05:16 03/05/2019

Tại sao trùm sò IS mạo hiểm xuất hiện công khai sau 5 năm ẩu náu?

Với sự xuất hiện đầu tiên sau 5 năm "mất tích" trong đoạn video mới, thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi muốn thể hiện một thông điệp rõ ràng: mặc dù “vương quốc” IS tại Iraq và Syria sụp đổ nhưng mạng lưới IS toàn cầu vẫn còn tồn tại.

Chú thích ảnh
Thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong video mới. Ảnh cắt từ video.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Tại sao lại công bố đoạn video trong thời điểm này?”.

Thủ lĩnh Baghdadi gần như biến mất trong 5 năm qua, kể từ lần cuối cùng hắn xuất hiện vào tháng 7/2014 khi phát biểu tại nhà thờ Hồi giáo al-Nuri ở Mosul, Iraq. Đối với tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, bất kỳ mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài đều bị đánh giá mang tính rủi ro rất cao  – một đầu mối cho các cơ quan tình báo và quân đội lần theo để tiêu diệt.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Baghdadi lại là một minh chứng cho thấy hắn có thể đánh đổi rủi ro để giành được lợi ích từ việc công khai xuất hiện trong thời điểm hiện tại.

Khác với những tổ chức khủng bố đời trước, IS tuyên bố cho ra đời một vương quốc và thực sự hình thành nó trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Đó cũng là giá trị cốt lõi của IS, là mục tiêu tuyên truyền chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài và triển khai các cuộc tấn công đẫm máu trên toàn thế giới.

Không chỉ có vậy, IS còn tạo ra một cộng đồng “ảo” thu hút những người cảm thấy bị bỏ rơi, cô độc trong chính cộng đồng xã hội thực. “Thành tựu” đáng kinh ngạc của IS là đã khiến cho những tâm hồn mong manh, yếu đuối cảm thấy không còn cô đơn nữa, mà thay vào đó coi mình thuộc về một cái gì đó lớn lao hơn bản thân, dù rằng thứ đó ở cách xa họ hàng chục nghìn kilomet.

Hiện tại, lãnh thổ Trung Đông mà Vương quốc Hồi giáo tự xưng một thời chiếm đóng đã không còn, song các phần tử ẩn dật trong mạng lưới toàn cầu vẫn còn đâu đó nung nấu ý định tấn công trả thù.

Trên thực tế, IS hình thành mạng lưới trải rộng toàn cầu. Chúng đang ra sức tuyên truyền trực tuyến tới những thành phần cực đoan ở xa rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, mà thay vào đó chỉ là bước vào một giai đoạn mới mà thôi.

Đúng lúc này, chúng cần một thủ lĩnh ra mặt trấn an và đó là lý do vì sao Baghdadi tái xuất. Baghdadi cho rằng bất chấp mọi nguy hiểm, hắn phải ra mặt để tỏ rõ quan điểm. Hắn ca ngợi những tay súng bị tiêu diệt trong cuộc chiến tại Iraq và Syria. Sau đó, hắn ăn mừng các cuộc tấn công có mối liên hệ với IS, cụ thể là sự kiện mới nhất ở Sri Lanka. Cuối cùng hắn chỉ muốn truyền tải một thông điệp: “Bọn ta vẫn ở đây và vẫn chiến đấu – và giết người”.

Lần cuối thế giới nhìn thấy Baghdadi qua video là khi hắn tuyên bố sự ra đời của IS. Tuần này, hắn xuất hiện một lần nữa để nhấn mạnh IS tái sinh, hoặc ít nhất để những người khác tin là vậy.

Video thủ lĩnh tối cao IS tái xuất (nguồn: TIME):

Vậy đoạn video này đem lại bài học gì đối với chính sách chống khủng bố?

Đầu tiên, đây là một lời nhắc nhở giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ ở Iraq và Syria không đồng nghĩa với việc IS bị đánh bại. Muốn xóa bỏ mạng lưới khủng bố IS toàn cầu cần tiếp tục triển khai các kế hoạch đòi hỏi lực lượng quân sự trực tiếp, chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện và trang bị cho các công cụ chống khủng bố cũng như nỗ lực ngăn chặn diễn biến cực đoan.

Thứ hai, Baghdadi tái khẳng định IS là một mạng lưới toàn cầu có nghĩa là Internet sẽ vẫn là không gian chiến đấu cốt lõi của nhóm. Từ thực tế này, các công ty công nghệ cần phải nỗ lực và tăng tốc trong việc ngăn chặn và loại bỏ nội dung khủng bố được đăng tải và chia sẻ. Chính phủ cũng nên làm nhiều hơn để chia sẻ với các công ty những gì họ biết về các chiến thuật, xu hướng và đường đi mới nhất trên mạng xã hội của khủng bố.

Điều cuối cùng, sự tái xuất của thủ lĩnh Baghdadi cũng mang nghĩa nhắc nhở người dân trên toàn thế giới cần hiểu rõ điều gì đang đón đợi trong một cuộc cách mạng của IS. Tuyên bố đánh bại IS có thể dẫn đến phản ứng sai, cho rằng sẽ không còn các cuộc tấn công có mối liên hệ với IS nữa. Khi đó, nếu thực sự xảy ra các cuộc tấn công, dư luận sẽ phản ứng thái quá hơn, dẫn đến việc đánh giá sai và sai lầm trong việc ngăn chặn những vụ tấn công đẫm máu.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức