11:12 17/11/2018

Tâm huyết của thầy giáo khiếm thị ở mái trường đặc biệt

Bị khiếm thị khi mới 12 tuổi, nhưng với nghị lực vượt qua khó khăn, thầy giáo Tô Nguyên Châu đã hoàn thành chương trình học phổ thông, 2 bằng đại học và quay trở lại giúp đỡ các em học sinh có cùng cảnh ngộ ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Chú thích ảnh
Thầy Tô Nguyên Châu và các học sinh lớp 1A1 trong giờ học.

Năm 1998, khi đang học lớp 6, cậu học trò Tô Nguyên Châu mất đi đôi mắt sáng do bị cườm nước và bệnh bướu nước lan vào mắt. Vượt qua cú sốc này, Tô Nguyên Châu đã làm quen với cuộc sống mới tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) từ việc học định hướng không gian và di chuyển cũng như các kỹ năng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, học chữ Braille. 

Nhớ về quãng thời gian đầy khó khăn này, thầy Tô Nguyên Châu cho biết: "Ban đầu làm quen với chữ Braille, tôi thấy rất phức tạp và khó nhớ, nhiều khi muốn bỏ cuộc. Được các thầy, cô giáo luôn bên cạnh an ủi, động viên, tôi đã nỗ lực học thuộc hệ thống chữ này. Bên cạnh đó, tôi còn tìm tòi cách sử dụng các phần mềm dành cho người khiếm thị trên điện thoại và máy tính".

Vốn thông minh, lanh lợi và ham học hỏi, chỉ sau một năm học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cậu học trò Nguyên Châu có thể nắm bắt, tiếp thu được các môn học thông qua chữ Braille, nắm vững các kỹ năng phục vụ sinh hoạt và học hòa nhập với các bạn sáng mắt tại trường bên ngoài từ lớp 7.

Với mong muốn trở thành giáo viên dạy cho học trò khiếm thị, học hết phổ thông, Nguyên Châu thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời theo học tại Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy Tô Nguyên Châu chia sẻ: "Tốt nghiệp đại học vào năm 2009, tôi chọn về công tác tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu vì đây là nơi đã dạy cho tôi các kỹ năng và kiến thức khi vừa bị khiếm thị. Tôi muốn dùng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân để giúp đỡ cho những em học sinh có cùng hoàn cảnh".

Chú thích ảnh
Thầy Tô Nguyên Châu hướng dẫn các học trò làm thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Về trường, thầy giáo trẻ Tô Nguyên Châu được bố trí đứng lớp dạy lớp 1 khiếm thị. Theo thầy Nguyên Châu, cả thầy và trò đều không thấy nhau nên giáo viên không thể quan sát hành động và thái độ học tập của học sinh, khó diễn tả được các ý nghĩa về hình ảnh, màu sắc, hình dáng đồ vật cho học sinh. Để khắc phục những khó khăn này, trong quá trình đứng lớp, thầy Nguyên Châu di chuyển liên tục để chỉnh sửa dáng ngồi, tư thế viết bài của học sinh, đồng thời lắng nghe giọng nói của các em để cảm nhận vị trí của từng em cũng như mức độ tiếp thu bài giảng của các em học sinh.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: "Thầy Tô Nguyên Châu là giáo viên trẻ nhưng rất năng động trong dạy học và cũng như các hoạt động của trường, luôn hỗ trợ các giáo viên khác trong công tác giảng dạy. Thầy Nguyên Châu cũng là một giáo viên rất tận tâm, nhiệt tình, hết lòng với học sinh nên được các giáo viên, học sinh nhà trường quý mến".

Không chỉ năng nổ trong các hoạt động tại nhà trường, thầy Nguyên Châu thường xuyên tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ cho người khiếm thị. Năm 2017, Thư viện sách nói dành cho người mù thực hiện dự án đào tạo tin học căn bản và tin học nâng cao cho người khiếm thị, thầy Tô Nguyên Châu đã đảm nhận nhiệm vụ viết giáo trình cho dự án này và tham gia công tác tập huấn cho các giáo viên thực hiện dự án. Các giáo trình do thầy Nguyên Châu và đồng nghiệp biên soạn không những được Ban Giám đốc Thư viện sách nói đánh giá cao mà còn phát huy hiệu quả tích cực trong việc đào tạo tin học cho người khiếm thị. Thầy Nguyên Châu cho biết: "Người khiếm thị ít có cơ hội tiếp cận thông tin để bổ trợ kiến thức cũng như học hỏi kỹ năng. Tin học chính là con đường hữu ích để người khiếm thị tiếp cận với nguồn thông tin rộng lớn trên mạng, học hỏi kiến thức, kỹ năng phục vụ cho sinh hoạt, học tập và làm việc". 

Chia sẻ về những dự định lâu dài trong tương lai, thầy Nguyên Châu cho biết: Tôi sẽ gắn bó lâu dài trong công tác dạy học cho học sinh khiếm thị, đồng thời sẽ nghiên cứu và phát triển các phần mềm dành cho người khiếm thị, mở ra các lớp dạy tin học nhằm tạo điều kiện cho người khiếm thị được tiếp cận thông tin, học nghề để hòa nhập cộng đồng và tự nuôi sống bản thân.

Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)