03:07 10/03/2020

Tại sao người Mỹ có xu hướng chọn các nhà lãnh đạo cao tuổi?

Ba gương mặt sáng giá nhất của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 gồm Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu Phó Tổng thống Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump đều có điểm chung là cao tuổi.

Chú thích ảnh
Bộ ba gương mặt tiềm năng nhất của mùa bầu cử Mỹ 2020.

Theo tạp chí The Atlantic (Mỹ), khi ông Biden bước lên sân khấu ở California để ăn mừng chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba (ngày 3/3), có ba điều đã xảy ra trong vài phút. Ông đắm mình trong tiếng vỗ tay rền vang từ đám đông. Ông nhầm vợ với em gái. Và ông trình bày một bản diễn văn ngắt quãng, đôi chỗ khó hiểu, tương tự những bài diễn văn công khai gần đây của ông.

Người ta có thể cho rằng đối thủ của ông Biden sẽ nắm lấy yếu điểm này, bằng cách xoáy vào câu hỏi liệu một chính trị gia 77 tuổi có quá già để lãnh đạo nước Mỹ. Nhưng đối thủ của Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sander thì thậm chí còn hơn ông 1 tuổi, và từng trải qua một cơn đau tim trong chiến dịch tranh cử này. 

Tháng 1/2021, một trong ba gương mặt sáng giá nhất của chiếc ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, Joe Biden, Bernie Sanders và đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ trở thành tổng thống cao tuổi nhất từng đọc diễn văn nhậm chức trong lịch sử nước Mỹ.

Nước Mỹ đang có ba sự lựa chọn, ba ứng cử viên khác nhau về tư tưởng, nhưng giống nhau ở thập niên họ sinh ra, những năm 1940. 

Thật ngạc nhiên là cả ba người đều già hơn bất kỳ ai trong số ba tổng thống gần đây nhất. Nếu như cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hoặc Barack Obama được phép tham gia vào cuộc đua tranh cử năm 2020 này thì họ sẽ trở thành ứng cử viên trẻ nhất trên đường đua.

Chú thích ảnh
Người ủng hộ ông Bernie Sanders trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử. Ảnh: AP

Điều gì dẫn tới thực trạng này?

Một khả năng, đây chỉ là sự ngẫu nhiên. Bạn có thể cho rằng đó chỉ là một cuộc bầu cử mà những người hâm mộ Tổng thống Trump bị cuốn theo ông, và những gương mặt trẻ trung hơn đang chờ đợi trong "cánh gà".

Nhưng trên thực tế tuổi già đã ăn sâu trong nền chính trị tổng thống hiện đại tại Mỹ. Nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên vừa rời cuộc đua bầu cử, cũng đã 71 tuổi. Những người thua cuộc trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Thượng nghị sĩ Mitt Romney và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, sinh ra cách nhau vài tháng vào năm 1947.

Thực trạng các ứng cử viên tổng thống già nua của nước Mỹ thực sự đặt ra hai câu hỏi riêng biệt, một là "nhu cầu" và hai là "nguồn cung". Trước hết, có lý do gì để ngày nay cử tri Mỹ thích ứng cử viên lớn tuổi hơn những người trẻ hơn không? Và thứ hai, vì sao đường đồ thị tuổi của các ứng cử viên tổng thống tiềm năng lại đi lên nhiều như vậy trong những năm qua?

Lý do rõ ràng nhất khiến các ứng cử viên tổng thống Mỹ là những người cao tuổi có thể là người Mỹ đang già đi. Những người bỏ phiếu trên 65 tuổi đi bầu cử nhiều hơn các cử tri trẻ, và nghiên cứu chính trị học phát hiện ra rằng cử tri thường thích những ứng cử viên gần về tuổi tác với họ nhất. Điều này nghe có vẻ như một công thức phổ quát: Các nước dân số già “sản xuất” ra các chính trị gia cao tuổi.

Chú thích ảnh
Cử tri Mỹ tham gia bầu cử sơ bộ trong ngày Siêu Thứ Ba. Ảnh: AP

Nhưng kể từ những năm 1980, hầu hết mọi quốc gia châu Âu đều già đi, trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nổi bật lại thực sự trẻ hơn. Ở Anh, mặc dù nhóm dân số trên 55 tuổi vượt xa những người dưới 30 tuổi với khoảng cách lớn nhất thế giới, Thủ tướng đương nhiệm, ông Boris Johnson, hiện chỉ 55 tuổi. Ba chính trị gia Mỹ Biden, Sanders và Trump đều già hơn so với 5 thủ tướng gần đây của Anh.

Hiện tượng đó nói lên điều gì?

