06:23 26/06/2012

Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước: Từ kinh nghiệm của Viettel-Bài 2: Chú trọng yếu tố con người

Một điểm nổi bật nữa trong hành trình tái cơ cấu của Viettel chính là sự tiên tiến trong cơ chế vận hành. Theo đó, đơn vị đã mạnh dạn giao quyền, đặc biệt là giao quyền cho đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và coi đây là một cách để đào tạo, phát hiện nhân tố quản lý.

Một điểm nổi bật nữa trong hành trình tái cơ cấu của Viettel chính là sự tiên tiến trong cơ chế vận hành. Theo đó, đơn vị đã mạnh dạn giao quyền, đặc biệt là giao quyền cho đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và coi đây là một cách để đào tạo, phát hiện nhân tố quản lý. "Giao quyền sẽ thúc đẩy con người phát huy hết khả năng.


Bài học tại các chi nhánh và các công ty ở nước ngoài là khi được giao quyền, nhiều nhân viên đã trưởng thành và trở thành các cán bộ quản lý cốt cán chỉ sau một thời gian ngắn"- đại diện Viettel cho biết.


 

Cán bộ Viettel hướng dẫn nhân viên người Haiti làm việc trong liên doanh Natcom giữa Viettel với Haiti tại Poóctô Pranhxơ.

 

"Quan trọng hơn là phải điều hành nhanh, triệt để. Viettel ra đời sau, nên muốn có thị trường lớn thì phải nhanh. Ra quyết định nhanh, đầu tư nhanh, lắp đặt nhanh, phát triển thuê bao nhanh, thay đổi và thích ứng nhanh và rất nhiều cái nhanh khác nữa đã tạo nên diện mạo Viettel hôm nay". Theo lý giải của Viettel, điều hành nhanh mà không triệt để thì hậu quả để lại sẽ khôn lường. Nhận thức được vấn đề đó, nên ngay từ việc xây dựng chiến lược cũng đã được "quán triệt" yêu cầu nhanh, triệt để. Bản thân người hoạch định chiến lược phải là người trực tiếp tham gia điều hành thực hiện chiến lược, đồng thời người lãnh đạo phải có tố chất “3 trong 1”: Vừa là nhà lãnh đạo, vừa là nhà quản lý, vừa là người thực hiện, để có thể điều hành một cách triệt để, toàn diện, chi tiết và sát sao. "Mỗi chương trình, nhiệm vụ đều có người đứng đầu chịu trách nhiệm, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, điều hành kiên quyết triệt để, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý để có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng"- đại diện Viettel khẳng định.


Luôn chú trọng yếu tố con người, nên Viettel cũng chính là một trong những doanh nghiệp đã thực hiện trả lương người lao động theo cơ chế thị trường. Đây chính là một cách để thu hút, gìn giữ lực lượng lao động, cũng như nâng cao hiệu quả lao động của mỗi cán bộ công nhân viên trong tập đoàn. Việc trả lương theo cơ chế thị trường này đã được Viettel áp dụng từ năm 2007. Đến năm 2011, Chính phủ đã cho phép Viettel thực hiện thí điểm cơ chế trả lương của Tập đoàn gắn với kết quả và hiệu quả SXKD. "Cách làm này của Viettel đã tạo ra đòn bẩy thu hút, gìn giữ lực lượng lao động theo cơ chế thị trường; gắn kết quả, hiệu quả sát thực với tiền lương của người lao động. Thu hút lực lượng lao động chất lượng cao cho lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao như nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị, đầu tư nước ngoài..."- đại diện Viettel cho biết.


Bên cạnh đó, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, nên việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác quản lý, điều hành, giám sát cũng là điều được hết sức coi trọng. Trên thực tế, Viettel đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực quản lý của Tập đoàn để điều hành cả trong nước và quốc tế; từ công tác quản lý, điều hành hạ tầng kỹ thuật mạng lưới, kinh doanh, dòng tiền, hàng hóa hàng ngày, đến việc kiểm soát tình trạng hoạt động của thiết bị, tài sản. Cách làm này đã giúp doanh nghiệp biết được công việc, kết quả làm việc tới cấp nhân viên cửa hàng. "Hệ thống kiểm soát của Tập đoàn mang tính đặc thù, hoạt động độc lập nhằm giúp cho Ban Giám đốc kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành trong Tập đoàn. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm, rủi ro; khắc phục các sai sót, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn và đúng pháp luật"- lãnh đạo Viettel khẳng định.


Với ưu thế của mô hình trên, thành quả rõ ràng nhất của Tập đoàn Viettel, đã được Chính phủ ghi nhận, chính là tốc độ phát triển, cũng như nguồn doanh thu, lợi nhuận mà doanh nghiệp này đạt được. Theo báo cáo của Tập đoàn Viettel, so với năm 2000, khi Viettel chính thức tham gia thị trường, thì đến năm 2011 doanh thu của tập đoàn đã tăng gấp 2.200 lần, vốn chủ sở hữu tăng 7.400 lần, lợi nhuận tăng 15.300 lần; doanh thu tăng từ 60.608 tỷ đồng năm 2009 lên 117.300 tỷ đồng vào năm 2011. Ngoài ra, tập đoàn cũng xây dựng được mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thiết bị thông tin quân sự và dân sự và trở thành doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.


"Viettel đã xây dựng và định hướng chiến lược, mục tiêu cho mình tới năm 2015 nằm trong top 30 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, là 1 trong 10 công ty đầu tư ra quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông, CNTT; tới năm 2020 phấn đấu có một thị trường với 1 tỷ dân"- đại diện Viettel cho biết.


P.V


Bài cuối: Cần một cơ chế