10:10 31/10/2022

Tái sử dụng rơm rạ giúp gia tăng giá trị cây lúa

Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 24 triệu tấn rơm rạ.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng nấm rơm được đánh giá góp phần làm giảm tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường. 

Tuy nhiên, hiện nay lượng rơm rạ được tận dụng chỉ khoảng 30% (khoảng 7 triệu tấn). Rơm rạ còn lại trong mùa gặt thường được người dân đốt hoặc ủ vùi dưới ruộng. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho cây lúa, gây phát thải khí nhà kính. Vấn đề giải quyết rơm rạ như thế nào vừa hiệu quả, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân là câu chuyện được đặt ra.

Giá trị của rơm rạ

Làm nấm rơm 20 năm nay, anh Trần Văn Việt, quận Thốt Nốt, Cần Thơ cho biết, cũng có lúc khan hiếm không có nguồn rơm để ủ nấm. Thời điểm này, nhiều nông dân làm nấm như anh Việt "đứt hàng" cho thị trường vì không tìm mua được nguyên liệu rơm vì vụ Thu Đông mưa nhiều nên rơm ít hơn.

Theo anh Việt, mặc dù làm nấm rơm vất vả nhưng bán được giá nên những nông dân như anh (không có đất sản xuất) sẽ thuê, mượn đất để trồng nấm rơm. Người trồng nấm, diện tích trồng nấm ngày càng tăng đồng nghĩa với việc tình trạng đốt đồng, bỏ rơm rạ giảm dần so với trước đây.

Mỗi năm, anh Việt trồng khoảng 10 vụ nấm, sử dụng khoảng 200 tấn rơm. Bình quân mỗi vụ trồng, anh Việt thu hoạch khoảng 700kg nấm. Với giá bán khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Việt lãi từ 5 - 20 triệu đồng/vụ.

"Không chỉ dừng lại ở bán nấm, sau mỗi vụ nấm (sử dụng khoảng 550 cuộn rơm), tôi sẽ bán số rơm mục (đã sử dụng trồng nấm) cho các nhà vườn phủ gốc cây (mai, chanh, bưởi,...) với giá từ 2.500 đồng - 3.000 đồng/cuộn. Rơm mục không sợ bị ế vì nhà vườn luôn có nhu cầu sử dụng", anh Việt cho biết.

Nhìn thấy nhu cầu sử dụng rơm của người dân để chăn nuôi, trồng trọt tăng, năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Phát (huyện Cờ Đỏ) đầu tư 8 máy cuốn rơm, thu mua rơm từ các cánh đồng ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang,... cuốn thành cuộn bán.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Phát cho biết, mỗi năm hợp tác xã cuốn khoảng 350.000 - 500.000 cuộn rơm, số lượng này vẫn không đủ bán cho thương lái. Từ khi có máy cuốn rơm, người dân liên kết với hợp tác xã bán rơm nhiều hơn nên tình trạng đốt đồng cũng giảm.

Mỗi năm Cần Thơ sản xuất khoảng trên 1 triệu tấn lúa, tương đương với 1 triệu tấn rơm rạ; trong đó, khoảng 50% lượng rơm được tái sử dụng (trồng nấm rơm, ủ gốc cây trồng, làm thức ăn gia súc).

Mặc dù, giá bán rơm không cao, chỉ khoảng 300.000 đồng/ha nhưng việc rơm được tái sử dụng đã góp phần gia tăng giá trị cây lúa, làm giảm ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, nếu người dân có đất trống, sau mỗi vụ lúa có thể sử dụng rơm để trồng nấm, giá trị tăng thêm nhiều hơn. 500m2 đất, nếu trồng nấm rơm, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Trồng nấm rơm cũng giải quyết được lao động nông nhàn.

Trả rơm về lại với ruộng

Phát sinh khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo đang chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Việt Nam cam kết giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Để làm được điều này, dùng rơm trồng nấm, làm thức ăn cho gia sức vẫn chưa đủ.

Chú thích ảnh
Vợ chồng anh Trần Văn Việt, quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) sử dụng khoảng 200 tấn rơm mỗi năm để trồng nấm. 

Mới đây, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phối hợp với Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tiền Giang và ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ ủ phân hữu cơ từ rơm (đã sử dụng trồng nấm rơm, rơm đã hoai mục) áp dụng cơ giới hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng phân hữu cơ, tăng thêm lợi nhuận cho người dân một cách bền vững và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế, sản phẩm phân hữu cơ được dùng như chất bổ sung cho đất thay phân bón hóa học. Đối với sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân hữu cơ từ rơm thay cho thành phần Nitơ (N) từ phân hóa học. Thành phẩm phân hữu cơ được sử dụng làm giá thể hoặc được nén ép thành viên nén để thuận tiện việc bón cho cây trồng. Với lượng lớn rơm chưa sử dụng đem làm phân hữu cơ sẽ giúp tăng giá trị cây lúa rất lớn. Như vậy, rơm trở thành "chính phẩm" chứ không phải phụ phẩm nữa.

