11:11 03/11/2022

Tại sao Mỹ không gửi hệ thống Patriot và Israel không gửi 'Vòm sắt' cho Ukraine?

Cả Mỹ và Israel đều do dự gửi các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến trên cho Ukraine vì những lý do an ninh của chính họ.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel. Ảnh: AFP

Đó là nhận định của chuyên gia quân sự Bradley Bowman, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington) trên tờ Newsweek mới đây. Ông Bowman cũng từng là cố vấn an ninh quốc gia cho các thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quân lực Thượng viện Mỹ.

Theo ông Bowman, trích dẫn việc Nga ngày càng sử dụng máy bay không người lái để tiến hành các cuộc tấn công ở Ukraine, tuần trước Kiev đã đề nghị Israel cung cấp hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) được đánh giá là có hiệu quả cao, có thể giúp phòng thủ trước tên lửa, máy bay không người lái và một số loại đạn pháo khác.

Việc Israel từ chối làm như vậy đã dẫn đến những lời chỉ trích từ Ukraine và một số nước phương Tây khi cuộc xung đột ở Ukraine leo thang. Nhưng trước khi chỉ trích Israel không cung cấp "Vòm sắt" cho Ukraine, trước tiên, chúng ta phải xem lý do tại sao chính Mỹ lại không cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tiên tiến Patriot cho Ukraine.

Đến nay, Mỹ đã hỗ trợ an ninh hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, trong đó có hàng loạt vũ khí và đạn dược khác nhau. Nhưng hệ thống Patriot đã "vắng bóng" trong các gói viện trợ quân sự của Washington một cách đáng chú ý.

Tại sao vậy? Điều đó chủ yếu là do quân đội Mỹ hiện không có đủ lượng Patriot để bảo vệ chính quân đội Mỹ, chứ chưa nói đến các đồng minh và đối tác của Washington, do nhiều năm không đầu tư đủ cho phòng không và tên lửa. Khoản đầu tư hạn chế đó cũng khiến cơ sở công nghiệp của Mỹ không đủ năng lực sản xuất số lượng hệ thống tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu riêng của Lầu Năm Góc và thường khiến các đồng minh và đối tác đã mua Patriot phải chờ đợi trong nhiều năm.

Do đó, bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc gửi các hệ thống Patriot cho Ukraine sẽ yêu cầu Lầu Năm Góc phải có các kế hoạch dự phòng, đồng thời vẫn phải đảm bảo khả năng phòng thủ tối thiểu cho các lực lượng Mỹ đang được triển khai ở nhiều khu vực khác nhau.

Ví dụ, vào tháng 1/2020, Iran đã phóng một số tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ ở Iraq, nơi có quân đội Mỹ. Do không có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực, quân đội Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm nơi trú ẩn. Nhờ cảnh báo sớm về cuộc tấn công, không có người Mỹ nào thiệt mạng, nhưng hơn 100 lính Mỹ bị thương hoặc sang chấn tâm lý.

Vài tháng sau, Lầu Năm Góc đã gửi các hệ thống Patriot trở lại Iraq để đề phòng các cuộc tấn công tên lửa tương tự, nhưng điều đó khó thể giúp ổn định tâm lý cho các binh sĩ đã bị thương.

Với Israel, mối đe dọa tên lửa và đạn pháo đối với nước này cũng luôn hiện hữu. Vào tháng 8, các nhóm vũ trang ở Palestine đã bắn khoảng 600 quả rocket và đạn cối vào Israel. Trước đó hồi tháng 5/2021, lực lượng Hamas đã bắn khoảng 4.360 quả rocket từ Dải Gaza về phía Israel. Trong cả hai trường hợp, thương vong ở Israel sẽ rất lớn nếu không có vai trò của "Iron Dome".

Thành công của "Vòm sắt" được cho là sẽ khiến Israel có thể gửi một số hệ thống phòng thủ này tới Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đối với Israel là các nhóm vũ trang như Hamas luôn có thể phóng tên lửa và rocket vào bên trong lãnh thổ Israel bất cứ khi nào.

Tệ hơn nữa, nhóm Hezbollah ở Liban, cũng là đối thủ của Israel, ước tính có khoảng 150.000 tên lửa các loại và 2.000 máy bay không người lái. Hầu hết các tên lửa này là những hệ thống tương đối lạc hậu, nhưng một số lượng nhỏ trong số đó là các loại vũ khí dẫn đường chính xác, đòi hỏi khả năng đánh chặn tốt hơn.

Đó là một thách thức lớn với Israel. Thật vậy, nếu Hezbollah phóng khoảng 1.500 tên lửa và đạn pháo mỗi ngày, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Israel có thể bị suy yếu. Bất chấp những nỗ lực xây dựng năng lực và khả năng phòng thủ tên lửa bổ sung, Israel vẫn cần thêm thời gian dài để có đủ khả năng phòng thủ tên lửa để đối phó với một cuộc xung đột quy mô lớn như vậy.

Ngoài ra, ông ông Bowman cho biết một số người ở Israel còn lo ngại rằng Nga có thể thu giữ được hệ thống "Vòm sắt" được gửi đến Ukraine và sau đó cung cấp tính năng kỹ chiến thuật của nó cho Iran. Nếu điều này xảy ra, các đối thủ của Israel có thể phát triển khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ "Vòm sắt" hoặc làm giảm hiệu quả của nó trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo newsweek.com)