10:07 30/10/2021

Tái thiết không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ tại Hà Nội

Đã có rất nhiều cuộc bàn thảo, rất nhiều ý kiến của giới hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đề cập đến việc chuyển đổi các nhà máy cũ tại Hà Nội thành các không gian sáng tạo, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Thủ đô thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Chú thích ảnh
Một góc tại không gian sáng tạo Complex 01, phố Tây Sơn, quận Đống Đa.

Dù còn không ít rào cản để biến ý tưởng thành hiện thực, song kinh nghiệm của thế giới và hiệu quả ban đầu của một số không gian sáng tạo tại Hà Nội đã cho thấy, hoàn toàn cho thể chuyển đổi các nhà cũ khi di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều cơ sở công nghiệp nặng và hạ tầng kiểu cũ như hầm mỏ, nhà máy luyện kim, kho tàng, bến bãi… tại các đô thị lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu đóng cửa. Nhưng thay vì phá bỏ, người ta đã chuyển đổi nhà máy và các hạ tầng cũ sang những công trình có công năng khác nhau. UNESCO đã công nhận các cơ sở công nghiệp là Di sản thế giới, đồng nghĩa với việc thừa nhận giá trị di sản của cơ sở công nghiệp cũ.

Đến nay, trên 40 cơ sở công nghiệp cũ đã được coi là Di sản thế giới. Tại các nước, nhiều cơ sở công nghiệp trở thành không gian sáng tạo thu hút đông khách tới tham quan, trải nghiệm. Điển hình như: Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp; căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab (Đài Loan, Trung Quốc) được chuyển đổi thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật đương đại; hay xưởng đóng tàu cũ FRAC Nord-Pas de Calais (Pháp) được chuyển đổi thành phòng trưng bày nghệ thuật đương đại FRAC...

Kiến trúc sư Savador Pérez Arroyo người Tây Ban Nha tự hào cho biết, nơi ông sinh sống, người ta đã chuyển đổi kho muối thành một bảo tàng để phục vụ du khách. Dù được cải tạo để chuyển đổi công năng nhưng họ vẫn giữ những bức tường cũ, kết nối quá khứ với hiện tại để khách tham quan, trải nghiệm để hình dung ra lịch sử của địa điểm đó. Phong cách kiến trúc của bức tường thể hiện yếu tố của quá khứ nhưng bề mặt chất liệu của nó thể hiện cho thời đại. Nói theo cách của kiến trúc sư, họ “đang truyền đạt quá khứ và lưu giữ thông điệp cho tương lai”. Cũng từ đó, bảo tàng mang sức hấp dẫn riêng, vừa mang hơi thở cuộc sống hiện tại nhưng vẫn lưu giữ được truyền thống cũ.

Ngay tại Hà Nội, một số nhà xưởng của các cơ sở, nhà máy cũ đã được chuyển đổi thành không gian sáng tạo. Có thể kể tới Nhà máy In báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp, cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 thành tổ hợp Zone9, Nhà máy in Công đoàn được biến thành khu tổ hợp Complex 01... Nhìn chung, các không gian này hoạt động tương đối hiệu quả, thu hút được đông đảo giới trẻ tham gia.

Thạc sĩ Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho rằng, việc chuyển đổi các nhà máy cũ sang không gian sáng tạo sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, mở ra không gian văn hóa sáng tạo và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp, duy trì truyền thống của thành phố thời kỳ công nghiệp hóa.

Mở lối cho sự chuyển đổi

Với 113 nhà máy sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời, đây được coi như nguồn tài nguyên lớn nếu thành phố chuyển đổi thành các không gian sáng tạo. Tuy nhiên, có thể hiểu, trong số này chỉ một số nhà máy có nhiều tiềm năng để chuyển đổi, không phải là tất cả. Ngay cả khi chuyển đổi, có thể chuyển toàn phần, cũng có thể chuyển một phần. Người ta có thể kết hợp chuyển đổi các nhà máy thành không gian sáng tạo kết hợp với bảo tồn di sản công nghiệp.

Mới đây, nhiều ý tưởng biến nhà máy cũ tại Hà Nội thành không gian sáng tạo đã được giới hoạt động sáng tạo đưa ra nhiều phương án có tính khả thi cao. Nổi bật nhất là phương án kiến tạo không gian sáng tạo Circle-Punk tại cơ sở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, 282 Workshop từ khu Nhà máy chế biến dầu cũ ở Long Biên, Quận đường tàu 4.0 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Các ý tưởng đều thể hiện tính độc đáo, giải pháp mới mẻ, có độ gắn kết với văn hóa và môi trường.

Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu, đại diện nhóm tác giả phương án thiết kế Quận đường tàu 4.0 cho biết, mục tiêu của phương án là cải tạo thích ứng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đáp ứng công năng mới trở thành không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng. Một mặt, bảo tồn được một phần cấu trúc của di sản công nghiệp thành phố Hà Nội nhằm gìn giữ ký ức đô thị, lấy di sản làm nền tảng của sáng tạo. Đây sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các Start-up về công nghệ với nhau, cũng như kết nối đến người tiêu dùng, họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư, khách du lịch…

282 Workshop được cải tạo từ khu Nhà máy chế biến dầu cũ tồn tại từ thập niên 70 của thế kỷ trước. 282 Workshop ra đời nhằm tạo sân chơi dành cho các hoạt động sáng tạo, triển lãm kết hợp sản xuất nhẹ. Song song với đó là các hoạt động thể thao để khuyến khích con người sống lành mạnh hướng đến tự nhiên và gắn kết chuyển thế hệ.

Trong thời gian sớm nhất, các phương án này sẽ được đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội để triển khai thực tế khi có điều kiện. Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng, sau năm 2020, thành phố sẽ di dời 113 cơ sở công nghiệp, gồm: 39 cơ sở công nghiệp tại nội đô lịch sử, 22 cơ sở tại nội đô mở rộng và 52 cơ sở khu vực đô thị mới Bắc - Nam Sông Hồng. Riêng khu vực nội đô, sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, diện tích đất sẽ dành phát triển trường học, bãi đỗ xe, cây xanh, hạ tầng xã hội và hạ tầng kiến trúc. Những công trình có giá trị sẽ được bảo tồn, phục chế, tôn tạo theo Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng cho các mục đích công cộng.

Chủ trương của thành phố như vậy sẽ mở ra nhiều kỳ vọng cho việc tái thiết không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ. Tạo cơ sở hạ tầng cho văn hóa sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển. Điều mà giới sáng tạo của Hà Nội đang mong muốn thành phố có khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi và có chính sách khuyến khích các thành phần tham gia vào việc chuyển đổi này.

Bài và ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)