12:14 01/12/2018

Tại sao vụ đụng độ trên biển cho thấy NATO không nên kết nạp Ukraine?

Cuộc đụng độ mới nhất giữa Nga và Ukraine trên Biển Azov là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tại sao Ukraine không phù hợp là một thành viên của NATO và NATO không nên kết nạp thêm thành viên mới thụ động về mặt an ninh.

Chú thích ảnh
Các tàu Ukraine bị Nga bắt giữ. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ chạm trán của Nga và Ukraine xảy ra ngày 25/11 khi tàu Nga chặn các tàu Ukraine, không cho di chuyển vào vùng nước nông giữa hai quốc gia thông qua Eo biển Kerch. 

Ukraine cáo buộc Nga ngăn chặn hành trình đi lại hợp pháp của ba tàu Hải quân và chặn đường một cách bất hợp pháp. Nga thì cáo buộc các tàu xâm nhập trái phép và có hành vi gây hấn. Một tàu Nga đã bắn vào tàu Ukraine làm một số thủy thủ bị thương. Hiện cả ba tàu và các thủy thủ đều bị Nga bắt giữ.

Theo bình luận trên tờ National Interest của ông Doug Bandow, thành viên cấp cao Viện Cato, một cuộc chiến toàn diện có thể xảy ra. Cả hai bên đang tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. 

Chú thích ảnh
Cây cầu qua Eo biển Kerch, nơi xảy ra đụng độ giữa Ukraine và Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga tuyên bố sẽ điều hệ thống phòng không S-400 tới Bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi họp nội các chiến tranh, c ảnh báo về một cuộc xung đột toàn diện với Nga. Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua thiết quân luật và đang xem xét tuyên bố tình trạng chiến tranh với Nga. Người biểu tình cũng đã đổ xuống đường phố thủ đô Kiev.

Nếu hai nước thực sự chiến tranh, cây cầu bắc qua Eo biển Kerch sẽ là mối quan ngại an ninh của Nga vì nó là một mục tiêu mà Ukraine có thể nhắm tới.

Trong thực tế, cây bút bình luận của tờ Washington Examiner Tom Rogan nói rằng Ukraine nên phá hủy các yếu tố của cây cầu. Mặc dù hành động này sẽ là leo thang căng thẳng và chắc chắn sẽ bị Nga trả đũa, nhưng cây cầu là cái gai đối với Ukraine. Nhà bình luận này thậm chí còn tuyên bố: “Mỹ có thể và nên ủng hộ Ukraine ở đây bằng sự tự tin vào năng lực quân sự của chúng ta”.

Tới nay, cuộc khủng hoảng vẫn trong tầm kiểm soát. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp nhưng sẽ không có hành động gì với Nga, một thành viên thường trực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Poroshenko. Ảnh: Reuters

Tổng thống Poroshenko đã lên Twitter kêu gọi hỗ trợ: “Chúng tôi kêu gọi các nước đối tác theo Bản ghi nhớ Budapest, kêu gọi các nước Liên minh châu Âu, các bên tham gia nhóm Normandy phối hợp các biện pháp hiệu quả để bảo vệ Ukraine. Chúng tôi kêu gọi toàn bộ liên minh ủng hộ Ukraine: chúng ta phải đoàn kết”.

Danh sách kêu gọi của ông Poroshenko gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, phần lớn châu Âu. Tuy nhiên, ông Doug Bandow cho rằng châu Âu sẽ không làm gì cả.

Trong thực tế, Liên minh châu Âu chỉ ra một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Nga khôi phục tự do đi lại trên Eo biển Kerch và kêu gọi tất cả hành động kiềm chế tối đa để giảm căng thẳng ngay lập tức”.
Phần lớn châu Âu không quan tâm lắm tới tình hình hiện nay. Họ chắc chắc sẽ không đưa tàu ra biển đối mặt với Nga thay Ukraine – quốc gia chưa gia nhập cả EU lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dường như Mỹ là quốc gia duy nhất trong danh sách kêu gọi của Ukraine có thể có động thái. Mỹ được kỳ vọng là sẽ so kè trong bất kỳ cuộc chiến nào có sự tham gia của Nga.

Theo ông Doug Bandow, may mắn là đời Tổng thống George W. Bush đã thất bại trong kết nạp Ukraine vào NATO trước kia. Nếu ông thành công, Mỹ sẽ buộc phải bảo vệ Ukraine theo Điều 5.

Nếu được Mỹ chống lưng, Ukraine sẽ có thể có cách tiếp cận với tư cách là bên tham chiến chống Nga. Tổng thống Poroshenko sẽ củng cố khả năng được bầu thêm một nhiệm kỳ nữa và có thể kích hoạt cuộc chiến mang lại khả năng thu hồi Bán đảo Crimea.

Nếu chiến tranh bùng phát, Mỹ sẽ tự động phải can dự. Tuy nhiên, tờ National Interest cho rằng Mỹ không có lý do gì phải tham chiến.

Chú thích ảnh
Ukraine chưa thể gia nhập NATO. Ảnh: AFP

Thứ nhất, Ukraine không phải là mối quan tâm an ninh lớn với phương Tây. Ukraine chịu ảnh hưởng của Liên Xô thời xưa và không có ảnh hưởng đáng kể với Mỹ hay châu Âu. Tình hình hiện nay ở Ukraine dù bất ổn nhưng không đe dọa đến ai khác.

Thứ hai, Ukraine, châu Âu và Mỹ khó có thể nói là không có lỗi. Ukraine không phải là một nền dân chủ lý tưởng. Sau nhiều năm ủng hộ “cách mạng màu” ở Ukraine, Mỹ và châu Âu đã lật đổ lãnh đạo hợp pháp có quan điểm thân Nga. Giới chức Mỹ còn không ngại ngần nói về người họ muốn làm thủ tướng Ukraine. 

Điều kỳ lạ là có một chính sách dường như đoàn kết mọi thành phần “diều hâu” mang quan điểm tự do và bảo thủ mới có quan điểm phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là chính sách liên quan tới Nga. Cả hai thành phần trên đều muốn biến Nga thành kẻ thù vĩnh viễn mà không mang lại lợi ích gì cho Mỹ.

Tại thời điểm này, có lẽ các thành phần này muốn phóng quả tên lửa đầu tiên nhằm vào Nga. Nếu Ukraine là một thành viên NATO, họ có lẽ đã có cơ hội thực hiện mong muốn trên.

Nếu Ukraine thuộc NATO, nó sẽ kéo Mỹ vào một cuộc chiến không cần thiết mà phần lớn đồng minh châu Âu sẽ không làm gì ngoài việc quan sát. 

Do đó, chuyên gia Doug Bandow kết luận rằng trong thời điểm hiện tại, Mỹ cần ngừng kết nạp các thành viên mới thụ động về an ninh. Thay vào đó, Mỹ cần tham gia đàm phán nghiêm túc kết thúc Chiến tranh Lạnh kiểu mới đang diễn ra giữa Mỹ và Nga.

Thùy Dương/Báo Tin tức