06:08 26/06/2012

Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước: Từ kinh nghiệm của Viettel

Một trong những yêu cầu mà Chính phủ đặt ra với các tập đoàn kinh tế nhà nước là từng bước xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh.

Một trong những yêu cầu mà Chính phủ đặt ra với các tập đoàn kinh tế nhà nước là từng bước xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc củng cố vị trí, vai trò, cũng như tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

 

Hiện tại, cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này đều có cơ cấu đa sở hữu, chủ yếu hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Thời gian qua, hầu hết đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý, được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con... Tuy nhiên, nếu nói về kết quả của việc tái cơ cấu, thì không phải tập đoàn, tổng công ty nào cũng thành công. Bởi vậy, những điểm sáng trong tái cơ cấu như ở Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) thật sự là điều đáng được ghi nhận.

 

Bài 1: Giữ vững vị trí chủ đạo trong phát triển công nghệ viễn thông


Tái cơ cấu là "cái đích" mà Nhà nước đưa ra, nhưng con đường đi lại là "cách thức" riêng mà mỗi doanh nghiệp chọn. Và một lần nữa, những sáng tạo lại mang tới thành công cho Viettel.


 

Khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Internet 3G (truy cập internet bằng điện thoại di động) của Viettel. Ảnh: Trần Thanh Giang – TTXVN

 

Yêu cầu đầu tiên của tái cơ cấu là điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Theo đó, Nhà nước tiếp tục định hướng cho các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh những lĩnh vực chính, bên cạnh đó cho phép mở rộng sang các ngành kinh doanh liên quan nhưng phải đảm bảo tỷ trọng về cơ cấu ngành nghề cũng như cơ cấu vốn đầu tư trong và ngoài ngành kinh doanh chính không thấp hơn 70/30, đồng thời phải bảo đảm tính hiệu quả, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, có lãi. Cách làm này nhằm tối đa hóa hiệu quả vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro, đồng thời làm xuất hiện cơ hội kinh doanh sang lĩnh vực mới và hỗ trợ trở lại cho ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp.


Trước yêu cầu này, Viettel khẳng định hướng đi là "tiếp tục xác định là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, kinh doanh đa ngành nghề, lấy viễn thông và công nghệ thông tin là ngành kinh doanh chính, đảm bảo tỷ trọng về cơ cấu ngành nghề cũng như cơ cấu vốn đầu tư trong và ngoài ngành kinh doanh chính không thấp hơn 70/30; trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao". Bên cạnh đó, sẽ mở rộng, phát triển sang các ngành kinh doanh có liên quan nhưng đảm bảo mang lại tỷ suất lợi nhuận, có lãi như: Nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông; Phân phối, bán lẻ; Thương mại điện tử; Truyền hình, nội dung thông tin; Đầu tư bất động sản; Đầu tư tài chính,... nhằm tối đa hóa hiệu quả vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro, làm xuất hiện cơ hội kinh doanh sang lĩnh vực mới và hỗ trợ trở lại cho ngành kinh doanh chính của tập đoàn.


Xác định thị trường trong nước là cốt lõi, tận dụng, phát huy tối đa thế mạnh, nguồn lực để mở rộng hoạt động ra toàn cầu, Viettel cũng vừa tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh viễn thông trong nước, nhằm bảo đảm hiệu quả tối đa, vừa đẩy mạnh triển khai kinh doanh truyền hình cáp tới từng huyện, từng xã để phát triển ngành nghề mới. Đồng thời tiếp tục triển khai kinh doanh có hiệu quả tại Lào, Campuchia, Haiti, Môdămbích, và dự kiến chính thức khai trương kinh doanh tại Pêru vào 2013 và mở rộng tiếp tại Tandania, Timo Lexti...


 

Toàn cảnh trung tâm giải đáp. Ảnh: Minh Tú - TTXVN

 

"Chúng tôi phấn đấu tiếp tục là doanh nghiệp chủ lực, chủ đạo trong phát triển công nghệ viễn thông, kể cả phát triển hạ tầng và dịch vụ, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế có thương hiệu tầm cỡ trong khu vực và quốc tế, làm nòng cốt để nước ta trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin"- đại diện tập đoàn Viettel cho biết.

 

Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện


Với việc tái cơ cấu, như đã khẳng định ở trên, thì vấn đề kiện toàn về mô hình tổ chức là một trong những điều cốt yếu. Và cách làm của Viettel cũng thật... táo bạo. Khác với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã quyết định thay đổi mô hình tổ chức, lựa chọn mô hình hội đồng thành viên hay chủ tịch công ty để quản lý, Viettel quyết định tiếp tục áp dụng mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc.


"Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ đã khẳng định tính ưu việt của cơ cấu tổ chức mà Viettel đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc, đó là chế độ một người chỉ huy dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy Tập đoàn. Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, tại Viettel, Đảng ủy Tập đoàn đồng thời đảm nhận chức năng nhiệm vụ của Hội đồng thành viên. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng.Tập đoàn không tổ chức Hội đồng thành viên để quyết sách những chủ trương định hướng vốn mà đó là quyền của Đảng ủy Tập đoàn. Ban Giám đốc Tập đoàn tập trung chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ Tập đoàn xuống cơ sở. Tổng giám đốc Tập đoàn là người được Nhà nước và Quân đội cử ra quản lý, điều hành. Đó là một sự khác biệt đã đem lại thành công cho Viettel"- đại diện tập đoàn nhấn mạnh.


Theo mô hình này, công ty mẹ trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện dẫn dắt, định hướng và kiểm soát chặt chẽ các đơn vị thành viên thông qua chiến lược, tài chính, nhân sự cấp cao, đầu tư, mua sắm, khoa học công nghệ và định hướng đào tạo, nghiệp vụ; hình thành tổ chức trực thuộc công ty mẹ trực tiếp điều hành kinh doanh và phát triển hạ tầng mạng lưới trên toàn cầu (cả trong và ngoài nước). Đặc biệt, sẽ sử dụng mô hình trực tuyến ma trận; tổ chức bộ máy điều hành kinh doanh toàn cầu."Tổ chức các công ty, đơn vị hợp lý, tinh gọn, kết hợp trước mắt và lâu dài, hỗ trợ và liên kết chặt chẽ cho nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, tạo chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết giữa các đơn vị, ngành nghề kinh doanh của tập đoàn. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và từng thời điểm để vận dụng và điều chỉnh tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, đó là cách chúng tôi chọn"- vẫn đại diện này khẳng định. Tuy nhiên, với mô hình này, lãnh đạo Viettel cũng đã chú trọng việc tạo hành lang pháp lý, giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc tổ chức xây dựng, triển khai, sắp xếp bộ máy theo yêu cầu nhiệm vụ SXKD của doanh nghiệp, tăng tính tự chủ và gắn trách nhiệm vào kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chính bởi vậy, các công ty con dù trực tiếp do công ty mẹ quản lý, vẫn phát huy được tính tự chủ của mình.

 

P.V

Bài 2: Chú trọng yếu tố con người