05:06 10/05/2019

Tại sao nhiều người dân Pakistan sợ tiêm phòng bại liệt?

Chính phủ nước Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc chiến khủng khiếp. Đó là hỗn loạn thông tin trong nỗ lực tiêm phòng bại liệt – dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa sự sống của hàng nghìn trẻ em tại quốc gia này.

Chú thích ảnh
Một em nhỏ uống vắc xin phòng bại liệt tại Peshawar, Pakistan. Ảnh: Reuters

Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi Pakistan là một trong ba quốc gia trên thế giới chưa thanh toán được bệnh bại liệt.

Vậy nhưng nhiều người Pakistan phản ứng tiêu cực với việc tiêm phòng bại liệt. Hameedullah Khan là một ví dụ. Ông phản ứng dữ dội khi bất kỳ ai tìm cách tiêm phòng bại liệt cho con mình. Ông Khan từ chối cho phóng viên quay phim, chụp ảnh và tuyên bố: “Tôi sẽ đâm bất kỳ ai khi họ đến nhà tôi với vắc xin bại liệt”.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết cuộc chiến nguy hiểm này đã bùng phát với các đội tiêm chủng vào tuần trước sau khi những phần tử cực đoan trong thành phố lan truyền tin đồn sai lệch rằng một số trẻ em đã bị nhiễm độc và tử vong vì vắc xin bại liệt, làm dấy lên nỗi sợ hãi cho nhiều người trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Những tin đồn lan truyền như cháy rừng, gây ra hoảng loạn lớn ở phía Tây Bắc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, kích động nhiều nhóm người đốt cháy trung tâm y tế của ngôi làng, chặn đường cao tốc và ném đá vào xe đi qua, nhiều nhân viên y tế bị quấy rối và đe dọa.

Nhà thờ Hồi giáo đã thông báo rằng trẻ em bị chuột rút, nôn mửa và tiêu chảy sau khi chúng bị “nhiễm độc” vì vắc xin bại liệt. Tin tức đã lan truyền trên mạng xã hội còn cho rằng một số đứa trẻ đã tử vong sau đó.

Nhiều bậc phụ huynh khi nghe tin đã vô cùng hoảng loạn và đưa con họ đến các bệnh viện, tẩy chay các cơ quan y tế. Chỉ riêng tại Peshawar, khoảng 45.000 đứa trẻ đã được bố mẹ mang tới bệnh viện và phàn nàn về các triệu chứng buồn nôn và chóng mặt… Các nhà chức trách miêu tả tình trạng này là sự kích động hàng loạt và khẳng định không có trường hợp tử vong nào được xác nhận.

Pakistan và nước láng giềng Afghanistan là hai trong số ba quốc gia trên thế giới vẫn còn tồn tại bệnh bại liệt. Một số giáo sĩ Hồi giáo còn cho rằng những câu chuyện về vắc xin là một phần trong âm mưu của phương Tây khiến người Hồi giáo bị vô sinh, trong khi các nhóm phiến quân đã giết chết gần 100 nhân viên y tế và bảo vệ với lý do họ có thể là gián điệp phương Tây kể từ năm 2012.

Những vụ giết người leo thang sau khi một bác sĩ ở Peshawar tham gia vào chiến dịch chống lại bệnh bại liệt đã giúp lực lượng Mỹ truy tìm và loại bỏ thủ lĩnh Al Qaeda Osama Bin Laden vào năm 2011.
Mới cuối tuần trước, các phiến quân đã bắn và giết chết một nhân viên y tế và hai cảnh sát bảo vệ các nhóm tiêm chủng ở Khyber Pakhtunkhwa và tỉnh Baluchistan lân cận.

Các quan chức chính phủ ngày càng lo lắng rằng sự nghi ngờ và suy nghĩ lạc hậu của một nhóm phần tử cực đoan ngày càng lan rộng rãi hơn. “Nghi ngờ trong một bộ phận xã hội từ chối tiêm chủng do niềm tin tôn giáo đang lan sang phần còn lại của đất nước, điều này chưa từng được thấy trước đây”, ông Bab Babar Atta, điều phối viên hàng đầu của chính phủ trong nỗ lực chống lại bệnh bại liệt chia sẻ với Reuters.

