11:23 24/11/2011

Tấm lòng của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Dạy học cho những trẻ bình thường đã khó, dạy cho những trẻ có trí tuệ phát triển không bình thường còn khó gấp bội. Thế nhưng vẫn có nhiều giáo viên cần mẫn theo đuổi công việc này, bởi với họ tình yêu thương trẻ là trên hết.

Dạy học cho những trẻ bình thường đã khó, dạy cho những trẻ có trí tuệ phát triển không bình thường còn khó gấp bội. Thế nhưng vẫn có nhiều giáo viên cần mẫn theo đuổi công việc này, bởi với họ tình yêu thương trẻ là trên hết.

Kiên nhẫn với từng học trò

Đối với những trẻ bình thường, cô giáo chỉ cần nói một hoặc hai lần là trẻ hiểu, nhưng đối với những trẻ phát triển không bình thường thì giáo viên phải lặp đi, lặp lại rất nhiều lần, phải cầm tay từng em chỉ vào đồ dùng, hình ảnh nhiều lần, các em mới có thể nhận biết và ghi nhớ. Có khi chỉ một từ “ba” cũng phải mất cả tháng các em 8 - 10 tuổi mới có thể nói được, bởi đa số những trẻ này đều có chung một điểm “lâu nhớ nhưng mau quên”. Do đó, để dạy được những trẻ này thì người giáo viên cần phải có tính kiên nhẫn.

Chỉ có lòng yêu trẻ mới trụ được với nghề.


Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên trường Chuyên biệt quận 10 cho biết: Trong lớp mình có những học sinh chậm phát triển, tự kỷ, có 13 học sinh nhưng để quản được các em thì rất vất vả. Bởi những đứa trẻ này không chịu ngồi yên một chỗ, thích chạy nhảy nhưng lại không làm chủ được hành động của mình, đôi khi làm hại đến bản thân. Nhiều em hay làm cho mình bị thương, đi đứng không vững, có em 10 - 14 tuổi nhưng khả năng phát triển chỉ giống như đứa trẻ 2 - 3 tuổi... Giáo viên dạy ở những lớp học đặc biệt này bị học trò giật tóc, cắn và đánh là chuyện bình thường, bởi chúng không kiểm soát được hành vi của mình.

Cô Ngọc Lân, giáo viên trường Chuyên biệt Ánh Minh (quận Bình Thạnh) tâm sự: Ngày mới ra trường, thật sự mình thấy rất khó khăn. Mới đầu cũng thấy nản và nghĩ không biết mình có theo đuổi được công việc này nữa hay không nhưng rồi ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ cứ thôi thúc mình tiếp tục với công việc và đến nay mình dạy trẻ khiếm thính được khoảng 8 năm rồi. Giáo viên dạy trẻ bình thường thì nhiều nhưng giáo viên dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như thế này thì rất ít. Phải yêu thương trẻ lắm thì mới có thể trụ được với công việc này, còn nếu chỉ nghĩ đến đồng lương so với công sức mình bỏ ra thì chắc chẳng ai dám theo.

Kế hoạch giáo dục cho mỗi học trò

Dạy ở lớp học bình thường, giáo viên chỉ cần soạn một giáo án nhưng ở lớp học đặc biệt này thì việc soạn giáo án cũng có phần đặc biệt hơn bởi ngoài giáo án chung cho tất cả các học trò, người giáo viên phải soạn thêm kế hoạch giáo dục cho từng học trò.

Cô Nguyệt tâm sự: Lớp mình có 13 học sinh, để soạn một kế hoạch giáo dục riêng cho từng học sinh đòi hỏi người giáo viên phải quan sát rất sát quá trình phát triển của từng học sinh. Mỗi một học sinh đều có lịch sinh hoạt riêng, và mỗi em có một cá tính khác nhau, nên việc soạn kế hoạch này cần rất tỉ mỉ. Kế hoạch giáo dục cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Cụ thể: Nếu trong vòng một tháng mà em này không thích nghi được với màu sắc thì giáo viên sẽ phải chuyển đổi kế hoạch khác mà em đó dễ thích nghi hơn. Bên cạnh đó cần kích thích các em tiếp thu bằng cách tác động vào sở thích của từng em. Ví dụ: Nếu em này thích con vịt thì mình sẽ phải về nhà cắt dán con vịt để làm dụng cụ hỗ trợ học tập cho các em. Vừa phải soạn giáo án vừa phải lên kế hoạch giáo dục cho từng em rồi còn phải làm các dụng cụ học tập theo sở thích của các em, đôi khi mình cảm thấy rất mệt, nhưng khi lên lớp thấy các em tiến bộ hàng ngày thì những suy nghĩ đó dần tan biến.

Đa số giáo viên dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt phải kiêm luôn nhiệm vụ chuyên viên tâm lý, phải hiểu được hoàn cảnh gia đình của từng học trò, tính cách của từng em, nguyên nhân dẫn đến các em bị như vậy... để đưa ra những phương pháp dạy học tích cực. Thường những đứa trẻ vào học trong các trường chuyên biệt này rất nhạy cảm và rất sợ bị người khác bỏ rơi.

Cô Ngọc Lân nhớ lại: Có lần một học sinh lớp 3 chạy tới ôm cô và khóc. Hỏi ra thì biết gia đình em này bố mẹ chia tay, vì khả năng nói của em đó rất kém nên khi nói ra gia đình không ai hiểu. Em đó đã chạy tới mình và khóc. Bởi em đó biết rằng mình có thể hiểu được những gì em nói và tâm sự với mình rất nhiều. Những lúc như thế mình cảm thấy yêu công việc này hơn, mọi khó khăn đều có thể vượt qua được.

Đặc biệt vào những ngày 20/11, là ngày mà thầy cô giáo sẽ nhận được những bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng của học trò. Nhưng với những giáo viên dạy trong lớp học đặc biệt thì những lời chúc mừng đó thật hiếm. Các cô còn phải tự mua hoa rồi đưa các em mang tặng lại các cô, nhằm giúp các em biết được ngày lễ tri ân những thầy cô giáo. Điều mong mỏi nhất của những giáo viên này là sự cộng tác của phía gia đình các em, sẽ giúp các em hòa nhập cộng đồng và trưởng thành dần.

Bài và ảnh: Đan Phương