06:10 22/06/2013

Tại sao Liên Xô biết trước việc Đức tấn công nhưng lại bất ngờ?- Kỳ 2

Năm 1918, Lênin ký sắc lệnh thành lập "Phòng đăng ký tham mưu dã chiến nước cộng hoà". Cơ quan này sau phát triển thành Cục tình báo Bộ tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU). Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, GRU luôn là một trong những tổ chức tình báo có lực lượng đông và hoạt động hiệu quả...

Kỳ 2: GRU - Kẻ tội đồ trong việc phán đoán thời điểm Đức tấn công Liên Xô


Năm 1918, V. Lênin ký sắc lệnh thành lập "Phòng đăng ký tham mưu dã chiến nước cộng hoà". Cơ quan này sau phát triển thành Cục tình báo Bộ tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU). Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, GRU luôn là một trong những tổ chức tình báo có lực lượng đông và hoạt động hiệu quả nhất. Những thông tin tình báo GRU thu thập bất kể về số lượng hay chất lượng đều vượt xa đối thủ cạnh tranh chính là Ủy ban đặc biệt toàn Nga (Cheka), tiền thân của Uỷ ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB).


Filipp Golikov, Giám đốc Cục tình báo Bộ tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô.


Tháng 6/1940, Đô đốc Filipp Golikov được bổ nhiệm làm Giám đốc GRU. Dưới sự lãnh đạo của Golikov, GRU đã xây dựng được một mạng lưới tình báo rộng khắp trên toàn thế giới, gồm rất nhiều tổ điệp báo khác nhau. Trước và trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới lần thứ II, GRU đã triển khai hoạt động tình báo rất xuất sắc, ngoại trừ một việc: phán đoán sai thời điểm quân Đức tấn công Liên Xô và đó cũng trở thành vết nhơ trong lịch sử GRU.

 

Tháng 12/1940, Richard Sorge, điệp viên lừng danh thế giới, cài cắm ở thủ đô Tôkyô (Nhật Bản), người đã cảnh báo việc ra đời của Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản III (năm 1936), Hiệp ước Đức-Nhật (năm 1940) và việc quân đội Nhật Hoàng tấn công Trân Châu Cảng, báo về một thông tin chấn động: phát xít Đức đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô. Golikov vội vàng báo cáo Stalin: theo một nguồn tin tình báo đáng tin cậy Hitler có thể sẽ tấn công Liên Xô trước khi kết thúc hoạt động tác chiến ở Mặt trận phía Tây. Mặc dù tin tình báo chiến lược này nhận được sự ủng hộ của Nguyên soái A. Grechko (người sau này trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô), nhưng nó lại không nhận được sự tin tưởng từ Stalin. Nhà lãnh đạo tối cao này yêu cầu Golikov điều tra rõ xem liệu đó có phải một thông tin giả do phát xít Đức tung ra nhằm phô trương thanh thế hay Béclin thực sự muốn "mạo phạm" Mátxcơva.


Máy bay Junkers Ju87 của Đức làm nhiệm vụ trong chiến dịch Barbarossa.


Từ đó về sau, đúng định kỳ, Golikov lại xách cặp lên gặp Stalin báo cáo tình hình quân Đức. Tháng 3/1941, Golikov trình lên Stalin một bản báo cáo tường tận, trong đó nêu rõ khả năng quân Đức tấn công Liên Xô cao nhất là sau khi nước này giành chiến thắng trước Anh và ký hiệp định hoà bình với Anh theo hướng có lợi cho mình. Ngày 15/6/1941, thông qua mạng lưới quan hệ, Richard Sorge biết được chính xác thời điểm quân Đức mở màn chiến dịch Barbarossa, tấn công Liên Xô. Thông tin này ngay lập tức được cấp báo về Mátxcơva. Ngày 16/6/1941, tin tình báo của Diêm Bảo Hàng cũng nằm trên bàn nhà lãnh đạo Cremli. Ngày 17/6/1941, điệp viên mật danh "Rado" cũng gửi về Mátxcơva một bản tin tình báo có nội dung tương tự.

 

Ngày 21/6/1941, tại hội nghị do Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập, Golikov báo cáo tình hình tập hợp lực lượng của quân đội phát xít Đức ở khu vực biên giới Xô-Đức. Lúc này, Golikov đã nắm rõ không chỉ phiên hiệu, mà cả tên của từng viên chỉ huy những đơn vị quân Đức tập kết tại khu vực biên giới Xô-Đức. Tuy nhiên, không hiểu sao Golikov lại khẳng định rằng: người Đức chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc khai chiến chống Liên Xô, thậm chí còn cam kết sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về nhận định trên.

 

Sở dĩ, Golikov có thể nói một cách chắc như đinh đóng cột như vậy là dựa trên những nhận định rất đúng quy luật của các chuyên gia phân tích của GRU. Theo họ, nếu muốn tấn công Liên Xô, quân Đức phải chuẩn bị cho việc đối phó với cái rét cắt da cắt thịt ở Liên Xô (mua áo da cừu). Nếu muốn tấn công Liên Xô trên quy mô lớn, quân Đức ít nhất phải thu gom được khoảng 6 triệu chiếc áo da cừu. Điều đó có nghĩa sẽ có nhiều triệu con cừu bị giết, dẫn tới một cuộc "trượt chân" của giá thịt cừu trên thị trường châu Âu do số lượng cung ứng thịt cừu tăng đột biến. Các điệp viên của GRU được tung đi theo dõi chặt những tin tức trên thị trường thịt cừu châu Âu, thậm chí là của cả những lò mổ cừu lớn. Tuy nhiên, GRU đã không phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào khác thường. Bên cạnh đó, các nhân viên GRU cũng chú tâm tới việc quân Đức có nghiên cứu chế tạo được loại dầu lau súng nào đặc biệt để chống lại cái rét của Liên Xô hay không thông qua việc đánh cắp những mảnh giẻ lau súng của quân Đức và phân tích biến động trên thị trường những vật dụng phục vụ cho công việc chống rét như đèn ga, lò sưởi bằng ga, bật lửa ga. Kết quả họ cũng không ghi nhận được bất cứ sự nghi ngờ nào.

 

Tuy nhiên, người Đức đã không chuẩn bị chiến tranh theo lẽ thông thường. Chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố hùng hồn của Golikov, quân Đức vượt biên giới Đức-Xô, mở màn chiến dịch tấn công dữ dội quy mô lớn nhằm vào chính nước đã ký hiệp định không xâm lược lẫn nhau với mình. Kết quả là vào thời kỳ đầu, Liên Xô đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn, Hồng quân liên tục bị đẩy lui, một phần lớn lãnh thổ Liên Xô rơi vào tay quân Đức.

 

Minh Thành (Tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ sau: Số phận những điệp viên cung cấp tin tình báo chính xác thời điểm Đức tấn công