08:13 17/08/2021

Taliban chiếm Afghanistan, đòn giáng với chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden

Những gì đang xảy ra ở Afghanistan không giống với những gì mà ông Joe Biden hình dung khi trình bày về kinh nghiệm chính sách đối ngoại của bản thân trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 10/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo tờ Politico, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đang suy giảm. Đa số khảo sát dư luận cho thấy người Mỹ nghĩ đất nước đang đi sai hướng. Phe Dân chủ sợ rằng Nhà Trắng đang lúng túng khi phát đi thông điệp về các vấn đề nghị trình cốt lõi.

Đó là trước khi có những diễn biến chớp nhoáng ở Afghanistan. Một loạt sự kiện trong những ngày vừa qua ở Afghanistan đánh dấu giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi ông Biden làm Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, việc Taliban kiểm soát Afghanistan lại xảy ra đúng vào thời điểm mà ngày càng nhiều người Mỹ lo sợ về lạm phát và cách chính quyền Mỹ xử lý đại dịch cũng như nền kinh tế. Giờ đây, uy tín của ông Biden trên thế giới đang gặp rủi ro.

Cảnh hỗn loạn tại sân bay ở Kabul (nguồn: The Drive):

Ông Karl Rove, chiến lược gia Cộng hòa và từng là cố vấn chính trị của Tổng thống George W. Bush, nói: “Người Mỹ không chú ý quá lâu. Nhưng họ sẽ vẫn giữ nguyên đánh giá về sự sụp đổ của Afghanistan khi mà chưa có điều gì tươi sáng hơn diễn ra. Sẽ vẫn tồn tại quan điểm rằng Tổng thống Biden đã xử lý vấn đề không tốt, trao chiến thắng lớn cho Taliban, đẩy 39 triệu người vào chế độ hà khắc, làm lung lay uy tín và vị thế của Mỹ trên thế giới”.

Trong khi đó, Nhà Trắng và phe Dân chủ khẳng định rằng người dân Mỹ từ lâu đã không quan tâm tới chiến tranh ở Afghanistan và ủng hộ rút quân. Tuy nhiên, theo khảo sát của Politico thực hiện cùng Morning Consult, những hỗn loạn xung quanh việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đang khiến cử tri lo lắng, mặc dù da số cử tri Dân chủ vẫn ủng hộ việc rút quân.

Điều đáng lo hơn với ông Biden là theo một khảo sát tại một bang dao động, người Mỹ đột nhiên quan tâm tới Afghanistan dù từng phớt lờ cuộc xung đột này nhiều năm qua. Cử tri ở đây có thể không chú ý tới việc ông Biden đang thực hiện thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã dàn xếp với Taliban.

Ông Charles Franklin, nhà khảo sát tại Marquette Poll ở Wisconsin, nhận định: “Rõ ràng là tuần này chúng ta đều tập trung mạnh vào diễn biến ở Afghanistan. Chính sách đối ngoại lẽ ra là điểm mạnh của ông Biden. Afghanistan là thất bại làm suy yếu điểm mạnh đó”.

Chú thích ảnh
Hàng nghìn người dân Aghanistan đổ xô vào đường băng, cố lao lên các máy bay để rời khỏi đất nước sau khi Taliban tiếp quản quyền kiểm soát thủ đô Kabul, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh người dân Afghanistan chạy theo chiếc máy bay đang lăn bánh trên đường băng, cố bám vào để tìm cách thoát khỏi đất nước đã gây tâm lý oán giận ở nước ngoài và khiến người ta nghi ngờ năng lực của Nhà Trắng trong quản lý các cuộc khủng hoảng trong và ngoài nước.

Nhà Trắng và quan chức Mỹ thừa nhận chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Phe Dân chủ từng nhấn mạnh rằng việc Taliban kiểm soát toàn bộ Afghanistan là điều không thể tránh khỏi. Họ cho rằng từ lâu Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ truy lùng khủng bố và ngăn chặn một thảm kịch khủng bố kiểu 11/9 trong tương lai. 

Trong bài phát biểu ngày 16/8, Tổng thống Biden bảo vệ quyết định rút khỏi Afghanistan để cứu mạng người Mỹ và tiết kiệm tiền thuế của dân. Ông cho biết: “Thêm một năm, hay 5 năm nữa, hiện diện quân sự của Mỹ sẽ không thay đổi gì nếu quân đội Afghanistan không thể hoặc sẽ không tự bảo vệ đất nước. Hiện diện mãi trong cuộc xung đột nội chiến ở một nước khác là điều tôi không thể chấp nhận”.

Ông Biden cũng thừa nhận Mỹ chưa lường trước được việc Taliban nhanh chóng chiếm cả Afghanistan, nhưng không nhắc tới mớ lộn xộn mà quá trình rút quân gây ra.

Chú thích ảnh
Đám đông người sơ tán cố lao lên các máy bay, gây ra cảnh hỗn loạn tại sân bay quốc tế ở Kabul ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP/TTXVN

Bài phát biểu này là bình luận đầu tiên của Tổng thống Biden về tình hình Afghanistan kể từ khi Nhà Trắng ra tuyên bố ngày 14/8. Ông Biden đã di chuyển từ Trại David tới Nhà Trắng để phát biểu, sau đó nhanh chóng quay lại. 

Trong khi đó, chính quyền Mỹ phải luân phiên cử các quan chức nội các và cố vấn chính sách đối ngoại để phát biểu về tình hình này thay Tổng thống, đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm và người Afghanistan gây ra tình hình hiện nay.

Tuy vậy, những luận điểm này không thể làm dịu lo ngại của phe Dân chủ khi mà họ đã sợ sẽ phải trải qua một cuộc bầu cử giữa kỳ thất bại – điều mà đảng kiểm soát Nhà Trắng thường hứng chịu. Khi mà còn 14 tháng nữa mới tới bầu cử giữa kỳ, hiện chưa rõ diễn biến ở Afghanistan có còn lưu trong tâm trí cử tri hay không. Tuy nhiên, sự việc đã gây ra rạn nứt rõ ràng giữa Tổng thống Biden và một nhóm nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện. Những người này chỉ muốn tập trung sơ tán dân Mỹ và đồng minh mắc kẹt ở Kabul.

Chú thích ảnh

Trước đây, khi cạnh tranh với các ứng viên trẻ và cấp tiên, ông Biden có ưu thế nhờ kinh nghiệm chính sách đối ngoại dày dặn, từng đi khắp thế giới, gặp gỡ nhiều lãnh đạo toàn cầu khi còn làm thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Phó tổng thống.

Sau khi giành được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Biden đã nhấn mạnh nước Mỹ do ông lãnh đạo sẽ dẫn dắt thế giới, chứ không phải rút lui. Tuy nhiên, sự kiện Afghanistan là một đòn giáng lớn cho hình ảnh chính khách lão luyện về đối ngoại.

Khảo sát toàn quốc của Fox News thực hiện trong tháng 4 và khảo sát toàn quốc của Đại học Quinnipiac cách đây hai tuần cho thấy người Mỹ bị chia rẽ về cách thức ông Biden xử lý chính sách đối ngoại. Khảo sát của Fox News cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 42% và phản đối là 41%. Khảo sát của Quinnipiac thì cho thấy tỷ lệ là 42-44%.

Mặc dù dư luận ủng hộ rút quân khỏi Afghanistan nhưng họ có thể thay đổi nhanh chóng nếu Taliban quay lại chế độ hà khắc với phụ nữ và trẻ em gái, khi al-Qaeda trỗi dậy và dùng Afghanistan làm bàn đạp tấn công khủng bố.

Thùy Dương/Báo Tin tức