08:14 24/08/2014

Tại sao khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây? - Kỳ cuối: Giải pháp

Với tham vọng đẩy Kiev ra khỏi tầm ảnh hưởng của Moskva, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tìm cách truyền bá những giá trị và thúc đẩy dân chủ kiểu phương Tây ở Ukraine và các quốc gia hậu Xô Viết khác.

Sự can dự của Mỹ và EU

Với tham vọng đẩy Kiev ra khỏi tầm ảnh hưởng của Moskva, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tìm cách truyền bá những giá trị và thúc đẩy dân chủ kiểu phương Tây ở Ukraine và các quốc gia hậu Xô Viết khác. Tháng 12/2013, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland cho biết Washington đã đầu tư hơn 5 tỷ USD từ năm 1991 để giúp Ukraine có "tương lai mà nước này xứng đáng được nhận". Theo đó, Chính phủ Mỹ đã cung cấp vốn cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED).

 
Tổ chức này đã tài trợ cho hơn 60 dự án nhằm thúc đẩy xã hội dân sự ở Ukraine và Chủ tịch của NED, ông Carl Gershman, đã nói rằng quốc gia này là "giải thưởng lớn nhất". Sau khi ông Yanukovych giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 2/2010, NED đã cho rằng ông này phá hoại mục tiêu của họ và vì vậy tổ chức này tăng cường các nỗ lực để hỗ trợ phe đối lập cũng như các thể chế dân chủ kiểu phương Tây ở Ukraine.

Một phụ nữ ở Donetsk bị thương sau cuộc xung đột giữa quân đội và lực lượng ủng hộ ly khai.


Chiến lược 3 mũi (mở rộng NATO, hướng đông của EU và thúc đẩy dân chủ) của phương Tây đã được tiếp thêm năng lượng và chỉ chờ để bùng phát. Đốm lửa mào đầu đã xuất hiện vào tháng 11/2013, khi ông Yanukovych từ chối một hợp đồng kinh tế lớn đã đàm phán với EU và quyết định chấp nhận một đề nghị viện trợ 15 tỷ USD của Nga để thay thế. Quyết định này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ và leo thang trong 3 tháng tiếp theo khiến hàng trăm người biểu tình thiệt mạng.

Các nhà ngoại giao phương Tây đã vội vã bay đến Kiev để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngày 21/2, chính phủ và phe đối lập đạt được một thỏa thuận cho phép Tổng thống Yanukovych để duy trì quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Nhưng ngay lập tức thỏa thuận này sụp đổ, ông Yanukovych đã trốn sang Nga vào ngày hôm sau. Chính phủ mới thân phương Tây được dựng lên tại Kiev với 4 thành viên cao cấp được cho là ủng hộ “chủ nghĩa phát xít mới”.

Mỹ sẽ phẫn nộ thế nào nếu Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự mạnh mẽ với Canada và Mexico.


Mặc dù mức độ về sự can dự của Mỹ vẫn chưa được tiết lộ, nhưng rõ ràng là Washington ủng hộ cuộc đảo chính. Bà Nuland và  Thượng nghị sĩ John McCain cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Kiev và Geoffrey Pyatt, Đại sứ Mỹ tại Ukraine, tuyên bố sau khi ông Yanukovych bị lật đổ rằng đó là "một ngày cho những cuốn sách lịch sử". Sau đó một cuộc điện thoại bị rò rỉ trong đó cho biết bà Nuland đã ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Ukraine và muốn chính trị gia người Ukraine Arseniy Yatsenyuk trở thành thủ tướng trong chính phủ mới. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Moskva cho rằng phương Tây đã đóng một vai trò nhất định trong việc lật đổ ông Yanukovych.

Do đó, hành động của ông Putin liên quan đến vấn đề Ukraine là dễ hiểu. Ukraine là một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Nga. Washington có thể không thích quan điểm của Moskva nhưng phải hiểu được logic đằng sau nó: các cường quốc luôn luôn nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm tàng gần lãnh thổ của họ. Mỹ sẽ không chấp nhận các cường quốc xa khác triển khai lực lượng quân sự của họ ở bất nơi nào ở Tây Bán cầu, gần biên giới của mình. Hãy tưởng tượng sự phẫn nộ của Washington nếu như Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự mạnh mẽ với Canada và Mexico.
 
Theo logic này, các nhà lãnh đạo Nga đã nói với các đối tác phương Tây của họ nhiều lần rằng Moskva coi việc mở rộng NATO vào Gruzia và Ukraine là điều không thể chấp nhận được, cùng với bất kỳ nỗ lực để biến những quốc gia này chống lại Nga - một thông điệp mà cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008 cũng đã kết luận rõ ràng. Kết quả là Mỹ và các đồng minh vô tình gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở Ukraine.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine

Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh giữa các bên ở đông Ukraine.


Tuy nhiên, có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh của mình nên từ bỏ kế hoạch nhằm “Tây hóa” Ukraine và thay vào đó làm thế nào để nước này là một vùng đệm trung hòa giữa NATO và Nga, giống như vị trí của Áo trong Chiến tranh Lạnh. Lãnh đạo phương Tây phải thừa nhận rằng Ukraine rất quan trọng với Moskva và rằng họ không thể hỗ trợ một chế độ chống Nga ở đó. Điều này không có nghĩa là một chính phủ Ukraine trong tương lai sẽ thân Nga hay chống NATO.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ và các đồng minh nên công khai loại trừ việc mở rộng của NATO vào cả Gruzia và Ukraine. Phương Tây cũng nên thiết kế một chương trình giải cứu kinh tế cho Ukraine được tài trợ với sự phối hợp của Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nga và Mỹ. Đã đến lúc phải chấm dứt sự hỗ trợ của phương Tây cho một cuộc Cách mạng Cam. Tuy nhiên, Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu nên khuyến khích Ukraine phải tôn trọng các quyền dân tộc thiểu số, đặc biệt là quyền ngôn ngữ của những người nói tiếng Nga.

Một số người có thể cho rằng việc thay đổi chính sách đối với Ukraine vào lúc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trên thế giới. Chắc chắn sẽ có một số thiệt hại, nhưng tổn thất của việc tiếp tục duy trì một chiến lược sai lầm sẽ lớn hơn nhiều.

Hiện nay, Mỹ và các đồng minh châu Âu phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn về vấn đề Ukraine. Họ có thể tiếp tục chính sách hiện tại của mình, điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xung đột với Nga và Ukraine sẽ bị phá hủy trong quá trình này - một kịch bản mà trong đó tất cả các bên đều là kẻ thua cuộc. Hoặc họ có thể theo hướng khác đó là làm việc để tạo ra một Ukraine thịnh vượng nhưng trung lập, không gây ra mối đe dọa với Nga và cho phép phương Tây khôi phục mối quan hệ với Moskva. Với cách tiếp cận đó, tất cả các bên sẽ cùng thắng.


Công Thuận (Theo F.A)