05:12 20/05/2022

Tại sao nhiều người trong giới trẻ Thụy Điển lo ngại gia nhập NATO?

Một số người trẻ ở Thụy Điển lo ngại rằng việc mất đi tính trung lập của quân đội nước này sẽ khiến họ giảm vai trò đóng góp cho hòa bình thế giới.

Chú thích ảnh
Vài trăm người biểu tình phản đối tư cách thành viên NATO của Thụy Điển bên ngoài văn phòng của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ở Stockholm. Ảnh: DW

Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 19/5, trong khi phần lớn người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập NATO, thì có những người khác thậm chí đã xuống đường để phản đối. Họ cảnh báo rằng quyết định này là vội vàng và Thụy Điển tốt hơn nên gắn bó với truyền thống trung lập của mình.

"Điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển và người dân Thụy Điển là gia nhập NATO", Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố khi bà chính thức xác nhận ý định gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới của Stockholm vào đầu tuần này.

Thông báo của bà Andersson đánh dấu sự kết thúc 200 năm trung lập về quân sự của Thụy Điển - một chính sách an ninh mà quốc gia Bắc Âu đã áp dụng từ thế kỷ 19.

Trong khi đa số người Thụy Điển lên tiếng ủng hộ nước này gia nhập NATO trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, tuy nhiên, nhiều người trẻ lại do dự hơn. Một số người thậm chí đã xuống đường ở thủ đô của Thụy Điển vào cuối tuần trước, phản đối việc quân đội nước này từ bỏ tính trung lập là một bước đi sẽ gây ra nhiều bạo lực hơn trên thế giới.

Ava Rudberg, 22 tuổi, Chủ tịch Đảng Thanh niên Cánh tả ở Thụy Điển, tham gia cuộc biểu tình, nói: “Việc gia nhập NATO sẽ gây đổ máu nhiều hơn vì NATO là một tổ chức chiến tranh chứ không phải một tổ chức hoạt động vì hòa bình. Đó là một liên minh quân sự tạo ra nhiều chiến tranh hơn và chúng tôi mong muốn duy trì hòa bình ở Thụy Điển".

Về phần mình, cô Linda Akerström, thuộc Svenska Freds- och Skiljedomsföreningen, một tổ chức phi chính phủ tại Thụy Điển, chia sẻ: "Đối với nhiều người, quyết định này là một sự thay đổi lớn vì trong suốt những năm qua, nhiều người Thụy Điển đã coi nước này có tiếng nói mang lại hòa bình trên toàn thế giới. Nhưng hiện tại, nhiều người cảm thấy quyết định gia nhập NATO là vội vàng, dựa trên sự sợ hãi".

Trong khi đó, Lisa Nabo, 27 tuổi, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên của Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển, cho biết bất chấp sự hợp tác trước đó của nước này với NATO, việc chính thức mất vị trí trung lập là một vấn đề khiến nhiều người Thụy Điển trẻ tuổi gặp khó khăn.

"Là những đảng viên Dân chủ Xã hội trẻ tuổi, chúng tôi đang gặp khó khăn với hình ảnh của chính mình lúc này, bởi vì rất nhiều người trong chúng tôi bắt đầu sự nghiệp chính trị với ý tưởng rằng chúng tôi là một tổ chức hòa bình đang đấu tranh để ngăn chặn quân sự hóa. Thật khó để kết hợp điều đó với tư cách thành viên trong NATO”, cô Nabo lưu ý.

Ngay cả khi quyết định gia nhập NATO và từ bỏ vị thế trung lập được hoàn tất, Ida Jansson, 30 tuổi, một quan chức chính sách từ Thụy Điển hiện đang ở Brussels, chia sẻ rằng nhiều đồng nghiệp của cô ở Thụy Điển muốn có nhiều cuộc thảo luận hơn về vấn này ở cấp quốc gia, để hiểu NATO sẽ làm gì và điều này có ý nghĩa gì đối với bản sắc quân sự mới của Thụy Điển.

"Cá nhân tôi, ngoài thực tế, tôi hiểu tại sao chúng tôi cần gia nhập NATO trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng lịch sử đã dạy chúng tôi rằng an ninh tập thể hiếm khi ngăn chặn xung đột. Do đó, cần cuộc thảo luận sâu rộng hơn ở Thụy Điển trước khi gia nhập để hiểu được các nghĩa vụ và lợi ích của tư cách thành viên NATO”, cố Jansson nêu rõ.

Alina Engström, một nhà phân tích về chính sách an ninh tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển nhận định: "Ưu điểm của việc từ bỏ tình trạng không liên kết quân sự có nghĩa là Thụy Điển giờ đây có thể nằm trong kế hoạch quốc phòng của NATO và được đảm bảo an ninh. Nhưng nhược điểm của tư cách thành viên liên minh nằm ở việc Thụy Điển phải điều chỉnh chính sách an ninh, cũng như sẽ bị hạn chế về sự linh động trong chính sách đối ngoại và an ninh của mình".

Công Thuận/Báo Tin tức