02:13 28/02/2016

Tấm gương về sức lao động sáng tạo

Ngày 18/2/2016, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhà văn - nhà báo Mai Thanh Hải (tên khai sinh là Mai Thế Thưởng) đã về cõi vĩnh hằng, để lại một sự nghiệp văn học và báo chí đáng nể.


 

Về ông Mai Thanh Hải (ảnh), có một điều không nhiều người biết, ấy là ông từng gắn bó với cơ quan VNTTX trong thời gian dài, nguyên là Trưởng Phân xã đặc biệt Nam Khu 4, Trưởng Ban BT tin miền Bắc (tiền thân của Ban BT tin Trong nước); và cũng là cộng tác viên thân thiết của báo Tuần Tin Tức.

Sinh năm 1930 tại Hà Nội, năm 1945, ở tuổi 15, Mai Thanh Hải đã là trinh sát viên của đội Việt Minh thành Hoàng Diệu (Hà Nội). Sau đó, ông vào bộ đội rất sớm, mười tám tuổi đã được kết nạp Đảng. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Latinh, ông đến với con đường báo chí sau khi được nhà báo Xuân Thủy dìu dắt; là một trong số ít người được tham dự khóa học đầu tiên về báo chí cách mạng, mở trên chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Thông tin về Đại hội Đảng, về hoạt động của lãnh tụ,phụ trách phân xã nơi tuyến lửa

Sau một số năm làm báo Cứu quốc, năm 1954, ông Mai Thanh Hải được điều về làm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã. Có thể nói, ông là phóng viên nội chính loại “cứng”, thường được cử đi viết về hoạt động của Hồ Chủ tịch, là người duy nhất của TTX đi đưa tin về Đại hội Đảng III năm 1960. Trong một bài viết trên cuốn sách “Thông tấn xã Việt Nam - Nửa thế kỷ, một chặng đường” (NXB Chính trị quốc gia, 1996), ông đã kể lại chuyện “hậu trường” thông tin về Đại hội Đảng III, được Bác “chỉ từng chữ”, trực tiếp biên tập tin, bài và căn dặn “Các chú viết phải ngắn, đừng để mắc lỗi chính tả”.

Máy phát in teletype - thiết bị vào loại hiện đại lúc bấy giờ - do cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật VNTTX lắp đặt, cùng dịp VNTTX phát ảnh ra nước ngoài bằng đường vô tuyến, công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960).

Kháng chiến chống Mỹ, năm 1968, giữa tiếng súng tổng tiến công nổi dậy vang rền, VNTTX lập Phân xã Đặc biệt Nam Khu 4, địa bàn hoạt động là tỉnh Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh, mặt trận Khe Sanh - Đường 9 và đường Tây Trường Sơn 559. Nhà báo Mai Thanh Hải chính là người phụ trách đơn vị công tác đặc biệt ấy. Trong một bài viết năm 1996, ông Dương Đức Quảng (người từng nhiều năm công tác trong ngành Thông tấn, thành viên Phân xã Đặc biệt Nam khu 4, sau này là Giám đốc Trung tâm Thông tin - Báo chí, Văn phòng Chính phủ) nhớ về thủ trưởng cũ: Ngày ấy, Phân xã Đặc biệt Nam khu 4 đóng tại một căn hầm khá sâu trong lòng đất ở xứ đạo Thiên chúa Sen Bàng, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Những buổi trưa hè gió Lào hầm hập, giữa từng đợt bom tọa độ của Mỹ, ông Mai Thanh Hải "quần đùi, may ô" khom lưng ngồi trong hầm, sửa từng tin, bài cho mấy phóng viên trẻ mới ra trường chúng tôi...

Có thể nói, trong giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng của VNTTX, nhà báo Mai Thanh Hải đã có nhiều đóng góp cho ngành. Sau này, chuyển công tác sang đơn vị khác nhưng ông vẫn gắn bó với cơ quan Thông tấn. Nhà báo Bùi Ngọc Hải, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuần Tin Tức, chia sẻ: Ông Mai Thanh Hải là cộng tác viên tích cực của tòa soạn. Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, truyện dài đăng nhiều kỳ là một “đặc sản” của Tuần Tin Tức. Tác phẩm "Hai mươi mùa xuân thầm lặng" của tác giả Mai Thanh Hải đăng nhiều kỳ trên báo, được một số chuyên gia cho là cuốn tiểu thuyết tình báo đầu tiên của ta đăng nhiều tháng liền trên một tờ báo, bạn đọc rất thích.

Chuyên gia hàng đầu về tôn giáo

Nhà báo Dương Đức Quảng chia sẻ: Là phóng viên dưới quyền ông Mai Thanh Hải trong hơn một năm, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về ông là ở kiến thức thâm sâu về nhiều mặt, nhất là về những vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng…

Vốn hiểu biết về tôn giáo của ông Mai Thanh Hải có nguồn gốc từ thủa thiếu thời, khi ông được gia đình cho đi học ở trường dòng. Học trường dòng nhưng ông không theo đạo, chỉ hấp thu những kiến thức khá sâu sắc về đạo Thiên chúa và tiếng Pháp. Vốn hiểu biết ấy dày lên theo năm tháng cùng sự ham học hỏi và nỗ lực tìm hiểu thực tế (ông đã đặt chân đến rất nhiều địa phương trong cả nước, khảo sát hàng ngàn nhà thờ, đình, chùa, đền…) đưa ông trở thành chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Sau ngày giải thể Phân xã Đặc biệt VNTTX Nam Khu 4, ông được điều ra Hà Nội. Một lần gặp lại Bí thư Trung ương Đảng Xuân Thủy, người thủ trưởng từ ngày ở báo Cứu Quốc, ông được ông Xuân Thủy điều sang công tác tại báo Chính Nghĩa, làm Ủy viên Ban Biên tập, chính vì sự am hiểu về đạo Thiên chúa. Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 5/1975, ông được cử vào Sài Gòn, là người đầu tiên của "bên ta" tiếp xúc với Tổng Giám mục Sài Gòn Paolo Nguyễn Văn Bình và nhiều chức sắc tôn giáo khác.

Sự nghiệp phong phú: Làm báo, viết văn và… đóng phim

Với thâm niên trên mấy chục năm làm báo, từng công tác tại nhiều cơ quan báo chí, ông có “gia tài” hàng chục nghìn sản phẩm báo chí.

Ấy là nói về nghiệp báo. Còn nghiệp văn của ông cũng đáng nể: Trên 8.000 trang sách với nhiều đề tài khác nhau, nhiều nhất vẫn là về tôn giáo. Ông Mai Thanh Hải bắt đầu cầm bút viết văn từ năm 1972, với cuốn tiểu thuyết "Đường sáng" được Nhà xuất bản Phụ nữ in năm 1973. Sau đó ít năm, ông viết cuốn tiểu thuyết thứ hai có tên là "Không lẻ loi"; kể về cuộc đời và chiến công của một chiến sĩ tình báo vào vai Linh mục Thiên chúa giáo, hoạt động nhiều năm trong lòng địch, bị lộ, bị địch bắt, trải qua biết bao thử thách vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, ông đã xuất bản 25 đầu sách, trong đó có những cuốn rất giá trị: "Địa chí tôn giáo và lễ hội Việt Nam"; "Từ điển tôn giáo"; "Tôn giáo thế giới và Việt Nam"; "Thờ cúng tổ tiên"; "Tín ngưỡng truyền thống"; "Phật giáo thế giới và Việt Nam"; "Công giáo, Vatican II và các vấn đề đương đại"; "300 giáo hội, giáo phái Tin lành"; "Đạo Hồi Islam và thế giới Islam hôm nay"; "Đạo Do thái, kinh thánh Do thái, Đất thánh Jerusalem và Nhà nước Israel ngày nay"…

Trong số 25 đầu sách đã được xuất bản, tác giả Mai Thanh Hải có 5 tiểu thuyết: "Hoa anh túc nở muộn"; "Cơm đen" (2 tập); "Tháp chuông ráng đỏ"; "Đường sáng"; "Đen vỏ, đỏ lòng" (2 tập). Trong đó, 3 cuốn được giải thưởng của Hội Nhà văn và Bộ Nội vụ, Bộ Công an, là "Cơm đen"; "Đen vỏ, đỏ lòng" và "Tháp chuông ráng đỏ".

Không chỉ là một cây bút có sức viết khỏe và tài năng, ông Mai Thanh Hải còn có lần “ghé sân chơi”điện ảnh, làm diễn viên, cũng với vai một nhân vật tôn giáo - Giám mục Ngô Đình Thục, trong phim “Ông Cố vấn”. Nguyên là, nhà văn Hữu Mai, sau khi hoàn thành kịch bản bộ phim "Ông cố vấn", đã nhờ ông xem lại và êkíp làm phim đã mời ông làm cố vấn về tôn giáo cho bộ phim này. Thế rồi, khi tìm không ra người đóng nhân vật Ngô Đình Thục thì đạo diễn Lê Dân nhận thấy ông “cố vấn tôn giáo” của đoàn làm phim - Mai Thanh Hải, có ngoại hình khá giống với các bậc chức sắc tôn giáo, bèn mời ông vào vai này. Chỉ “ghé sân” thôi nhưng ông cũng chứng tỏ được khả năng. Chẳng thế mà, khi đoàn làm phim quay ở Huế, có những giáo dân đến xin được quỳ lạy Đức cha.

Từ giã cuộc đời ở tuổi 87, nhà văn - nhà báo Mai Thanh Hải từng góp sức mình trong cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc (chống Pháp và chống Mỹ), và ông đã cầm bút đến hơn 60 năm. Ông chỉ ngừng viết khi bị bệnh tật quật ngã. Giờ đây, ông đi xa, nhưng tin rằng, tấm gương về sức lao động sáng tạo, nhiệt huyết và những công trình ông cống hiến cho đất nước vẫn có sức sống dài lâu.
Hà Nguyễn