Hàng năm, chính phủ Pakistan đã gắn kết các chiến dịch nâng cao nhận thức với việc tuyển dụng các nhà lãnh đạo là người Hồi giáo để trấn an người dân, nhưng nghi ngờ của họ vẫn tồn tại.

Do tin đồn sai lệch vào tuần trước, gia đình của hàng trăm ngàn trẻ em ở Khyber Pakhtunkhwa và nhiều nơi khác đã từ chối tham gia vào chiến dịch mới loại trừ loại virus có thể gây bại liệt hoặc tử vong.

Anh Sai-ur-Rehman, cha của một đứa trẻ tám tuổi đã nhắc lại những tin đồn vắc xin đã bị nhiễm độc hoặc hết hạn: “Không có giọt vắc xin nào dành cho chúng ta trong tương lai!”. Thậm chí đứa con trai của anh cũng nói: “Lần sau khi họ mang vắc xin bại liệt đến trường, con sẽ trốn khỏi trường học”.

Một cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng những câu chuyện sai lệch này bắt nguồn từ hai trường học ở ngoại ô Peshawar. Các nhân viên y tế đang tìm cách tiêm chủng cho học sinh tại các trường Dar-ul-Qalam và Roza-tul-Atfaal đã liên tiếp bị từ chối.

Ông Farooq Jameel, quan chức y tế cấp cao tại Khyber Pakhtunkhwa cho biết các nhà điều tra cũng xác định và bắt giữ một người đàn ông được tìm thấy trong video nói với hàng chục trẻ em rằng vắc xin sẽ khiến chúng bị mất ý thức.

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng đã bắt giữ 16 người đàn ông khác, trong đó có một số người đã đe dọa các đội tiêm chủng trên đường phố.

Chính phủ cần giải quyết những lo ngại của họ, ông Abdul Wasey, tổng thư ký Jamat -e-Islami Pakistan ở Khyber Pakhtunkhwa chia sẻ với Reuters: “Tôi đã tiêm vắc xin cho con mình và sẽ tiếp tục tiêm vắc xin bại liệt cho chúng đến một độ tuổi nhất định, nhưng mọi người dường như vẫn còn một số quan niệm sai lầm và nghi ngờ về loại vắc xin này".

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng tại Peshawar, Pakistan. Ảnh: Reuters

Pakistan đã có những bước tiến lớn trong việc giải quyết bệnh bại liệt, nhưng các quan chức cho rằng trong khi nỗ lực tiêm chủng mới nhất đã thành công trong việc phòng ngừa bại liệt cho 37,6 triệu trẻ em thì vẫn còn 1,4 triệu đứa trẻ vẫn chưa được bảo vệ.

Để giảm bớt những lo ngại về các cuộc tấn công nhân viên y tế, các nhà chức trách đã hủy đợt tiêm chủng mới đây.

Chiến dịch toàn cầu chống lại căn bệnh bại liệt trong vài thập kỷ qua được coi là một thành công lớn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo chỉ còn 33 trường hợp mắc bệnh bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2018 và hầu hết các ca bệnh này ở Pakistan và Afghanistan. Điều nguy hiểm là khi nào còn một đứa trẻ nhiễm virus thì khi đó căn bệnh còn có thể nhanh chóng lây lan sang các quốc gia không có bệnh bại liệt và dân số chưa được tiêm chủng.

Không có cách chữa trị bệnh bại liệt, nhưng căn bệnh này có thể được ngăn chặn nếu trẻ em được phòng chống bằng vắc xin.

Bà nội trợ Nadia Gul, một trong số những nhân viên y tế tình nguyện tổ chức các đợt tiêm chủng, cho biết hai đứa trẻ sống trong một gia đình gần nhà cô chính là nạn nhân của bệnh bại liệt.

Gul kể về những nguy hiểm mà cô phải đối mặt do những tin đồn xấu xa được truyền bá bởi những phần tử không được giáo dục, nhưng cô nhất định không chịu đựng nỗi sợ hãi.

“Trong tâm trí mỗi chúng tôi vẫn tồn tại nỗi sợ hãi, nhưng chúng tôi sẽ không mất can đảm. Mục tiêu của tất cả các nhân viên y tế là chấm dứt tai họa này để không còn đứa trẻ nào bị bại liệt trên đất nước mình”, Gul cho hay.

Hải Vân/Báo Tin tức