nhất Mỹ Đình. Thanh tra Giao thông sẽ xử lý mạnh đối với các hành vi dừng đỗ, đón trả khách vòng vo trái quy định; xe đã xuất bến ra ngoài đi chậm, bốc hàng hóa. 

Cần duy trì kiểm tra giám sát

Đề giải quyết những tồn tại về quản lý vận tải hành khách như hiện nay, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì cần một lộ trình dài hạn; trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Giải pháp về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho nhân dân tiếp cận. Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện... Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố khác phát triển hệ thống xe buýt kế cận; phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối thẳng từ trung tâm đô thị và hay các khu du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô…

Tới đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai đầu tư các bến xe khách liên tỉnh và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đảm bảo thuận tiện cho nhân dân trong quá trình đi và đến Hà Nội theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố cũng sẽ bổ sung các tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện,… để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh/thành phố phát triển hệ thống các tuyến xe buýt kế cận; triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ Trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô.

Để tình trạng “ xe dù bến cóc” được xóa bỏ thì việc phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, Công an quận, Công an Phường và UBND các phường, xã có liên quan cần rà soát, thống kê và xử lý các vi phạm tại các tuyến đường xung quanh các bến xe trọng điểm, các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố, các tuyến trọng điểm và địa bàn phức tạp tập trung nhiều xe khách vi phạm.

Xử lý các địa điểm hình thành bến, bãi trái phép; các bến, bãi có phép cho xe khách lợi dụng dừng, đỗ xếp hàng hóa và hành khách trái quy định; các bãi đất trống, đất nông nghiệp, đất dự án chưa triển khai, các trạm rửa xe, cây xăng, hàng quán ven đường,… đã xuất hiện và dễ phát sinh các vi phạm. Đồng thời tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của người dân, của cử tri, của địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí về tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Sở Giao thông Vận tải đã và đang rà soát, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải thông qua Hà Nội cho phù hợp với tổ chức giao thông của Thành phố, hạn chế các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải. Chẳng hạn thời gian qua đã cắm biển cấm nhiều phương tiện vận tải không được đi qua Bến xe Mỹ Đình mà phải đi đường Vành đai 3 trên cao và cầu Mai Dịch, đã hạn chế được việc bắt khách dọc đường.

Sở cũng sẽ phát triển mới các tuyến buýt đi các tỉnh lân cận(áp dụng cho tuyến ngắn có cự ly trung bình từ 100 km trở xuống) nhằm từng bước hạn chế các vi phạm, giảm giá thành dịch vụ, thu hút được nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ.

“Một vấn đề rất quan trọng trong quản lý lĩnh vực này là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng, du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, đốc thúc lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt. Điều quan trọng nhất là việc chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra phải được làm thường xuyên, liên tục, không để khoảng trống”, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ.

Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Cầu Giấy Phan Anh Tuấn mong muốn, để các giải pháp được thực thi thì người dân cần có ý thức cao hơn trong việc chấp hành vào bến bắt xe. 

Anh Nguyễn Văn Hồng, lái xe biển 21B-00563 chạy tuyến Mỹ Đình - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải bộc bạch: “Xe khách nào cũng chấp hành quy định thì không còn tình trạng tranh giành khách, thấp thỏm lo lắng. Ngược lại thì người đi xe cũng cần vào bến mua vé để đảm đảm bảo quyền lợi cho những xe chấp hành. Người dân đi xe từ đây cũng được đảm bảo trong phòng chống dịch COVID-19 bởi bến xe quy định rất nghiêm ngặt”.

Bài cuối: Kết nối đồng bộ, hoàn chỉnh

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)