11:06 14/11/2017

Tại sao 'Chiến tranh Lạnh' Saudi Arabia-Iran bị hâm nóng?

Từ một vụ tấn công tên lửa từ Yemen sang Saudi Arabia đến việc Thủ tướng Liban từ chức, không khí của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" giữa hai đối thủ ở khu vực Trung Đông là Saudi Arabia và Iran đang ngày một tăng nhiệt.

Giới chuyên gia cho rằng ít có nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp, song đặt câu hỏi vì sao căng thẳng gia tăng và cuộc khủng hoảng này sẽ diễn tiến như thế nào? Hãng tin AFP đưa ra 5 vấn đề về sự đối địch Riyadh-Tehran và những ẩn ý liên quan như sau:

Nguồn gốc của sự đối địch

Saudi Arabia - cường quốc khu vực dòng Hồi giáo Sunni, và Iran- một cường quốc khu vực khác theo dòng Hồi giáo Shiite, lâu nay có mối quan hệ đối địch phần lớn do những khác biệt về lợi ích địa chiến lược và tôn giáo. Đều hướng ra phía vùng Vịnh, hai quốc gia giàu nguồn năng lượng này đứng về các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông trong hàng chục năm qua.

Cuộc cách mạng Iran năm 1979 và sự xuất hiện của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với lập trường chống Mỹ kịch liệt, được xem là một mối đe dọa nhân đôi với các thể chế quân chủ bảo thủ do thế lực người theo dòng Sunni đứng đầu tại Bán đảo Arab, vốn là đồng minh với Mỹ. Saudi Arabia là nước "chống lưng" chính về mặt tài chính cho Tổng thống Iraq Saddam Hussein trong suốt cuộc chiến 1980-1988 với Iran. Chuyên gia nghiên cứu Clement Therme tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) chia sẻ rằng với việc Iraq yếu thế sau Chiến tranh vùng Vịnh 1991, Saudi Arabia và Iran trở thành "hai cường quốc chính trong khu vực".

Khói bốc lên sau một vụ không kích của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tại Sanaa, Yemen ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Vì sao căng thẳng leo thang gần đây?

Căng thẳng gần đây nhất xảy ra khi Riyadh và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi tháng 1/2016 sau khi người dân Iran tấn công đại sứ quán và tòa lãnh sự của Saudi Arabia tại Tehran để phản đối việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite. Sự kiện này diễn ra sau khi Tehran đạt được một thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc thế giới hồi năm 2015, điều khiến Riyadh lo sợ là một bước tiến giúp Iran thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế. Các cuộc khẩu chiến giữa Saudi Arabia và Iran ngày càng quyết liệt, liên quan đến cả Qatar, nước láng giềng của Saudi Arabia ở vùng Vịnh. Riyadh và một số đồng minh dòng Sunni của mình đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6/2017, cáo buộc Doha tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và có những mối liên hệ với Iran, điều mà Qatar bác bỏ. Hồi đầu tháng 11 này, tình trạng thù địch nhích lên một nấc thang mới.

Đầu tiên là việc Thủ tướng Liban ủng hộ Saudi, ông Saad Hariri, tuyên bố từ chức, chỉ trích "sự kìm kẹp" của Iran đối với Liban thông qua phong trào Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shiite. Vài giờ sau đó, Saudi Arabia thông báo lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn và phá hủy một tên lửa bắn từ Yemen, nơi liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đang chiến đấu chống lại lực lượng phiến quân theo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn. Diễn biến này đã làm bùng phát cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Riyadh và Tehran, với việc Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cáo buộc Iran có hành động "gây hấn quân sự trực tiếp". Tehran bác bỏ sự dính líu đến vụ tấn công tên lửa trên với việc Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo rằng "sức mạnh" của Iran sẽ đánh bại bất kỳ thách thức nào.

Trẻ em ngồi trên đống đổ nát của một ngôi nhà sau khi trúng không kích của Saudi Arabia ở ngoại ô Sanaa của Yemen. Ảnh: AFP


Tại sao căng thẳng xảy ra vào thời điểm này?

Đề cập đến cuộc chiến ở Iraq, Syria và Yemen, chuyên gia Therme tiếp tục nhận định: "Nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng hiện nay có liên quan đến sự đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia". Những tháng gần đây đã chứng kiến những thay đổi trong tình trạng đối đầu này. Ở Iraq và Syria, chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng thành công đã làm thay đổi cục diện tình hình. Các cuộc tấn công ở cả Iraq và Syria đã đẩy lùi nhóm thánh chiến ra khỏi gần hết khu vực lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ từ giữa năm 2014. Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị Max Abrahms tại Đại học Northeastern ở Boston nhận định rằng khi mối đe dọa từ kẻ thù chung IS "đã bị tiêu hủy, căng thẳng giữa hai đối thủ lịch sử này (Iran và Saudi) lại giă tăng".

Iraq hướng tới một thời kỳ hậu IS còn Riyadh lâu nay lại thực hiện các bước đi nhằm xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với chính phủ do lực lượng Hồi giáo Shiite lãnh đạo của Iraq. Các chuyến thăm viếng nhộn nhịp giữa Iraq và Saudi Arabia năm nay đã cho thấy sự nồng ấm trong mối quan hệ hai bên, trong đó phải kế đến chuyến thăm của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đến Riyadh hồi cuối tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, tại Syria, trong vòng 1 năm qua, Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do Iran hậu thuẫn lại nỗ lực giành lại sự kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ của mình bằng cách chống lại các lực lượng phiến quân, trong đó có lực lượng do Riyadh hậu thuẫn.

Giáo sư Abrahms nhận xét: "Sự đối địch giữa Saudi Arabia và Iran đã trở thành nguyên tắc hoạt động đối với các đồng minh ở Trung Đông, gợi nhớ lại cách thức mà Chiến tranh Lạnh gây chia rẽ các nước đứng về phía Mỹ và các nước đứng về phía Liên Xô". Giới phân tích cho rằng việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 cũng bồi thêm sức nặng cho tình trạng căng thẳng này. Chính sách thù địch công khai của Trump đối với Tehran đã làm "bùng nổ tinh thần chống Iran ở Bán đảo Arab" và Riyadh càng được thể lấn át, Giáo sư Abrahms tiếp tục nhận định.

Tác động của sự chia rẽ tôn giáo

Sự chia rẽ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni-Shiite giữa Saudi Arabia và Tehran là một nhân tố quan trọng trong các cuộc xung đột giữa hai nước lâu nay. Căng thẳng tôn giáo đã gia tăng kể từ cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003 vốn đưa cộng đồng người Hồi giáo Shiite lên nắm quyền lực ở Baghdad thay vì chế độ do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo như thời Saddam. Các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab 2011, trong đó Iran ủng hộ những đòi hỏi của cộng đồng Hồi giáo thiểu số Shiite trong các thể chế quân chủ ở vùng Vịnh, là một bước ngoặt nữa cho sự chia rẽ tôn giáo này. Chuyên gia Therme nhận định: "Các nước Arab dường như bị yếu thế và Iran khi đó bị coi là mối đe dọa chính đối với sự ổn định khu vực".

Cuộc khủng hoảng sẽ đi đến đâu?

Mặc dù căng thẳng gia tăng đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng nhưng không có nhiều nhận định về khả năng sẽ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Saudi Arabia và Iran. Nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Control Risks, ông Graham Griffiths chia sẻ: "Một cuộc khủng hoảng khu vực ở quy mô rộng lớn hơn khó có khả năng xảy ra", song cho rằng Riyadh có thể sẽ viện cớ vụ bắn tên lửa gần đây để thúc đẩy tăng cường cấm vận Tehran. Trong khi đó, chuyên gia Therme cho rằng Iran và Saudi Arabia nên né tránh một cuộc xung đột công khai. Ông nói: "Iran có kinh nghiệm chiến đấu với Iraq... và Saudi Arabia thì bị sa lầy trong cuộc chiến ở Yemen, sau khi không thể định hình được tương lai của cuộc cách mạng Syria... và chống lại tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq".

Phân tích lý do cho giọng điệu hiếu chiến của Riyadh, hãng tư vấn Eurasia Group nhận định Thái tử Mohammed muốn dùng giọng điệu mang chủ nghĩa dân tộc của mình "để củng cố sức mạnh cho vị thế của ông ấy" trong bối cảnh vị Thái tử này theo đuổi một chiến dịch chống tham nhũng, một động thái bị cho là để củng cố quyền lực. Ngoài ra, những tuyên bố "nảy lửa" của Riyadh đối với Iran cũng giúp "đánh lạc hướng" sự chú ý của báo chí và truyền thông đối với "những vòng xoáy" quyền lực diễn ra trong nền chính trị nội bộ của Saudi Arabia.

TTXVN/Tin tức