12:20 27/12/2017

Tại hòn đảo này, Trung Quốc dần hất cẳng Mỹ

Chính phủ đảo Grenada, nơi Mỹ đưa quân đến 34 năm trước, dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp nhận toàn bộ kế hoạch phát triển do Trung Quốc tham mưu.

Cuộc đổ bộ của lính Mỹ

Năm 1983, chính phủ của Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan coi việc xây dựng một sân bay mới tại phía Nam đảo chính Grenada, cách Miami 2.500 km về phía đông nam, là mối đe dọa với an ninh Mỹ.

Nhà Trắng lo lắng rằng đường băng dài 3km có thể đủ cho các máy bay chở hàng của Liên Xô hạ cánh, từ đây tạo điều kiện để Moskva tạo tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Binh lính Mỹ đặt chân đến Grenada năm 1983. Ảnh: Getty Images

6 ngày sau khi Thủ tướng cánh tả của Grenada, ông Maurice Bishop bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội, Tổng thống Reagan đã cho khởi động chiến dịch Urgent Fury vào ngày 25/10/1983 với lý do để bảo vệ công dân Mỹ trên hòn đảo này.

Hơn 7.000 lính Mỹ đã đến Grenada, bên cạnh đó là binh sĩ từ các quốc gia vùng Caribe. Vào thời điểm đó, hơn 100 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh lâu đời của Mỹ như Anh và Canada đều bày tỏ lo ngại về hành động quân sự của Mỹ thông qua một nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong tháng 11 cùng năm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia cho rằng sự kiện này là một trong những lý do quan trọng đằng sau thay đổi lớn trong "bức tranh" chính trị Mỹ Latinh kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Sau 34 năm, Trung Quốc thế chân

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng, từ yêu cầu của chính phủ Grenada, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang hỗ trợ hòn đảo này soạn thảo chiến lược phát triển quốc gia.

Ông Wang Yingjie, người tham gia vào việc soạn thảo kế hoạch phát triển chiến lược cho Grenada, khẳng định đã hoàn thành công việc và sẽ chuyển giao cho chính phủ hòn đảo này. Trước đó, vào tháng 11/2014, chính phủ Grenada đã công bố kế hoạch chiến lược quốc gia đến năm 2030.

Một góc Grenada. Ảnh: National Geographic

Kế hoạch phát triển do Trung Quốc vạch ra cho hòn đảo 100.000 dân Grenada bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Trong đó có xây dựng đường cao tốc nối các thị trấn đến đảo chính và đường ray tàu hỏa vòng quanh nó. Bên cạnh đó là đề nghị xây dựng cảng nước sâu có thể làm nơi “thả neo” cho nhiều tàu vận tải và tàu du lịch. Ngoài ra còn có nông trại gió thay thế các máy phát dầu diesel và sân bay hiện đại với đường băng dài hơn. Bắc Kinh còn vạch ra tương lai với Grenada là thiên đường thuế cho các công ty và cá nhân nước ngoài.

Ông Wang đồng thời cho biết kế hoạch phát triển do Bắc Kinh soạn thảo đồng thời sẽ tạo điều kiện để các công ty Trung Quốc có cơ hội đầu tư và tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng tại đảo Grenada tốt hơn. Trên thực tế, các công ty Trung Quốc vốn đã tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại đảo Grenada, bao gồm việc xây dựng sân vận động thể thao quốc gia, khắc phục hậu quả bão...

Thuyền du lịch cập bến tại Grenada. Ảnh: Shutterstock

Trang web của văn phòng tư vấn kinh tế và thương mại tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Grenada khẳng định các chuyên gia tham gia vào dự án đã đến thăm hòn đảo này vào tháng 8/2016 và gặp gỡ quan chức phụ trách ngoại giao, phát triển kinh tế, du lịch, nông nghiệp và giáo dục địa phương.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Grenada và đại sứ quán của quốc gia này tại Bắc Kinh đều từ chối phản hồi câu hỏi từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Tiến sĩ Tan Daoming tại Viện nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Học viện Xã hội học Trung Quốc ở Bắc Kinh đánh giá rằng Grenada đóng vai trò nhạy cảm trong chính trị khu vực.

Nhà sử học Jared Ward tại Đại học Akron, người từng nghiên cứu mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Caribe trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cảnh báo rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các vấn đề tại Caribe có thể là "nhát đâm sau lưng" Mỹ từ cực Bán cầu Tây trong bối cảnh Washington đang phản đối những hàng động trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Hà Linh/Báo Tin tức