Có lẽ nó cho thấy hàng thập kỷ giới trẻ tách rời khỏi chính trị ở Mỹ. Theo tờ The Economist, số lượng người Mỹ lớn tuổi đi bỏ phiếu đã vượt xa người Mỹ trẻ tuổi với biên độ lớn hơn ở các nước thành viên OECD (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu). Điều này đặc biệt đúng ở cấp địa phương. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng độ tuổi cử tri trung bình trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương ở Mỹ là 57 tuổi, “tức là lớn hơn gần một thế hệ so với tuổi trung bình của các cử tri Mỹ”

Hoặc có thể hiện tượng đó cho thấy sự ưu tiên của người Mỹ đối với những người có kinh nghiệm. Kể từ năm 1996, mọi tổng thống mới đều có ít kinh nghiệm chính trị quốc gia hơn so với người tiền nhiệm. Tổng thống George Bush “con” già hơn nhưng có ít kinh nghiệm chính trị hơn người tiền nhiệm Bill Clinton. Nhưng ông Bush “con” lại có thời gian làm Thống đốc lâu hơn thời gian người kế nhiệm Obama từng làm nghị sĩ. Và sau đó đến Tổng thống Trump, người ban đầu bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm chính trị. Nếu bạn suy luận theo xu hướng này, có vẻ như ứng cử viên tổng thống đột phá tiếp theo của Mỹ sẽ là một người có ảnh hưởng cộng đồng 35 tuổi trên YouTube!

Nhưng "khán giả" thường có xu hướng bị hấp dẫn bởi "sự mới lạ cực kỳ" khi nó kết hợp với "sự quen thuộc sâu sắc". “Sự mới lạ” hoàn hảo trong chính trị có thể là một nhân vật khá giống Tổng thống Trump: một người nổi tiếng, đại diện cho một “cú sốc” với hệ thống chính trị. 

Chú thích ảnh
Bernie Sanders (trái) và Joe Biden, hai gương mặt tiềm năng nhất trong cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Ảnh: AP

Giới lãnh đạo Mỹ là những người già nua

Chính phủ Mỹ là một cỗ máy “cổ điển”. Độ tuổi trung bình trong Quốc hội đang gần mức cao nhất mọi thời đại. Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo phe đa số Hạ viện, lãnh đạo phe đa số Thượng viện đều trên 75 tuổi.

Và hiện tượng này không chỉ tập trung ở chính trị. Trên khắp các lĩnh vực kinh doanh, khoa học và tài chính, quyền lực tập trung ở người cao tuổi. Trong 40 năm qua, độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel đã tăng lên ở hầu hết mọi ngành, bao gồm vật lý, hóa học, y học và văn học. Trong số các công ty S&P 500, tuổi trung bình của các CEO đã tăng 14 tuổi trong 14 năm qua. Người Mỹ từ 55 tuổi trở lên chiếm chưa đẩy 1/3 dân số, nhưng họ đang sở hữu 2/3 tài sản quốc gia - một mức độ tập trung tài sản cao kỷ lục.

Sự phổ biến của quyền lực người cao tuổi chắc chắn có liên quan đến sự phổ biến của tuổi già. Người Mỹ có thu nhập cao đang sống lâu hơn bao giờ hết và cũng làm việc lâu hơn. Tỷ lệ người Mỹ trên 75 tuổi vẫn nằm trong lực lượng lao động đã tăng 85% trong 20 năm qua.

Chú thích ảnh
Số ứng cử viên cao tuổi chiếm phần lớn cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia lớn tuổi có thời gian dài hơn để xây dựng mạng lưới các nhà tài trợ, và những ứng cử viên giàu có lớn tuổi có nhiều khả năng tự bỏ tiền túi. Họ có thể đủ khả năng để tranh cử tổng thống, cả về nghĩa đen và theo nghĩa hiện sinh: Nhà tỉ phú Bloomberg, với tài sản ròng ước tính 60 tỉ USD, sẽ làm gì khác ở tuổi 80 ngoài việc tiêu tiền của mình cho các mục đích chính trị, bao gồm cả cho chính bản thân (ông đã rót nửa tỉ USD trong giai đoạn bầu cử sơ bộ vừa qua)?

Nhưng tuổi tác không chỉ là con số. Theo tờ The Atlantic, việc người cao tuổi lãnh đạo đất nước không phải đều là ưu điểm.

Trước hết, quyền lực tập trung trong tay những người già giàu có có thể sẽ dẫn đến các chính sách có lợi cho người già và người giàu, bằng chi phí của những người ít đặc quyền hơn. Và không chắc những người trẻ tuổi sẽ giành được nhiều chiến thắng về chính sách trong một chính phủ có tuổi trung bình trên 70.

Thứ hai, nghiên cứu chỉ ra rằng sự suy giảm nhận thức thường tăng tốc ở độ tuổi 70 của một người.

Và cuối cùng, thách thức quan trọng nhất với nước Mỹ và thế giới – tình trạng biến đổi khí hậu – là sự giao thoa thế hệ. Việc giải quyết thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận có tầm nhìn xa về các lĩnh vực ngoại giao, phát minh hay triển khai công nghệ mà một quốc gia già lão sẽ không thể làm chủ. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đòi hỏi khẩn cấp "đầu vào" và ý tưởng của các thế hệ trẻ, những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nó. 

Thu Hằng/Báo Tin tức