11:15 28/11/2014

Tại sao F-16 không thể đánh bại MiG-29, Su-27 nếu đối đầu?

Chính sách của Bộ Chỉ huy Tác chiến không quân Mỹ năm 2012 đã hạn chế các sứ mệnh của chiến đấu cơ F-16.

Chính sách của Bộ Chỉ huy Tác chiến không quân Mỹ năm 2012 đã hạn chế các sứ mệnh của chiến đấu cơ F-16.

Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng quy mô lớn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác huấn luyện của Bộ Chỉ huy Tác chiến không quân Mỹ (ACC) từ năm 2012. Đơn vị này chỉ nhận được 3,1 tỷ USD – 3/4 số tiền cần thiết để huấn luyện đầy đủ hàng nghìn phi công điều khiển 1.600 chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-22 cùng với các máy bay tấn công A-10 và máy bay ném bom B-1.

ACC đã tước bỏ nhiều nhiệm vụ quan trọng của các máy bay chiến đấu chủ yếu, do đó cắt giảm số lượng lớn giờ bay của từng phi công vốn rất cần thiết để sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc chiến tranh hiện đại tiềm năng. Vì vậy, các cuộc không chiến giáp lá cà và cơ động ở tầm thấp đột nhiên trở thành những kỹ năng quá xa lạ đối với các phi công Mỹ.

F-16 Mỹ có thể sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu đối đầu với MiG-29 hoặc Su-27.


Việc cắt giảm giờ bay bắt nguồn từ một cuộc trò chuyện trong tháng 5/2012, giữa 4 quan chức hàng đầu của Không quân Mỹ: Tư lệnh ACC Mike Hostage, Chỉ huy Tác chiến ACC Charles Lyon, tướng Donald Hoffman thuộc Bộ Trang bị Không quân và tướng Raymond Johns thuộc Bộ Cơ động Không quân. Theo đó, trong điều kiện cắt giảm ngân sách, tướng Johns cho rằng cần phải loại bỏ các thiết bị phần cứng đã bị lão hóa để tiết kiệm tiền, nhưng ông Lyon lại đưa ra ý tưởng loại bỏ bớt chương trình huấn luyện.

Kết quả là, ACC đã ra lệnh khoảng 60 máy bay ném bom B-1 gần như tạm dừng các nhiệm vụ bay tấn công ở tầm thấp và hàng trăm chiếc F-16 hủy bỏ nhiều sứ mệnh không chiến của chúng.

Ý tưởng về việc thay đổi các nhiệm vụ để giảm công tác huấn luyện và nhờ đó tiết kiệm được tiền đã có tiền lệ tại ACC. Bắt đầu từ năm 2011, chủ trương giảm việc đào tạo kỹ năng hỗ trợ ở cự ly gần trên không cho các phi công của F-16 đã được tướng William J. Rew, Phó Tư lệnh ACC đề xuất.

Theo tướng Rew, cựu phi công F-16, lịch sử đã chỉ ra rằng “các phi công không thể giỏi tất cả mọi thứ”, nhưng phi công của F-16 nên hạn chế dành thời gian vào việc huấn luyện hỗ trợ trên không ở cự ly gần trong cường độ thấp, thay vào đó là dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo hộ tống các máy bay Mỹ bay qua lãnh thổ của đối phương có hệ thống phòng thủ chặt chẽ.

Việc thay đổi nhiệm vụ huấn luyện có thể giúp tiết kiệm được một số tiền, nhưng không giúp phi công Mỹ sẵn sàng cho một cuộc không chiến cường độ cao.


Tại Iraq và Afghanistan, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ đã dành phần lớn thời gian bay vòng với tốc độ chậm ở độ cao trung bình, tìm kiếm lực lượng nổi dậy và ném bom chúng với sự hỗ trợ của các hệ thống điều khiển trên mặt đất. Nhưng sau các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, những chiến đấu cơ của Mỹ có thể sẽ phải đối đầu với những đối thủ nguy hiểm hơn.

F-16 được phát triển từ những năm 1970, có thể chiếm được chút ưu thế trước những chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-23. Nhưng rõ ràng, những máy bay chiến đấu hiện đại hơn như MiG-29 và Su-27 sẽ đặt ra nhiều thách thức và nguy hiểm cho F-16 nếu các phi công điều khiển F-16 của Mỹ chủ yếu được tập trung huấn luyện tấn công các hệ thống phòng thủ trên mặt đất.

Trong một cuộc chiến tranh hiện đại ở cường độ cao, phi công F-16 có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều chiến đấu cơ MiG-29, Su-27 hoặc các loại máy bay chiến đấu hiện đại tương tự khác. Do đó dù muốn hay không thì các phi công Mỹ cũng phải được huấn luyện để sẵn sàng cho một cuộc chiến kiểu như vậy.

Việc thay đổi nhiệm vụ huấn luyện có thể tiết kiệm cho Không quân Mỹ một số tiền, nhưng rõ ràng là tất cả những thay đổi này sẽ không giúp các phi đội của Lầu Năm Góc sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu công nghệ cao.


CT (Theo R.C.D)