Việc áp dụng cơ giới hóa trong ủ phân hữu cơ từ rơm rạ sau khi làm nấm rơm (kết hợp phân bò, nấm vi sinh) sẽ rút ngắn thời gian thành phân (khoảng 45 ngày) so với ủ rơm lấy trực tiếp từ đồng ruộng. Việc áp dụng cơ khí trong trộn phân năng suất cao hơn làm thủ công (3 tấn/giờ). Chất lượng phân được đánh giá bằng hoặc phân hữu cơ đang phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, vì phân hữu cơ được làm từ rơm nên giá thành phân rẻ hơn khoảng 50% so với phân hữu cơ trên thị trường.

Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh (quận Thốt Nốt) - nơi được IRRI tài trợ máy trộn phân hữu cơ hiện đã sản xuất được phân hữu cơ từ rơm để phân phối ra thị trường.

Trước khi đưa sản phẩm phân hữu cơ ra thị trường bán, anh Đồng Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh đã sử dụng phân hữu cơ bón vườn ớt của gia đình mình để xem hiệu quả như thế nào. Dẫn chúng tôi thăm vườn ớt sai trĩu quả, anh Cảnh cho biết, 1m2 đất trồng ớt sẽ thu hoạch được 4kg ớt.

"Dùng phân hữu cơ do chính mình sản xuất ra vừa yên tâm, giá thành thấp hơn thị trường (dự kiến bán giá 3.000 đồng/kg) vừa đem lại hiệu quả rõ rệt. Mình làm hiệu quả mới giới thiệu được cho bà con sử dụng. Các thành viên Tổ hợp tác đều đồng tình góp vốn để sản xuất phân hữu cơ từ rơm, vừa tận dụng được nguồn rơm bỏ, vừa giảm tình trạng đốt đồng gây ảnh hưởng giao thông", anh Cảnh chia sẻ.

Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Phát (huyện Cờ Đỏ) là nơi đã và đang sử dụng phân hữu cơ để sản xuất lúa. Ông Nguyễn Thanh Hồng (Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Phát) cho biết, phân hữu cơ sử dụng hết vụ lúa vẫn còn thấy trên ruộng. Lượng phân còn lại có thể tiếp tục sử dụng cho vụ sau. Nhờ sử dụng phân hữu cơ nên ông Hồng giảm được lượng phân vô cơ, giảm được chi phí giá thành sản xuất lúa. Trước đây, nông dân cũng ủ phân hữu cơ từ rơm nhưng trộn bằng tay, vì lượng phân ít nên chỉ dùng để bón cây, đem lại hiệu quả tốt.

Ông Hồng cũng cho biết, sẽ về triển khai với các thành viên hợp tác xã đầu tư ủ phân hữu cơ từ rơm bằng cơ giới hóa. Hi vọng lượng phân sẽ đáp ứng được sản xuất lúa, giúp giảm bớt lượng phân bón vô cơ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ủ rơm rạ làm phân hữu cơ có thể tăng thêm giá trị chuỗi lúa gạo; tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Khi sử dụng rơm ủ phân hữu cơ từ rơm để trả lại cho đồng ruộng vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tăng thêm dưỡng chất cho ruộng lúa. Đặc biệt, trong tình hình giá phân bón tăng cao, việc tạo ra phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần làm giảm áp lực giá thành sản xuất lúa gạo.

Chú thích ảnh
Trồng nấm rơm là mô hình đã góp phần làm giảm tình trạng đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường và tạo thu nhập cho người dân.

Sản xuất lúa hữu cơ từ phân bón hữu cơ (được làm từ phụ phẩm cây lúa) sẽ đạt được tiêu chuẩn thân thiện môi trường, lúa đạt an toàn thực phẩm, không gây phát thải khí nhà kính thì giá trị đó là vô hình. Hạt gạo không chỉ mang chất lượng mà còn mang giá trị khác. Điều này sẽ tạo độ thân thiện cho khách hàng sử dụng sản phẩm gạo của người dân - biết bảo vệ chính cánh đồng của mình, không gây tác động xấu đối với môi trường.

"Nếu phát triển rộng ra cộng đồng, nhiều hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ từ phân hữu cơ làm từ phụ phẩm rơm rạ sẽ mang ý nghĩa bảo tồn hệ sinh thái, tạo nên nền nông nghiệp tuần hoàn", ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nông nghiệp tuần hoàn - tái sử dụng rơm rạ đang là xu hướng được các nhà khoa học, nghiên cứu khuyến khích người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng. Điều này sẽ tạo nên lợi ích kép cho chính người trồng lúa và môi trường.

Bài và ảnh: Thu Hiền (TTXVN)