01:08 05/01/2015

Tái diễn tình trạng xe “nhồi” khách

Trong hai ngày 3 và 4/1, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm (Hà Nội) sôi động hơn hẳn ngày thường, khi cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên học sinh về quê, nay trở lại thành phố làm việc.

Trong hai ngày 3 và 4/1, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm (Hà Nội) sôi động hơn hẳn ngày thường, khi cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên học sinh về quê, nay trở lại thành phố làm việc. Trong khi đó, tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) số ca nhập vện do tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch tăng 23% so với năm ngoái.

“Đi xe nào cũng vậy thôi”

Theo quan sát của phóng viên, lượng khách về bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình (Hà Nội) đông nhất vẫn là các tuyến liên tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng… Rất nhiều xe "nhồi nhét" khách, chở quá quy định nhưng vẫn qua được trạm kiểm soát cảnh sát giao thông trên tuyến quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng).

Mặc dù Bến xe Giáp Bát đã tăng cường lực lượng quản lý bến bãi, nhưng tình trạng xe ôm chèo kéo khách vẫn diễn ra. Ảnh: Viết Tôn


Vì lượng khách đứng hai bên đường đông, nhiều xe khách đã phóng nhanh, vượt ẩu để tranh khách. Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, hầu như xe nào cũng chở quá số người quy định. Trên xe khách mang biển kiểm soát 30N - 1542 của Công ty Đoàn Xuân chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Tâm (Hải Dương) phàn nàn: “Hầu như hành khách đi từ Hải Dương lên Hà Nội đều phải ngồi ghế nhựa, vì nhà xe đã "nhét" kín khách từ Hải Phòng. Xe có 45 chỗ ngồi nhưng chở tới gần 60 người. Mặc dù phải ngồi ghế nhựa nhưng nhà xe vẫn không giảm giá cho hành khách”. Đáp lại lời phàn nàn của bà Tâm, phụ xe trả lời: “Ngày Tết bà con thông cảm, đi xe nào cũng vậy thôi”. Trên thực tế, tình trạng xe nhồi nhét khách trong các dịp lễ, Tết vẫn diễn ra nhức nhối trong nhiều năm qua trên tuyến quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng.

“Chúng tôi thấy có trạm tuần tra của Công an giao thông cắm chốt phía trước Nhà máy ô tô 3-2 chi nhánh Hưng Yên, nhưng không thấy xe khách nào bị kiểm tra, xử lý. Không những chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe còn vừa lái vừa “buôn” điện thoại, khiến nhiều hành khách lo lắng”, anh Tuấn Anh đi trên xe khách 30N - 1542 của Công ty Đoàn Xuân cho biết.

Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), theo phản ánh của khách đi xe, giá vé tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/khách so với ngày thường. Bà Nguyễn Thị Lý lên xe từ bến xe Tuyên Quang về Giáp Bát cho biết: "Ngày thường tôi đi toàn tuyến chỉ có 80.000 đồng, nhưng nay nhà xe thu 100.000 đồng", còn chị Trần Thu Minh đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội bằng xe giường nằm đã phải trả thêm 40.000 đồng so với ngày thường.

Tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), lượng khách đổ dồn về bến sáng 4/1 đông từ tầm 9 giờ trở đi. Chị Mai Thanh Hòa (Sơn La) cho biết, xe chạy từ Sơn La về khá đông khách, giá tăng hơn với ngày thường 10.000 - 20.000 đồng. Lý do nhà xe đưa ra là chiều về Hà Nội có khách chứ chiều ngược lại vắng nên tăng giá vé bù. Đến trưa và chiều ngày 4/1, lượng xe từ các tỉnh về nhiều, kết hợp với nhiều xe taxi đón trả khách, lượng xe lưu thông trên đường Phạm Hùng tăng, khiến đôi lúc đoạn đường trước Bến xe Mỹ Đình ùn ứ. Lực lượng chức năng như công an quận Nam Từ Liêm, phường Mỹ Đình II, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông số 6 và bộ phận bảo vệ bến xe hướng dẫn phân luồng và yêu cầu xe không dừng đón trả khách sai quy định, xe chạy vòng vo ngoài bến, đồng thời xử phạt nghiêm lái xe không chấp hành, cố tình đón trả khách sai quy định.

