03:11 05/03/2011

Tai nạn giao thông đường sắt: SOS!

Một loạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) nghiêm trọng diễn ra đặc biệt là vụ xảy ra tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngay sau Tết Tân Mão đang gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng như ý thức tự giác chấp hành Luật Đường sắt của không ít người dân.

Một loạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) nghiêm trọng diễn ra đặc biệt là vụ xảy ra tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngay sau Tết Tân Mão đang gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng như ý thức tự giác chấp hành Luật Đường sắt của không ít người dân.

Thực tế, tình trạng đổ đất, đá, tập kết gỗ, đợi tàu xe ngay trên đường ray; người dân tự mở đường cắt ngang đường sắt; công nông, ô tô các loại thường xuyên mắc kẹt giữa đường tàu; tàu chưa qua người dân đã chen lấn xô đẩy nhau qua… vẫn đang hàng ngày diễn ra.

Đi tìm nguyên nhân

Theo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), đường sắt cả nước hiện có 5 tuyến chính, với tổng chiều dài 3.172 km, trong đó đường sắt chính tuyến có 2.682 km đi qua 33 tỉnh, thành. Trên toàn mạng đường sắt hiện có gần 6.300 đường ngang, trong đó có trên 1.500 đường ngang hợp pháp và hơn 4.700 đường ngang bất hợp pháp.

Hàng ngày, cứ đến 10 giờ sáng và 4 giờ chiều, người dân quanh khu vực thôn Trù 1, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm ( Hà Nội ) lại tổ chức họp chợ để mua bán đồ ăn, thức uống ngay trên đường tàu, khiến giao thông ở đây rất hỗn loạn. Không thể nói trước hậu quả sẽ như thế nào khi tàu ập đến. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


“Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Bảo vệ đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt. Nếu để xảy ra các vi phạm như lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong phạm vi này mà không có biện pháp giải quyết thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang đường sắt” .
(Trích Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Riêng đường sắt đi qua Hà Nội có 14 km tuyến Bắc-Nam từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (Thanh Trì) hiện có tới 55 đường ngang hợp pháp và gần 170 lối đi dân sinh bất hợp pháp.

Qua tổng hợp điều tra, có tới hơn 85% số vụ TNGTĐS trong cả nước liên quan đến hệ thống đường ngang. Phân tích các vụ TNGTĐS trong năm 2010 cho thấy, trong tổng số hơn 450 vụ, có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép. Nguyên nhân gây ra tai nạn tại đường ngang chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) của người dân sinh sống tại các khu vực này vẫn gia tăng, công tác quản lý đường ngang chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý công tác xây dựng hành lang ATGTĐS của chính quyền địa phương với ngành đường sắt. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 481.000 công trình xây dựng vi phạm hành lang cần phải giải tỏa.

Theo Ban ATGTĐS (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), có một thực tế đáng lưu ý là các vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt, do vượt đường ngang thường không phải những người sống hai bên đường sắt mà là người từ nơi khác tới.

Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Hà Nam được coi là “điểm đen” của TNGTĐS, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức kém của người tham gia giao thông và tình trạng tự ý mở đường ngang dân sinh qua đường sắt quá nhiều; thậm chí, người dân còn họp chợ ngay trên đường sắt. Mỗi ngày, “điểm đen” này có gần 30 chuyến tàu chạy qua, nhưng những vi phạm vẫn “dai dẳng”.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, sự phối hợp giữa ngành đường sắt và các ban, ngành địa phương, nơi có tuyến đường sắt đi qua vẫn có sự vênh nhau. Chính điều này khiến việc giải quyết các “điểm đen” về TNGTĐS lâm vào bế tắc.

Giải pháp từ năm 2011

Phần lớn các vụ tai nạn đều xuất phát từ lỗi của người dân, nhưng hậu quả ngành đường sắt cùng phải gánh chịu. Nhiều lái tàu mang thương tật suốt đời, tài sản trị giá hàng tỷ đồng như đầu máy, toa xe, hệ thống đường ray và lớn hơn là tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến tàu khi gặp nạn đang bị đe dọa bởi ý thức kém của không ít người tham gia giao thông.

Các đơn vị chức năng khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông giữa đoàn tàu SE8 va chạm với xe ben vượt qua đường sắt không có rào chắn (ngày 19/8/2010, địa phận xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam). Ảnh: Ninh Đức Phương-TTXVN


Để từng bước kiềm chế và giảm thiểu TNGTĐS đáng báo động hiện nay, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, việc đầu tư xây dựng đường gom và hàng rào đường gom tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư là giải pháp thiết thực nhất. Ngay trong năm 2011, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp tổ chức giao thông hợp lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giảm thiểu TNGTĐS.

Trong kế hoạch của năm 2011, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan, giảm 10% tai nạn nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và sự cố chạy tàu do chủ quan gây ra so với năm 2010, đồng thời ưu tiên xây dựng đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang ATGTĐS; xây dựng các nút giao thông lập thể tại các vị trí đường sắt quốc gia giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ; từng bước đóng các lối đi dân sinh bất hợp pháp để giảm dần số lượng giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ; tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh và các điểm đen về ATGTĐS vào các dịp vận tải cao điểm; vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang ATGTĐS…

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT đường sắt cho người dân; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm lập lại trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình đảm bảo ATGTĐS theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các địa phương cần kiên quyết không cấp đất, không để xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang ATGTĐS, không cho mở thêm các đường ngang trái phép…

Ý kiến

Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh
Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh văn phòng UBATGT Quốc gia cho biết: Việc cần làm ngay để giảm thiểu TNGTĐS là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các địa phương cùng ngành đường sắt phải triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1856/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự hành lang ATGTĐS. Việc khuất tầm nhìn của người lái tàu cũng gây nguy hiểm cho hành trình của đoàn tàu, chính vì vậy, tại những đoạn đường sắt nguy hiểm nhất thiết phải có đèn báo, biển báo giao thông.

Bất cập từ việc sử dụng chung cầu
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết: Cả nước hiện còn 24 chiếc cầu chung giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, trên tuyến Bắc-Nam có 11 chiếc. Việc sử dụng chung này đang bộc lộ những bất cập dễ gây ra tai nạn giao thông, bằng chứng mới nhất là vụ TNGTĐS nghiêm trọng tại cầu Ghềnh (Đồng Nai). Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự hành lang ATGTĐS của người dân sinh sống tại các khu vực có đường sắt chạy qua vẫn diễn ra phức tạp, công tác quản lý đường ngang chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý công tác xây dựng hành lang an toàn đường ngang của chính quyền địa phương với ngành đường sắt là những nguyên nhân chủ quan.

Khó vì chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Phạm Công Trịnh cho biết: Ngành Đường sắt đã phối hợp với các đơn vị chức năng chủ động thực hiện nhiều giải pháp, nhằm hạn chế vi phạm hành lang ATGTĐS và tổ chức đóng các đường ngang không đảm bảo an toàn, nhưng mọi nỗ lực chưa mang lại hiệu quả khi mà chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc.


Nguyễn Tiến