02:10 15/02/2011

Tài sản khổng lồ của cựu Tổng thống Mubarak ở đâu?

Sau khi tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tuyên bố từ chức, không ai nhìn thấy ông ta ở đâu. Mubarak ở đâu không quan trọng bằng tiền của ông ta ở đâu

    Sau khi tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tuyên bố từ chức, không ai nhìn thấy ông ta ở đâu. Mubarak ở đâu không quan trọng bằng tiền của ông ta ở đâu.


    Nhiều nguồn tin cho rằng Mubarak đã tẩu tán tài sản ra nước ngoài trong 18 ngày nhân dân Ai Cập biểu tình lật đổ chế độ của ông ta. Minh hoạ: current.com


    Trị giá tài sản thực sự của Mubarak vẫn là một bí mật. Một số nguồn tin cho rằng Mubarak cùng hai con trai – Gamal và Alaa – có thể đã tích lũy được một tài sản khoảng 70 tỷ USD. Thậm chí có tin ông ta đã tẩu tán tài sản sang một số quốc gia vùng Vịnh. Thụy Sĩ đã tuyên bố phong tỏa tài sản mà Mubarak cùng những người thân cận có thể có ở nước này. Chính phủ Anh kêu gọi quốc tế tham gia phong toả tài sản gia đình Mubarak. Nhưng việc truy lùng số tài sản cất giấu của nhà cựu lãnh đạo Ai Cập là hết sức nan giải.


    Không truy tố Mubarak, Thuỵ Sĩ sẽ không hoàn trả tài sản


    Trong những ngày qua, các tổ chức giám sát và luật sư đã yêu cầu cơ quan công tố Ai Cập phải điều tra hình sự đối với gia đình Mubarak cùng nhiều thân cận của ông ta. Hàng chục cựu quan chức chính phủ cũ đã bị cấm đi ra nước ngoài và nhiều người khác bị phong tỏa tài sản.


    Ai Cập không thể nào thu hồi tài sản của gia đình Mubarak nếu không xúc tiến truy tố hình sự gia đình này. Dù có phong tỏa tài sản Mubarak, Thụy Sĩ cũng không cung cấp thông tin tài khoản và thực hiện tiến trình hoàn trả cho Ai Cập nếu gia đình này không bị truy tố và kết án.


    Lương tổng thống chính thức của Mubarak, cộng thêm phúc lợi, chỉ tương đương 808 USD/tháng trong những năm 2007 và 2008.


    Tin đồn về các tài sản bí mật, như bất động sản đắt giá ở Anh, Mỹ và nhiều nơi khác, được khơi mào từ quan hệ thân thiết giữa gia đình Mubarak và giới doanh nghiệp hàng đầu Ai Cập. Theo ông Ahmed Elsayed Elnaggar, biên tập viên tờ Economic Report của Ai Cập, việc bán các công ty nhà nước và đất công với giá rẻ mạt những năm 1990 là nguồn làm giàu chủ lực cho cả hai bên. “Tư hữu hóa là tiến trình tham những lớn nhất ở Ai Cập”, ông nói.


    Gamal, 47 tuổi, con trai út của Mubarak, năm 1996 đã thành lập và làm giám đốc công ty đầu tư Medinvest Associates, trụ sở tại London, nhưng rồi từ chức vào năm 2001. Trước đó Gamal là một viên chức cao cấp của ngân hàng Bank of America tại London. Said Kaba, một thành viên trong ban giám đốc hiện thời của Medinvest, cam đoan công ty không còn liên quan đến họ hàng Mubarak. Hiện Gamal Mubarak có đăng ký sở hữu một dinh thự sáu tầng ở 28 Wilton Place, London, cách văn phòng Medinvest mấy dãy phố.


    Tiền đã ra đi?


    Những cuộc điều tra tham nhũng sẽ thử thách quyết tâm của các quan chức quân đội cấp cao đang điều hành Ai Cập trong thời kỳ quá độ. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc thanh trừng các nhà tài phiệt Ai Cập sẽ gây khó khăn cho việc hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng chính trị. Eric Lewis – chuyên gia truy tìm tài sản phi pháp quốc tế của hãng luật Mỹ Baach, Robinson & Lewis – nhận xét: “Thực tế những lời kêu gọi minh bạch chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tế.”


    Người dân đã "hạ bệ" ông Mubarak nhưng họ không thể biết được hàng chục tỉ USD liên quan đến ông giờ đang ở đâu. Ảnh: Reuters


    Một số kênh truyền thông dẫn nguồn tin tình báo phương Tây cho rằng trong 18 ngày người dân biểu tình, Mubarak đã bắt đầu di dời tài sản. Theo tờ Montreal Gazette của Canada, một nguồn tin tình báo giấu tên tiết lộ: “Chúng tôi tin rằng các cố vấn tài chính của họ đã luân chuyển một số tài sản. Nếu họ thật sự có tiền ở Thụy Sĩ thì đến lúc này tiền đã ra đi.”


    Ngân hàng đầu tư Trung Đông EFG-Hermes trụ sở ở Cairo cho biết Gamal Mubarak sở hữu 18% cổ phần của EFG Hermes Private Equity - một chi nhánh ngân hàng này. Đại diện EFG-Hermes cho biết ngân hàng không quản lý tài chánh cho gia đình Mubarak và cũng không nhận được lợi ích hay biệt đãi nào từ chính phủ Ai Cập.


    Gamal Mubarak tham gia chính trường từ năm 2000 và nhanh chóng bước vào hàng ngũ lãnh đạo đảng Dân chủ Quốc dân – đảng do Mubarak sáng lập, và rồi bị đảng này khai trừ trong tuần qua nhằm xoa dịu uất hận của dân chúng.


    Theo SGTT