02:16 23/02/2012

Tấm lòng Mùa A Câu

Ông Mùa A Câu, 58 tuổi, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Sìn Hồ là người dân tộc Mông đã trải qua nhiều gian khó nên ông luôn chia sẻ những khó khăn với các học sinh nghèo. Ông đã dựng những phòng trọ cho học sinh ở nhờ mà không thu bất cứ một khoản tiền nào...

Ông Mùa A Câu, 58 tuổi, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Sìn Hồ là người dân tộc Mông đã trải qua nhiều gian khó nên ông luôn chia sẻ những khó khăn với các học sinh nghèo. Ông đã dựng những phòng trọ cho học sinh ở nhờ mà không thu bất cứ một khoản tiền nào, kể cả là tiền điện nước… suốt 9 năm qua

Ông dẫn chúng tôi xuống thăm xóm trọ, là mái ấm của những học sinh vùng cao mà ông đã dành hết thảy tình thương yêu nơi ấy. Ông Câu đi đến cửa từng phòng quan sát các em học bài rồi quay lại tâm sự: “Sau những lần đi công tác ở cơ sở, thấy một số em ở bản xa muốn học hết cấp III, sau đó học nghề, để về phát triển kinh tế gia đình và xây dựng bản làng, nhưng lại không có điều kiện tới trường. Nghĩ mà chạnh lòng, nên tôi quyết định phải làm một cái gì đó. Mình cũng vì hoàn cảnh mà bỏ lỡ việc học, nay nhìn các em như vậy thì thương lắm!”. Ông liền san nền, rồi đi rừng chặt nứa, cắt gianh kết tấm lợp để dựng một phòng trọ tạm trú. Ông bảo với các con xem bạn nào có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ bên ngoài thì rủ các bạn về ở. Lúc đầu có hai em ở xã Làng Mô và xã Hồng Thu đến ở, sau dần dần các em đến xin ở nhiều. Nhà chỉ có một phòng không đủ, ông bàn với gia đình lấy mảnh vườn trồng rau dựng lên mấy phòng cho các em ở. Năm học nào cũng vậy, nhu cầu phòng ở nội trú cho học sinh từ xa về thị trấn đều thiếu, nhiều em phải thuê phòng ở ngoài. Một phòng trọ rộng khoảng 15m2 có giá 350.000/tháng. Đây là một khoản tiền không nhỏ với mỗi gia đình vùng cao. Vì thế, nhiều em phải bỏ học giữa chừng.

Ông Mùa A Câu đang thăm hỏi các em học bài.


Nhìn hai dãy phòng lợp ngói ximăng, xung quanh bưng ván, tre và nứa chắc chắn, có điện thắp sáng, tôi ước tính mỗi tháng gia đình ông đã giúp một số tiền khoảng 1,5 triệu đồng tiền trọ. Số tiền không hề nhỏ đối với mười em học sinh vùng cao đang lo miếng ăn từng ngày. Trong khi ấy kinh tế gia đình ông không dư dả, vợ mất sớm, một mình nuôi con lại thêm người em trai đau ốm từ nhỏ. Các em đến ở gần gũi gọi một điều bố, hai điều bố lễ phép và kính trọng. Ngày nghỉ các em về nhà, đầu tuần xuống trường mang thêm bó măng, búp hoa chuối… để làm quà cho bố Câu.

Đa số các em đến ở nhà ông đều rất vui và có ý thức học tập tốt. Em Phàng A Sai học sinh lớp 9B trường THCS thị trấn, nhà ở bản Chung Xung A, xã Hồng Thu, cho biết: “Em ở đây đã được 2 năm rồi, trước đây em ở trọ bên ngoài, mỗi tháng mất 120.000 đồng tiền trọ chưa kể tiền điện nước, gia đình em khó khăn nên có nhiều tháng em phải khất nợ lại tiền trọ, có anh học lớp trước và đã tốt nghiệp mách cho em đến xin ở nhờ nhà bố Câu đấy. Có hôm em phải nhịn đói vì hết gạo thì bố Câu biết, mắng, rồi bố về lấy cơm và thức ăn xuống cho em ăn…”.

Chính từ những căn phòng tình nghĩa này đã tiếp sức các em trưởng thành. Sùng A Lồng (bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo) tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, hiện giờ là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện; Mùa A Câu ( xã Tả Ngảo) đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Sùng A Dinh tốt nghiệp Trung cấp Nông Lâm và hiện giờ đang còn một số em theo học Trung cấp Khai thác mỏ. Thi thoảng các em cũng về mái ấm này để thăm bố Câu.

Nghe kể, ông Câu là người rất siêng học và học rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học dang dở. Cách đây hơn 29 năm, Mùa A Câu là học sinh giỏi của Trường Dân tộc Thiếu niên huyện Sìn Hồ, từng đoạt giải Nhất môn toán và giải Nhì môn văn - Tiểu học Cấp huyện. Sau khi tốt nghiệp Cấp III, A Câu được cử đi học đại học. Tháng 10/1986, A Câu có mặt tại trường Dự bị Đại học ở Việt Trì - Phú Thọ. Cứ tưởng từ đây A Câu có thời gian tập trung vào đèn sách, lĩnh hội tri thức sau này về xây dựng quê hương. Nào ngờ, học chưa được một năm thì mẹ mất vì bệnh ung thư. Không bao lâu, bố đi lấy vợ để lại người em trai ốm yếu từ nhỏ. Trước những biến cố về gia đình, A Câu không thể theo học được. Anh lặng lẽ tạm biệt trường, thầy cô và bè bạn trở về quê làm ăn chăm sóc người em tàn tật và xây dựng gia đình. Tưởng chừng những sóng gió cuộc đời sẽ không còn gì đeo bám số phận ông, nhưng cái khổ, cái bất hạnh lại cứ đeo bám! Một căn bệnh quái ác đã cướp đi người vợ hiền, để lại cho ông một nách ba đứa con. Nén đau thương, ông quyết định không đi bước nữa, một mình ở vậy nuôi các con khôn lớn nên người. Cô con gái cả đã yên bề gia thất, con trai thứ hai là đảng viên trẻ, đang công tác trong ngành công an, còn cậu con trai út đang học tại Trường Đại học Thái Nguyên.

Với cương vị Phó Chủ tịch MTTQ huyện, ngoài công việc xã hội, trở về với đời thường ông luôn được bà con khu I - thị trấn tin yêu và coi như người cha - người anh cả. Vui, buồn ông được bà con chia sẻ tâm tình. Còn với những người lầm bước, sa ngã rơi vào vòng lao lí, khi trở về địa phương, ông vận động bà con thôn bản đến tận nhà động viên khuyên nhủ. Ông tâm sự: “Để làm được điều này chúng ta cần phải có một cái nhìn thoáng, thân thiện, hòa đồng, đó là cánh cửa mở, đón họ trở lại với cộng đồng”. Nhiều người sau khi cải tạo xong trở về địa phương, được ông tận tình khuyên giải; thấy được sự gần gũi, không kì thị, xa lánh của mọi người, họ đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Tẩn A Mìn và Bàng A Quang phạm tôi buôn bán ma túy, lĩnh án gần 10 năm tù, khi trở về địa phương, được ông tận tình khuyên giải. Hai anh thấy được sự gần gũi, không kì thị, xa lánh, đã quyết tâm làm lại cuộc đời và đến nay do chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ngày một đi lên.

Tạm biệt ông Mùa A Câu, tạm biệt các em học sinh, tôi trở về trong lòng xác tín một nỗi niềm: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

Việt Hoàng