11:12 03/11/2011

Tai nạn lao động, nguyên nhân từ đâu?

Để giảm TNLĐ thì một trong những việc quan trọng là phải tìm ra được các nguyên nhân gây TNLĐ.

Theo thông báo về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) 6 tháng đầu năm 2011 của Bộ LĐ,TB&XH, số vụ và số người bị TNLĐ đều tăng so với cùng kỳ năm 2010. Trên cả nước đã xảy ra 3.531 vụ TNLĐ, làm chết 273 người và làm bị thương 544 người. Các địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ nhiều nhất vẫn là TP.HCM (909 vụ với 43 người chết), Hà Nội (72/20), Bình Dương (177/17), Đồng Nai (973/12). Đây là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp khai thác mỏ và xây dựng, đặc biệt là khai thác đá. Để giảm TNLĐ thì một trong những việc quan trọng là phải tìm ra được các nguyên nhân gây TNLĐ.

Trước hết, đó là do chính các thiết bị không bảo đảm an toàn, hoặc do điều kiện làm việc không tốt. Tại những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ thì điều kiện thiết bị công nghệ lạc hậu. Trang, thiết bị an toàn thiếu hoặc không bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) nhưng chưa được kiểm tra, đăng ký sử dụng. Tiếp đó là nhận thức của người sử dụng lao động không quan tâm tới công tác an toàn và bảo hộ lao động. Thực tế, người sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp tư nhân, trong đó có cả một số doanh nghiệp nhà nước, để đảm bảo lợi nhuận mà các chi phí bị giảm tới mức tối đa, và do vậy, công tác BHLĐ bị coi nhẹ. Mặc dù đã được cảnh báo về những nguy cơ gây TNLĐ nhưng người sử dụng lao động vẫn làm ngơ, không thực hiện những giải pháp về ATLĐ, vệ sinh lao động (VSLĐ).

Người lao động cần phải tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nhận thức của chính người lao động (NLĐ) về tầm quan trọng của công tác an toàn chưa cao. Mặc dù biết mức độ nguy hiểm nhưng nhiều người sử dụng các thiết bị vẫn không tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn. Hiện nay, tất cả các thiết bị áp lực, từ các bình gas, bình chứa khí nén cho tới các lò hơi hiện đại trong các nhà máy nhiệt điện đều đã có các tiêu chuẩn an toàn trong tất cả các khâu từ sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng… nhưng người sử dụng vẫn vi phạm các tiêu chuẩn an toàn này. Số vụ TNLĐ do NLĐ không chấp hành việc thực hiện các quy định về an toàn và VSLĐ chiếm tới 23,9%, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 2,5% số vụ TNLĐ.

Một nguyên nhân nữa là do người sử dụng, vận hành thiếu hiểu biết về các thiết bị cũng như các quy định về an toàn đối với các thiết bị. Theo quy định của tổ chức lao động thế giới (ILO) thì người sử dụng có “quyền được biết-right to know” những thông tin liên quan đến hàng hoá mình mua. Thế nhưng, ở Việt Nam thì quyền này ít được các nhà sản xuất cũng như các nhà cung cấp thực hiện. Không những thế, theo chúng tôi, khách hàng Việt Nam thường dễ dãi khi mua hàng, chẳng mấy khi quan tâm, yêu cầu bảo đảm những quyền lợi này. Chúng ta cũng chưa có tập quán kiện các nhà sản xuất và các nhà cung ứng sản phẩm đã sản xuất và cung cấp các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Theo Luật Lao động, quyền được biết của NLĐ cũng được quy định rất rõ. Theo đó, NLĐ được trang bị những cơ sở pháp lý đầy đủ nhất để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó có quyền được làm việc trong điều kiện bảo đảm an toàn và VSLĐ. Nhưng nhiều khi do bị áp lực tìm kiếm việc làm, NLĐ đã không nhận thức và sử dụng hết quyền lợi của mình. Nhiều khi chỉ vì công ăn việc làm mà họ bất chấp chế độ làm việc như: Thời gian làm việc, trang thiết bị BHLĐ. Những NLĐ có trình độ thấp hoặc không có trình độ, nhất là lực lượng lao động tự do - từ các vùng nông thôn về thành phố - đành phải chấp nhận làm bất cứ việc gì, miễn làm sao có công ăn việc làm. Việc huấn luyện, đào tạo về công tác BHLĐ không được thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng chưa bảo đảm chất lượng. Phân tích nguyên nhân của các vụ TNLĐ do NLĐ không được huấn luyện về ATLĐ, đặc biệt là số lao động thời vụ không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng ngắn hạn chiếm 2,9% số vụ.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về ATLĐ còn nhiều bất cập so với quy mô và tốc độ phát triển kinh tế. Lời cảnh báo này của một vị lãnh đạo UBND TP.HCM về năng lực quản lý Nhà nước về AT-VSLĐ-PCCN tại một buổi lễ phát động tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN tại TP.HCM trước đây đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhìn lại, hệ thống luật pháp (bao gồm cả các văn bản quy phạm pháp luật lẫn các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật ) ta thấy chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, chậm điều chỉnh; việc thực thi pháp luật không nghiêm trong công tác xử lý các vi phạm về an toàn lao động… Điều này cũng làm cho TNLĐ trong đó có các vụ tai nạn cháy nổ các thiết bị chịu áp lực không giảm. Sau khi Bộ luật Lao động ra đời, tiếp theo đó là các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, đã có biết bao nhiêu vấn đề nảy sinh, nên đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, kể cả sau khi đã được sửa đổi thì việc vận dụng luật vào thực tế vẫn còn một khoảng cách.

Đối với những người làm công tác an toàn và BHLĐ tại cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan làm cho tai nạn ngày một gia tăng. Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất, nhưng đội ngũ những người làm công tác BHLĐ tại cơ sở thì hầu như chỉ là bán chuyên trách và không chuyên về nghiệp vụ.

Cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập tới nguyên nhân của các nguyên nhân: Đó là nguồn nhân lực cho công tác BHLĐ. Trong lĩnh vực BHLĐ, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa thật sự được quan tâm đúng tầm quan trọng của nó. Trong khi ở nhiều nước, lĩnh vực về an toàn đã được đào tạo hoàn chỉnh từ bậc cử nhân tới bậc tiến sĩ thì ở Việt Nam hiện nay, công tác đào tạo chuyên ngành BHLĐ mới chỉ ở trình độ kỹ sư và cũng mới chỉ bắt đầu từ năm 1992 tại Đại học Công đoàn (Hà Nội) và sau này là ở Đại học Tôn Đức Thắng tại TP.HCM.

Có lẽ, đã đến lúc các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học có thế mạnh về công nghệ cần quan tâm tới việc mở các ngành tương tự như thế này, vì đội ngũ giảng viên có chuyên môn về các chuyên ngành như công nghệ Hóa học, Cơ khí, Điện, Năng lượng… chuyển sang dạy các môn học về kỹ thuật an toàn liên quan là hết sức thuận lợi nếu họ được bổ túc kiến thức về nghiệp vụ BHLĐ.

Theo chúng tôi, để có thể đáp ứng tốt yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lĩnh vực BHLĐ cần phải được đào tạo ở trình độ sau đại học, kể cả việc đưa người đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Có như thế mới có thể góp phần vào việc giảm bớt các TNLĐ.

TS Lý Ngọc Minh