03:18 04/03/2011

Tài trợ hơn 6 tỷ USD cho hai dự án hạ tầng

Nhật Bản sẽ tài trợ khoảng 500 tỷ yên (gần 6,1 tỷ USD) cho hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam là cảng Lạch Huyện ở miền Bắc và sân bay quốc tế Long Thành ở miền Nam theo mô hình đối tác công-tư.

Nhật Bản sẽ tài trợ khoảng 500 tỷ yên (gần 6,1 tỷ USD) cho hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam là cảng Lạch Huyện ở miền Bắc và sân bay quốc tế Long Thành ở miền Nam theo mô hình đối tác công-tư.

Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân để tài trợ cho các dự án trên. Thông tin chi tiết về hai dự án sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp giữa Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức nội các Nhật Bản vào tuần tới.

Dự án cảng Lạch Huyện có tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 140 tỷ yên, trong đó Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ 120 tỷ yên, trong khi các tập đoàn Itochu Corp., Nippon Yusen KK và Mitsui O.S.K. Lines Ltd. sẽ tài trợ phần còn lại.


 Ba tập đoàn này sẽ thành lập liên doanh với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để xây dựng cảng Lạch Huyện trong thời gian từ nay tới năm 2015. Các tập đoàn này sẽ được quyền điều hành các hoạt động của cảng Lạch Huyện trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn đầu tư. Theo dự kiến, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ bắt đầu xây dựng kế hoạch xây dựng chi tiết vào cuối tháng 3/2011.

Đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, kinh phí xây dựng các hạng mục quan trọng của sân bay như các đường băng, đài kiểm soát không lưu và các nhà ga ước tính hơn 300 tỷ yên.

Các tập đoàn Mitsubishi Corp., Taisei Corp., Japan Airport Consultants Inc. và Narita International Airport Corp. sẽ sử dụng vốn của JICA để tiến hành nghiên cứu khả thi và hoàn thành báo cáo về vấn đề này trong năm nay. Dự kiến, sân bay này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016 và có khả năng tiếp đón 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu mét khối tấn hàng hóa/năm. Đây sẽ là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á.

Cơ sở hạ tầng giao thông được coi là nhân tố quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 8%/năm trong tương lai gần và trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Thanh Tùng (p/v TTXVN tại Tôkyô)