Mặc dù giá xăng đã giảm 11 lần liên tiếp kể từ tháng 7/2014, với tổng mức giảm 5.710 đồng/lít. Tuy nhiên, các nhà xe chạy trên tuyến này chỉ giảm 5.000 đồng/khách, giá vé tuyến Hà Nội - Hải Phòng còn 75.000 đồng/khách, Hà Nội - Hải Dương 60.000 đồng/khách, Hà Nội - Hưng Yên là 55.000 đồng/khách. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng khẳng định, sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe chở quá tải. Tuy nhiên, không hiểu sao các xe khách chở quá số người quy định vẫn dễ dàng “qua mặt” lực lượng cảnh sát giao thông.

Tai nạn tăng cao

Chiều 4/1, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay, số lượng bệnh nhân vào cấp cứu vì tai nạn giao thông tăng cao so với năm 2014 và chiếm tỷ lệ lớn trong số các ca nhập viện. Cụ thể, trong bốn ngày từ 31/12/2014 đến 3/1/2015, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 1.045 bệnh nhân cấp cứu; trong đó, có 304 ca nhập viện do tai nạn giao thông, tăng hơn 23% so với năm 2014. Đáng chú ý, trong dịp này, Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận có tới 207 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, chiếm trên 68% tổng số ca cấp cứu bởi nguyên nhân này và tăng gần 35% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng ghi nhận có 18 ca tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, tăng gấp 3 lần so với năm trước đó; và có 13 ca tử vong bệnh viện ghi nhận được đều do chấn thương sọ não và đa chấn thương rất nặng.

Người dân đổ về TP Hồ Chí Minh sau dịp nghỉ Tết Dương lịch.


Riêng ngày 1/1 được xem là ngày cao điểm của tai nạn giao thông trong dịp này với 98 ca và có tới 65 ca bị chấn thương sọ não.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh), số ca cấp cứu do tai nạn giao thông cũng tăng lên đáng kể so với ngày thường. Trong 3 ngày từ ngày 1-3/1, bệnh viện cũng tiếp nhận 117 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, 31 trường hợp do đả thương và có 2 ca chấn thương sọ não nghiêm trọng phải phẫu thuật.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, TNGT gia tăng trong 3 ngày nghỉ (mùng 2 - 4) chủ yếu do người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để bảo đảm an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có Công điện số 01/CĐ-UBATGTQG chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra giao thông và các lực lượng công an khác đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm tốc độ, lấn đường, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, chở quá tải, quá số người quy định; đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Tổ chức phân luồng từ xa và bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực thường xuyên tại các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ hướng vào thành phố Hà Nội (đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 5), Thành phố Hồ Chí Minh (quốc lộ 1, 51, 13), sẵn sàng giải quyết các sự cố, giải tỏa hiện trường trong thời gian ngắn nhất; đặc biệt là tập trung lực lượng, phương tiện triển khai bảo đảm giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến trọng điểm ra vào thành phố trong chiều ngày 4/1.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông trên các tuyến cửa ngõ vào thủ đô thông qua các bến xe, bến tàu và trên các tuyến đường trục chính như: QL1A, 1B, QL5, nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài. Phòng đã chủ động phương án trực, bố trí lực lượng phối hợp chỉ huy điều khiển giao thông tại 336 nút giao thông có khả năng xảy ra ùn tắc trên 14 tuyến quốc lộ qua Hà Nội và các địa điểm vui chơi công cộng, điểm tham quan du lịch, trung tâm thương mại (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thủ Lệ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Tràng Tiền, Lotte; Royal City, Time City…), nên tình hình giao thông an toàn. Trong 4 ngày nghỉ Tết, Phòng CSGT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý trên 4.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ gần 200 phương tiện và hơn 1.350 bộ giấy tờ sở hữu phương tiện. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết Dương dịch 2015, trên địa bàn thành phố không xảy ra đua xe và cổ vũ đua xe trái phép. Ngoài ra, lực lượng CSGT thành phố đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các hoạt động văn nghệ, chương trình chào năm mới 2015 và nhân dân Thủ đô vui chơi, đi lại thông suốt, an toàn.

Nhóm phóng viên